TCCS - Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút trên 400 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 101.000 công nhân lao động. Những năm qua, sự phát triển của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế chuyển dịch đúng hướng và giải quyết tốt bài toán việc làm cho lao động. Song bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội, trong đó có tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông.

Nhân viên an ninh Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên hướng dẫn phương tiện giao thông ra vào khu vực, tránh gây ùn tắc_Ảnh: Minh Anh

Nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông cho công nhân người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua các buổi tuần tra kiểm soát trên các tuyên đường xung quanh khu công nghiệp cho thấy tình trạng người tham gia giao thông vi phạm luật an toàn giao thông vẫn diễn ra. Các lỗi vi phạm cơ bản là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đi xe không có gương chiếu hậu, điều nay cho thấy nhiều người tham gia giao thông vẫn còn có tâm lý chủ quan, không chấp hành các quy định về pháp luật an toàn giao thông, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Với 88 dự án đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 95%, Khu công nghiệp Khai Quang đang tạo việc cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Trong đó, số lao động đi về hằng ngày chiếm khoảng 70%. Điều đó góp phần làm gia tăng số lượng người và phương tiện tham gia lưu thông, gây nên áp lực lớn về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Thời gian qua, lực lượng công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm năng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp.

Chị Lê Thu Phương, công nhân Công ty TNHH BH Flex cho biết, 2 năm trước, khi vào làm việc tại khu công nghiệp này, chị rất lo ngại mỗi khi tan ca ra về, vì công ty chị nằm đúng vị trí ngã 3 đường, vào 7 giờ đến 7 giờ 45 phút sáng và từ 5 đến 6 giờ tối, công nhân đi làm, tan ca đi qua đoạn đường này rất đông. Nhiều công nhân vội vàng chạy ra bến xe buýt cho kịp giờ, nhiều người nhanh chân chạy lên xe đón trả khách trước để có chỗ ngồi ưng ý… khiến giao thông khu vực này khá lộn xộn và đã có những vụ va chạm giữa các phương tiện xảy ra.

Còn bà Hà Thị Thanh, hộ dân sống gần đường Tôn Đức Thắng nói: “Tuyến đường này có đông công nhân, xe chở hàng hóa phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp chạy qua. Hơn 20 năm sống ở đây, tôi đã chứng kiến nhiều tình huống giao thông nguy hiểm, cả công nhân và chủ các xe ô tô đều lơ là, nhiều lái xe không chấp hành đúng luật giao thông, cứ chạy ầm ầm, còn công nhân tìm mọi cách luồn lách băng qua đường”.

Tương tự như Khu công nghiệp Khai Quang, tại các khu công nghiệp Bình Xuyên, Khu công nghiệp Bá Thiện II, tình trạng tham gia giao thông ở đây khá lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Có thời điểm, nhất là những lúc tan ca, các cửa ngõ chính vào các khu công nghiệp đông nghẹt người, ô tô và xe máy chen lấn nhau. Đặc biệt, tại nhiều khu vực, chợ tạm, chợ cóc lại mọc lên, người bán, người mua tấp nập, lấn chiếm hết cả lòng, lề đường. Mỗi khi tan ca, hàng nghìn công nhân ùn ùn kéo ra, cùng với việc họp chợ trái phép là nguyên nhân gây lộn xộn, ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, nhất là ở các địa phương có khu công nghiệp, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, như tuyên tuyên trực tiếp trong các nhà máy, khu công nghiệp, thông qua hệ thống phát thanh, phương tiện trực quan, băng rôn, khẩu hiệu ngay tại khu làm việc, cổng các doanh nghiệp, nhà máy.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, trực tiếp điều tiết giao thông tại các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông vào giờ cao điểm, đêm khuya; giải quyết dứt điểm những nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, công đoàn các cấp, các đơn vị doanh nghiệp đã phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho công nhân lao động; góp sức trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng cách cử nhân viên an ninh làm nhiệm vụ phân luồng vào giờ cao điểm…

Ngành giao thông vận tải sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch tuyến xe buýt, bố trí các điểm dừng, đỗ trong khu công nghiệp; thay thế, lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ theo đúng quy định của quy chuẩn quốc gia và cải tạo điều kiện giao thông tại các nút giao trong khu vực, ưu tiên lắp đặt các biển cảnh báo, bổ sung vạch sơn, gờ giảm tốc…

Việc bảo đảm an toàn giao thông tại các khu công nghiệp là vấn đề cấp thiết, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, mỗi công nhân, lao động trong các khu công nghiệp cần nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Nâng cao ý thức tham gia giao thông không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, giảm nguy cơ tai nạn cho chính mình mà còn góp phần xây dựng những cung đường an toàn, từ đó thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc./.