Ba Vì đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025; đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện
TCCS - Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện quyết tâm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu xây dựng Ba Vì trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025.
Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Vì đã hoàn thành cơ bản những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 9,8%; cơ cấu kinh tế phát triển đúng định hướng: Dịch vụ chiếm 56,5%, nông nghiệp 25,9%, công nghiệp - xây dựng 17,6%; thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/ người/năm. Huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu du lịch trên địa bàn. Nhờ đó, du lịch đang là điểm sáng của huyện. Đặc biệt, công tác thu ngân sách của huyện tăng trưởng qua các năm, với tổng thu trong 5 năm qua đạt 1.359 tỷ đồng, bằng 179% mục tiêu đề ra.
Từ năm 2015 đến năm 2020, Ba Vì đã huy động hơn 31.500 tỷ đồng tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, huyện Ba Vì đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đến năm 2020, toàn huyện có 23/30 xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được chú trọng. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã tạo việc làm mới cho 18.890 lao động (đạt 107,9% chỉ tiêu đặt ra). Ngoài ra, Ba Vì đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng nhà xuống cấp cho các hộ nghèo, dự kiến cuối năm 2020, huyện chỉ còn 0,96% hộ nghèo, vượt mục tiêu Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ huyện đã đề ra.
Đảng bộ huyện Ba Vì đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên; phát triển đảng viên mới. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Ba Vì đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 104 lớp học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng... cho 10.569 lượt đảng viên; kết nạp 2.386 đảng viên mới. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được tăng cường. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Ba Vì đã tổ chức 13 cuộc kiểm tra chuyên đề với 27 tổ chức Đảng và 26 đảng viên, 9 cuộc giám sát chuyên đề đối với 31 tổ chức cơ sở Đảng và 19 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm tra 37 đảng viên và 16 tổ chức cơ sở Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm... Trên cơ sở đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật 3 tổ chức cơ sở Đảng và 566 đảng viên vi phạm các quy định của Đảng.
Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện xác định đây là giai đoạn có nhiều thời cơ và không ít thách thức, khó khăn. Vì vậy, từng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện cần tiếp tục xác định quyết tâm mới, phương pháp công tác mới, đoàn kết một lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá do Đại hội đại biểu lần thứ XXIII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Về kinh tế, huyện Ba Vì tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học; hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chế biến chè, vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, dược liệu... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khai thác thế mạnh chăn nuôi, tập trung phát triển đàn bò sữa, bò thịt, đà điểu giống, đà điểu thịt... theo hướng an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025... Ðảng bộ huyện Ba Vì xác định, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới đồng bộ...
Về tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thực hiện nghiêm túc công tác quán triệt, triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Huyện Ba Vì tiếp tục triển khai các giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra, kỷ luật và phát triển Đảng.
Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Ba Vì xác định, cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò “đầu tàu” của đội ngũ cán bộ các cấp... Cụ thể, huyện Ba Vì sẽ chú trọng thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế của huyện và đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng và bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ; chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ... Mặt khác, Ba Vì sẽ đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Ba Vì sẽ dồn lực cho 3 khâu đột phá: Tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài huyện để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng đồng bộ; tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao năng lực và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ...
Đảng bộ huyện Ba Vì đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Cùng với định hướng trên, huyện Ba Vì tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giảm dần khoảng cách về phát triển kinh tế giữa các vùng trong huyện; phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện sẽ khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị tại thị trấn Tây Đằng và đô thị Tản Viên Sơn; đồng thời đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới hệ thống chợ nông thôn theo hướng chuẩn của Bộ Công Thương và bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng mới chợ Nhông, chợ trung tâm Tây Đằng, chợ Mơ, chợ Ba Trại, chợ Dầy; xây dựng chợ đầu mối theo quy hoạch phục vụ việc tiêu thụ sản phẩm và du lịch tại khu vực các xã gần tỉnh lộ 414, quốc lộ 32.
Bên cạnh đó, huyện Ba Vì tiếp tục tăng cường khai thác tiềm năng và lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích mở rộng quy mô, đa dạng và hiện đại hóa các cơ sở kinh doanh du lịch; thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đường giao thông vào các khu, điểm du lịch; triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quy hoạch phân khu, quản lý đất đai... Theo đó, huyện Ba Vì sẽ tăng cường công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư có năng lực vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy hoạch... Đồng thời, huyện chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng; chú trọng phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong việc xác minh nguồn gốc đất; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng; bổ sung, hoàn thiện quy trình giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng quy định. Cùng với đó là tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng như vai trò giám sát của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, quyết tâm không để xảy ra vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án theo kế hoạch được giao. Mặt khác, Ba Vì đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng đồng bộ.
Du lịch, dịch vụ là lĩnh vực rất giàu tiềm năng nhưng nhiều năm qua địa phương vẫn chưa khai thác hiệu quả. Để khai thác lợi thế này, Đảng bộ huyện Ba Vì đề ra mục tiêu đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực, đến năm 2025 sẽ đón 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 500-550 tỷ đồng... Huyện sẽ tăng cường khai thác tiềm năng và lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích mở rộng quy mô, đa dạng và hiện đại hóa các cơ sở kinh doanh du lịch. Cùng với đó là thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đường giao thông vào các khu, điểm du lịch; đề xuất thành phố thu hút đầu tư, phát triển khu du lịch Suối Hai, Cụm di tích lịch sử quốc gia Đền Hạ - Trung - Thượng thành khu du lịch trọng điểm của huyện và Thủ đô; đồng thời phối hợp các đơn vị du lịch quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Ba Vì, liên kết các tuyến điểm du lịch trong huyện với các điểm du lịch của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mặt khác, huyện sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ tổ chức quản lý của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút du khách tham quan du lịch Ba Vì...
Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ba Vì sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XXIII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra./.
Phát triển toàn diện, tạo tiền đề để huyện Sóc Sơn trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô  (02/08/2020)
Kiểm toán Nhà nước tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VII  (02/08/2020)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội  (01/08/2020)
Quản lý trật tự xây dựng đô thị tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm  (31/07/2020)
Mục tiêu lớn cần giải pháp đúng  (31/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay