Tỉnh Ninh Bình thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau
TCCS - Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình luôn ưu tiên thực hiện các mục tiêu kinh tế đi kèm với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, coi đây là hai nhiệm vụ trong một mục tiêu chung phải được thực hiện nhất quán và hiệu quả.
Từ mục tiêu bảo đảm an sinh, an ninh và an dân
Chính sách an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Qua gần 40 năm đổi mới, nước ta đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta đã coi nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt như là diệt giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ đổi mới, cụm từ “an sinh xã hội” được chính thức sử dụng tại Đại hội IX của Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngày 24-11-2023, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Nghị quyết số 42-NQ/TW xác định tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Nghị quyết số 42-NQ/TW đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Nghị quyết số 42-NQ/TW có sự điều chỉnh về tiếp cận, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Nghị quyết số 42-NQ/TW xác định nhiệm vụ: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững và công bằng xã hội. Chú trọng phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật. Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia. Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân; đa dạng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế”(1).
Chính sách an sinh xã hội là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Trên cơ sở quan điểm, đường lối, chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, Ninh Bình tập trung triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm mở rộng diện bao phủ.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình chủ động ban hành nhiều chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm,… nâng cao đời sống nhân dân và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định những kết quả đạt được: “An sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm, bảo đảm, mở rộng phạm vi bao phủ. Chế độ chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được triển khai nghiêm túc, nhanh chóng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để tiêu cực, trục lợi chính sách, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân. Công tác giảm nghèo đa chiều bền vững được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt, từng bước nâng mức sống của nhóm hộ nghèo, hạn chế tối đa số hộ tái nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 3,07% năm 2021 còn 2,36% năm 2022, ước thực hiện năm 2023 còn 2,11%. Công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, đầu tư theo hướng tập trung vào nghề trọng điểm, gắn với thị trường lao động. Hoạt động khoa học - công nghệ có chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng và đưa vào cuộc sống(2). Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực:
Về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Ngày 23-5-2018, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Ngày 31-7-2018, Tỉnh ủy Ninh Bình đã xây dựng Chương trình hành động số 25-CTr/TU “Về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội””. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 142/KH-UBND, ngày 17-8-2022, “Về thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”; Công văn số 776/UBND-VP6, ngày 21-10-2022, “Về việc tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm y tế”, bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 61/2022/NQHĐND, ngày 27-10-2022, “Về việc quy định hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế đối với một số nhóm đối tượng có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Những cơ chế, chính sách trên đã đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng lên: đến tháng 6-2023, có 159.395 người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; 920.217 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 91,04% dân số. Từ năm 2020 đến nay, đã hỗ trợ trên 22 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 900 nghìn người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên và hộ nông, lâm, ngư có mức sống trung bình.
Về chính sách giải quyết việc làm cho người lao động
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Đề án số 10/ĐA-UBND, ngày 18-11-2010, “Về đào tạo nghề tại tỉnh Ninh Bình đến năm 2020”; Kế hoạch số 10/KH-UBND, ngày 8-2-2018, “Về đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020”. Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngày 5-7-2021, “Về thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”; Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 20-4-2022, “Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”. Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND, ngày 6-7-2017, “Về đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng cho lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 - 2020”… Nhờ đó, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Ninh Bình đã giải quyết việc làm trên 102.600 người (trung bình mỗi năm tạo việc làm cho trên 20.000 lao động), trong đó giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động 6.252 người (trung bình mỗi năm đưa trên 1.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 25% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020)(3). Năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình đã giải quyết việc làm cho 20.649 người lao động, trong đó đưa 1.750 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh giữ ổn định mức dưới 2%/năm. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 55 nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65% năm 2020 lên 68% năm 2022, ước đến năm 2025 đạt 72% trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ ước đạt 32%, góp phần nâng chỉ số thành phần đào tạo lao động trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 11 trong cả nước; giải quyết việc làm cho trên 66 nghìn lao động, trong đó đưa gần 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về chính sách giảm nghèo
Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, tập trung cho công tác này, coi đây nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp. Chính sách giảm nghèo được lồng ghép và gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Diện mạo, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Bước vào năm 2024, toàn tỉnh Ninh Bình còn 5.905 hộ nghèo (chiếm 1,86%) và 7.207 hộ cận nghèo (chiếm 2,27%).
Để tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, quan tâm đến hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách thiết thực, hiệu quả, Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 đã ban hành kế hoạch về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở rà soát và xác định đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò trong việc ban hành và thực hiện các văn bản chỉ đạo, có cơ chế, chính sách về công tác giảm nghèo; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo; huy động các nguồn lực, giao nhiệm vụ và tạo điều kiện giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình luôn bám sát cơ sở, chuyển tải vốn kịp thời cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Về công tác trợ giúp xã hội
Xác định bảo trợ xã hội là một phần quan trọng trong công tác an sinh, bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh Ninh Bình ban hành các chính sách bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi trở thành chỗ dựa vững chắc cho đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Ngày 7-6-2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch số 104/KH-UBND, ngày 19-10-2020, “Về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”; Kế hoạch số 52/KH-UBND, ngày 12-4-2021, “Về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030”… Vì vậy, công tác trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm triển khai hiệu quả, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, nhất là việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình quan tâm đến hoàn thiện cơ chế, chính sách về cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin để bảo đảm cuộc sống cho người dân.
“Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”,… là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Vì vậy, tôn vinh toàn diện và đầy đủ đối với người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người gặp khó khăn trong cuộc sống; điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm, vay vốn, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú... Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả trong những năm qua là thành lập và duy trì hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” tỉnh bảo đảm theo đúng quy chế, quy định tài chính, sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Với sự chung tay, góp sức của các lực lượng trong xã hội, tính đến ngày 25-11-2023, tổng số tiền vận động ủng hộ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” của cả 3 cấp đạt trên 56,7 tỷ đồng. Thông qua nguồn kinh phí của “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”, tỉnh Ninh Bình chăm lo tốt hơn cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn: tập trung nguồn lực xây, sửa nhà cho các đối tượng với mức hỗ trợ 50 triệu đồng 1 nhà xây mới, 25 triệu đồng 1 nhà sửa chữa, trong 6 năm qua, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” đã giúp cho 935 hộ nghèo, hộ chính sách có nhà khang trang, kiên cố để ở, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” còn dành nguồn kinh phí để hỗ trợ mua và tặng xe lăn cho 117 thương, bệnh binh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giúp việc đi lại của các thương, bệnh binh trở nên dễ dàng hơn, sức khỏe, tinh thần được cải thiện.
Chủ động, kịp thời trong những tình huống đột xuất
Đặc biệt, vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã có nhiều hoạt động chung tay, chung sức, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Sự giúp đỡ thiết thực của các tổ chức, cá nhân có ý nghĩa to lớn, thể hiện đạo lý nhân văn sâu sắc, góp phần động viên, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Theo đó, tỉnh Ninh Bình phát động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ủng hộ ít nhất 1 ngày lương. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, cán bộ quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp, hộ gia đình tự nguyện ủng hộ với khả năng cao nhất có thể. Chỉ trong thời gian ngắn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận tổng số tiền 7,6 tỷ đồng của 59 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình phát động đợt quyên góp sách, vở, đồ dùng học tập ủng hộ học sinh và các trường học bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 và mưa, lũ với gần 120 nghìn cuốn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, trên 500 nghìn vở viết, 160 nghìn chiếc bút, gần 5.000 ba lô, cặp sách, cùng hàng chục nghìn dụng cụ, đồ dùng học tập từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông, với tổng số lượng 100 tấn hàng tặng học sinh bị ảnh hưởng bởi lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; còn lại khoảng 100 tấn hàng được chuyển tới học sinh thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên…
Lực lượng công an tỉnh Ninh Bình bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện xuống các địa bàn cơ sở, phối hợp cùng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tổ chức làm tốt công tác ứng phó với mưa, lũ… Đặc biệt, những ngày qua, nước trên hàng loạt sông tại tỉnh Ninh Bình lên cao khiến khu vực ở huyện Nho Quan và Gia Viễn ngập lụt diện rộng. Công an tỉnh Ninh Bình triển khai nhiều phương án ứng phó trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc công tác di dân, di chuyển tài sản đến nơi tránh trú an toàn theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Với phương châm không để người dân bị đói rét, nguy hiểm trong lũ lụt, lực lượng công an tỉnh Ninh Bình huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng sử dụng ca nô, thuyền, áo phao,… đi sâu vào thôn, xóm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, nhất là các trường hợp người bị bệnh, người già, người neo đơn, gia đình chính sách,… đồng thời, tổ chức phối hợp củng cố, bồi đắp các tuyến đê, các vị trí, công trình thủy lợi xung yếu.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã vượt khó, không ngại nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi “chiến sĩ áo trắng” đều tuân thủ phương châm “xung kích vì sức khỏe cộng đồng”, sẵn sàng lên đường, với tinh thần nhiệt huyết, phát huy hết khả năng của mình nỗ lực bảo đảm sức khỏe của nhân dân, đặc biệt tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Bình đã thực thi hiệu quả chính sách an sinh xã hội, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
------------------------
(1) Xem: Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-42-NQ-TW-2023-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-xay-dung-To-quoc-589023.aspx
(2) Xem: Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, https://www.tinhuyninhbinh.vn/Portals/0/DocumentFiles/968_1_BC%20389.2023.TU%20ve%20so%20ket%20giua%20nhiem%20ky%20thuc%20hien%20NQDH%20XXII%20Dsng%20bo%20tinh.pdf
(3) Xem: Báo cáo số 208/LĐTBXH-VP, ngày 17-8-2020, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2020 - 2025 thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
Huyện Chương Mỹ chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển  (13/09/2024)
Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống làm cói bền vững  (11/09/2024)
Một số giải pháp góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình  (10/09/2024)
Nỗ lực phục hồi nghề gốm cổ Bồ Bát  (08/09/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm