Vĩnh Phúc Khẳng định vai trò chủ lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp điện tử
TCCS - Xác định công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò then chốt và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng chính sách mang tính đột phá để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện…
Sau 27 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Tính chung cho cả giai đoạn 10 năm 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 9,92%/năm, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào tăng trưởng nền kinh tế.
Trong đó, nhóm sản phẩm điện tử, thiết bị điện có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 56,6%/năm, đưa tỷ trọng đóng góp của ngành trong cơ cấu công nghiệp tỉnh tăng nhanh, từ 1,6% năm 2010 lên 11,4% năm 2015 và đến năm 2020 chiếm tới 43,5% trong cơ cấu công nghiệp tỉnh, trở thành ngành có đóng góp thứ hai trong các nhóm ngành công nghiệp. 7 tháng đầu năm 2024, bất chấp những ảnh hưởng của biến động kinh tế - chính trị thế giới, ngành công nghiệp điện tử của tỉnh vẫn có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn; doanh thu sản xuất tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và nền kinh tế của tỉnh. Đến nay, ngành điện tử và thiết bị điện đã thu hút được trên 200 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tăng thêm 134 doanh nghiệp so với năm 2015 và 170 doanh nghiệp so với năm 2010. Trong đó có 6 doanh nghiệp FDI được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
Mặc dù số doanh nghiệp của ngành có số lượng không lớn, chỉ chiếm 12,4% số doanh nghiệp ngành công nghiệp, nhưng đến nay đã thu hút và tạo việc làm cho trên 52.400 lao động, đóng góp 34,8% số lao động doanh nghiệp ngành công nghiệp và trở thành ngành có số lượng lao động đông đảo nhất trong các nhóm ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh. Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử chiếm gần 50% doanh nghiệp FDI toàn tỉnh. Ngoài ra, ngành hiện có đến 40 doanh nghiệp có quy mô lao động từ 300 lao động trở lên, chiếm 43,5% số lượng doanh nghiệp có cùng quy mô toàn ngành công nghiệp tỉnh.
Có được kết quả đó, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang thông thoáng; ưu tiên thu hút phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng mặt bằng sạch đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, phía doanh nghiệp cũng chủ động cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử thông minh, như: Máy tính bảng, điện thoại di động, laptop, đồng hồ thông minh... gia tăng; một số hãng đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới với nhiều thay đổi trong thiết kế phần cứng và phần mềm, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng… Tất cả yếu tố này đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có đơn hàng ổn định từ các đối tác là các tập đoàn công nghệ lớn.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án, nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử bắt đầu đi vào hoạt động, góp phần gia tăng sản lượng và doanh thu cho ngành. Một trong những doanh nghiệp điển hình là Công ty cổ phần Lumi Việt Nam. Trải qua 12 năm không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm chủ công nghệ lõi, Lumi Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực nhà thông minh chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam và là thương hiệu duy nhất xuất khẩu sản phẩm ra 8 quốc gia trên thế giới.
Để hiện thực hóa sứ mệnh mới, tầm nhìn mới và chinh phục thị trường IoT đầy tiềm năng, cuối tháng 4 vừa qua, công ty đã khánh thành Lumi Smart Factory tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc với quy mô 6.000m2 và tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Không chỉ sản xuất các thiết bị smarthome, thiết bị lighting cho Lumi Việt Nam, Lumi Smart Factory còn mở rộng kinh doanh các lĩnh vực ODM, OEM, EMS cho đối tác trong nước và quốc tế. Đây được coi là nhà máy sản xuất thiết bị IoT/smarthome Make In Vietnam công nghệ cao và quy mô đầu tiên của Việt Nam, khẳng định vị thế dẫn đầu của thương hiệu và tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp. Cụ thể, nhà máy được đầu tư các trang bị các thiết bị, máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến từ các cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản... Đồng thời, áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp với dây chuyền công nghệ sản xuất PCBA theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Nhờ đó, công suất thiết kế hằng năm của Lumi Smart Factory lên đến 1.000.000 thiết bị smart home; 500.000 thiết bị smart lighting và hàng triệu thiết bị IoT khác. Mọi sản phẩm tại nhà máy, từ mạch PCBA đến sản phẩm IoT/smarthome hoàn thiện đều bảo đảm độ chính xác, tin cậy, hoạt động ổn định và thẩm mỹ tốt nhất.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc phần lớn vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; đa số các doanh nghiệp FDI đều sử dụng linh kiện, vật liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có ít cơ hội cung cấp cho các doanh nghiệp FDI của ngành công nghiệp điện tử. Trên thực tế, hiện chưa có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào của tỉnh tham gia vào việc cung cấp sản phẩm chế tạo cho các doanh nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh.
Để ngành sản xuất điện tử và thiết bị điện tiếp tục khẳng định vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế. Đến năm 2030, từng bước hạn chế và không khuyến khích thu hút đầu tư doanh nghiệp gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động và có giá trị gia tăng thấp trong ngành điện tử và thiết bị điện; chuyển sang tập trung thu hút sản xuất và phát triển các sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao bảo đảm phát triển bền vững.
Cùng với đó, tăng cường mối liên kết, quan hệ sản xuất giữa các doanh nghiệp nội địa trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc với doanh nghiệp FDI; hình thành môi trường thuận lợi cho chuyển giao công nghệ trên cơ sở hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp sản xuất trong nước về công nghệ, quản lý, ứng dụng, kinh nghiệm sản xuất; tạo hiệu ứng lan toả công nghệ, lan toả kỹ năng trong phát triển ngành điện tử, sản phẩm linh kiện điện tử và thiết bị điện; khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp gắn kết phát triển công nghiệp điện tử, hình thành và phát triển các sản phẩm kết hợp trong lĩnh vực cơ điện tử./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử  (11/06/2024)
Nền sản xuất công nghiệp - mục tiêu công nghiệp hóa bảo đảm quốc phòng và an ninh kinh tế  (05/06/2024)
Cơ cấu lại ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị  (22/04/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp