Tập trung phát triển các khu công nghiệp xanh
TCCS - Bình Dương có vị trí trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Việc phát triển các khu công nghiệp để thu hút đầu tư đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong suốt thời gian qua.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 11.963ha, chiếm 9,4% trong tổng số 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động của cả nước. Ngoài 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động, hiện Khu công nghiệp Cây Trường được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000, với diện tích 700ha và đang triển khai các bước tiếp theo để đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động. Theo quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp dự kiến cần để thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp là 16.609,37ha. Tổng số khu công nghiệp đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh là 46 với tổng diện tích 24.338,70ha. Với hạ tầng các khu công nghiệp được đánh giá hàng đầu cả nước về chất lượng cũng như kết nối liên thông thuận lợi, đến nay, các khu công nghiệp tại Bình Dương đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình lên đến 93,14%. Trong năm 2023, các khu công nghiệp trong tỉnh thu hút 6.033 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,22 tỷ USD.
Tuy nhiên, để thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của bối cảnh mới, tỉnh Bình Dương đã và đang chuyển hướng phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, tạo sức hấp dẫn mới, thu hút các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh lớn. Theo đó, Bình Dương chủ trương đẩy nhanh việc điều chỉnh nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở nên thông minh, xanh hóa, đồng thời quy hoạch các khu công nghiệp mới hướng đến hiện đại, sinh thái. Việc xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Sự phát triển của khu công nghiệp sinh thái ở Bình Dương được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư hàng đầu.
Tỉnh Bình Dương xác định tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai. Chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng thông minh và bền vững. Xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 (như IoT, Big Data…), thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh một cách nhanh chóng, hiệu quả nhằm gia tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường.
Bình Dương xây dựng và ban hành các phương án, kế hoạch và giải pháp trong việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia phát triển. Các khu, cụm công nghiệp sắp tới phải gắn với các tiêu chí công nghiệp xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Phát triển các khu công nghiệp tại Bình Dương được chú trọng thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, nước, xử lý chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh nhằm mang lại sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho các khách hàng và người lao động. Cùng với đó, duy trì và phát triển hành lang sinh thái, hệ thống sông ngòi, kênh rạch, thực hiện hiệu quả mô hình đô thị công nghiệp - đô thị công nghệ dịch vụ và hệ sinh thái xanh bền vững. Trong thời gian tới, khu công nghiệp Cây Trường có quy mô 700ha được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logictics, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động.
Bình Dương đang tiếp tục quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao. Tỉnh chủ động tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư, trong đó gắn kết các khu, cụm công nghiệp chặt chẽ với hệ thống giao thông, hạ tầng, đường cao tốc, đường sắt và đường sông nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch, giảm thiểu tác động đến môi trường, phát triển bền vững. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đẩy mạnh tự động hóa hướng tới sản xuất thông minh, phát triển xanh, bền vững, Bình Dương triển khai nhiều chính sách đa dạng tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hạ tầng, đào tạo nhân lực và kết nối giao thương.
Bình Dương đặt mục tiêu chuyển đổi khu công nghiệp và phát triển khu công nghiệp sinh thái, cụ thể là tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung, bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động.
Để phát huy hiệu quả mô hình khu công nghiệp sinh thái, thời gian tới, cần ban hành thêm hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái… để khuyến khích doanh nghiệp và địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, hưởng ứng việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Với vai trò trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng “0”, với mong muốn góp sức xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung./.
Nam Định đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp  (01/08/2024)
Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình: Đổi mới mạnh mẽ vì sự phát triển của doanh nghiệp  (25/08/2023)
Để Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại  (31/05/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm