Tuổi trẻ Thủ đô đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và Thành phố sáng tạo
TCCS - Tuổi trẻ thành phố Hà Nội với tâm thế vững vàng, từng bước tham gia tích cực và chủ động vào quá trình xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng Thành phố Sáng tạo trong thời đại hội nhập văn hóa sâu rộng và toàn diện ngày nay.
Ngày 22-2-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Việc tham gia thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU là yêu cầu cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ có tính ưu tiên, cần sự tham gia chủ động, tích cực của toàn xã hội, từng cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội.
Thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Thủ đô Hà Nội nói riêng trong các giai đoạn lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, luôn thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn là lực lượng quan trọng trong thời kỳ kiến thiết đất nước. Thanh niên Việt Nam trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ; trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước; trong thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh; trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, luôn nêu cao tinh thần tiên phong, xung kích, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bằng những việc làm cụ thể, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đang làm tốt vai trò định hướng về tư tưởng, nhận thức để giúp thanh niên có tâm thế vững vàng, từng bước tham gia tích cực, chủ động vào quá trình xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa và Thành phố sáng tạo trong thời đại hội nhập văn hóa sâu rộng.
Thanh niên là đối tượng thụ hưởng của những giá trị văn hóa, đồng thời là những người tiên phong, góp phần xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa tương lai của dân tộc bằng những sản phẩm sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống và mở ra những cách thức tiếp cận thị trường mới. Với tinh thần tiên phong, xung kích, trong thời gian vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã bước đầu chủ động thực hiện các công việc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội; tập trung vào nhóm giải pháp nhằm tiếp cận và phát triển thị trường công nghiệp văn hóa Thủ đô và xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực và sản phẩm công nghiệp văn hóa, bao gồm các phong trào, hoạt động nhằm trang bị kiến thức về thế giới quan và văn hóa Việt cho thanh thiếu nhi, xây dựng các sân chơi, điểm đến thường xuyên, các nền tảng trực tuyến cho thanh niên giao lưu văn hóa và sáng tạo nghệ thuật; tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa, sáng tạo của thanh niên được tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng, công chúng, nhà đầu tư trong nước và quốc tế; các hoạt động hướng tới gia tăng năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, mang tính sáng tạo cao.
Về hình thành các không gian sáng tạo, Thành đoàn Hà Nội đã chọn lựa một số địa điểm tại các đơn vị sự nghiệp công lập (Cung Thanh niên, Cung Thiếu nhi) xây dựng các không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và công nghiệp văn hóa, là nơi sinh hoạt của các mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (HUB Network), mạng lưới câu lạc bộ nghệ thuật và văn hóa (Art Network), mạng lưới câu lạc bộ phong cách và thời trang sinh viên (SOL Network),… với hàng nghìn thành viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời phối hợp với đảng ủy, ban giám hiệu 16 trường đại học, học viện, cao đẳng hình thành các không gian, các vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các mô hình hỗ trợ sản phẩm công nghiệp văn hóa trong các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng nền tảng chân dung số sinh viên 4SV.vn nhằm tạo môi trường hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đăng tải, phát hành và tiêu thụ các sản phẩm sáng tạo, sản phẩm nghệ thuật trên nền tảng số; đồng thời bước đầu làm việc với các khu vực Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) và Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) hình thành các “Không gian biểu diễn thanh niên - sinh viên” cho các câu lạc bộ âm nhạc, hội họa, thời trang, biểu diễn,… trình diễn hằng tuần theo chủ đề, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và hỗ trợ các địa phương vận hành hiệu quả các không gian phố đi bộ.
Về nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cung Thanh niên Hà Nội hình thành 5 mạng lưới câu lạc bộ sở thích sinh viên với tổng số 15.689 thành viên từ 25 trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn thành phố: Mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (HUB Network), mạng lưới câu lạc bộ nghệ thuật và văn hóa (Art Network), mạng lưới câu lạc bộ phong cách và thời trang sinh viên (SOL Network), mạng lưới câu lạc bộ tình nguyện (Vol Network) và mạng lưới câu lạc bộ đầu tư (SIC Network). Các mạng lưới đã tổ chức nhiều sân chơi về khởi nghiệp sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, văn hóa thu hút sinh viên, học sinh; hướng đến mục tiêu trở thành lực lượng nòng cốt để xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hoá chủ lực của tuổi trẻ Thủ đô trong giai đoạn tới.
Về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sự kiện về đổi mới sáng tạo, các cuộc thi quy mô lớn, như Festival Thanh niên Đông Nam Á, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô, Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge, Cuộc thi thiết kế Công viên Sáng tạo InnoPark, Cuộc thi phát triển game trên nền tảng chuỗi khối Game2Blockchain,… đã thu hút sự quan tâm và gây tiếng vang trong giới trẻ, tri thức, doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, thanh niên Thủ đô Hà Nội đã và đang ý thức được trách nhiệm của mình trong việc duy trì và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu một cách khoa học và hợp lý những giá trị văn hóa quốc tế. Với mục tiêu tạo lớp người trẻ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa một cách sáng suốt, có năng lực sản xuất những sản phẩm văn hóa mang trong đó hồn cốt của người Việt nhưng tân tiến, mới mẻ và mang màu sắc hội nhập; việc thanh niên tham gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không đơn thuần chỉ là việc làm lại hoặc cải tiến những giá trị và sản phẩm văn hóa của quá khứ, mà còn là quá trình sáng tạo để tạo ra những điểm mới trong nền văn hóa Việt Nam của tương lai.
Về thúc đẩy sự hình thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực nên có xuất phát điểm từ các cơ sở giáo dục văn hóa - nghệ thuật, như Đại học Văn hóa, Đại học Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Học viện Âm nhạc quốc gia, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… Thông qua Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên để xây dựng, đổi mới và tăng cường phát triển các câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật tại các trường đại học tạo thành mạng lưới nghệ thuật lớn của thanh niên, sinh viên. Sau đó kết nối mạng lưới này với mạng lưới hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo thành một kết cấu lõi căn bản cho một hệ sinh thái khởi nghiệp văn hóa - nghệ thuật của thanh niên thành phố Hà Nội. Hệ sinh thái này sẽ là một cấu phần có giá trị trong công cuộc xây dựng và phát triển thị trường văn hóa - nghệ thuật của Thủ đô.
Hệ thống đoàn - hội vững vai trò là một đầu mối quan trọng để truyền tải những giá trị tích cực đến với môi trường văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là môi trường văn hóa - nghệ thuật của người trẻ, tạo cảm hứng cho người trẻ làm phim và game dựa trên những hiểu biết về lịch sử, văn hóa của Thủ đô và dân tộc. Các cơ sở đoàn - hội tổ chức các sự kiện nghệ thuật ở quy mô phù hợp một cách thường xuyên, định kỳ nhằm duy trì nhiệt huyết nghệ thuật trong sinh viên và thanh niên.
Về tăng cường hợp tác giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các văn nghệ sĩ, các tập đoàn, doanh nghiệp cùng những người có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Trong kỷ nguyên số, phát triển các sản phẩm văn hóa số, các kênh truyền thông số để đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần hơn, nhanh hơn với khán giả trẻ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà các nghệ sĩ trẻ và tổ chức đoàn cần quan tâm triển khai thực hiện. Một thực tế về thị hiếu của giới trẻ đó là trong thời đại của các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một lượng lớn các cá nhân có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cảm quan của xã hội (key opinion leaders - KOL). Các cá nhân này có ảnh hưởng rất lớn đến cách mà quần chúng, đặc biệt là người trẻ nhìn nhận về các vấn đề, trong đó có vấn đề văn hóa - nghệ thuật. Việc kết nối các cá nhân có tầm ảnh hưởng là cầu nối giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có quan tâm tới phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo, như Sovico, VinGroup, Bitexco,… để mang lại giá trị cho cộng đồng nghệ sĩ, nhà sản xuất nội dung, sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực sẽ tạo lớp người trẻ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa một cách sáng suốt, có năng lực sản xuất những sản phẩm văn hóa mang trong đó cái hồn của người Việt nhưng tân tiến, mới mẻ và mang màu sắc hội nhập./.
Hà Nội nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, tiếp tục tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ  (16/10/2023)
Ngành du lịch Hà Nội tăng cường cải cách thủ tục hành chính  (16/10/2023)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên