TCCSĐT - Sau hai ngày họp, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông đã kết thúc mà không có đột phá nào.

Thông qua kế hoạch mở chiến dịch quân sự trên biển chống nạn buôn người

 

Liên minh châu Âu chính thức thông qua kế hoạch triển khai chiến dịch triệt phá các đường dây buôn người đang lôi kéo hàng nghìn người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu. Ảnh: Telegraph

Ngày 18-5-2015, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch triển khai Chiến dịch EU Navfor Med (Lực lượng hải quân EU tại Địa Trung Hải) nhằm triệt phá các đường dây buôn người đang lôi kéo hàng nghìn người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu, khiến nhiều người bỏ mạng trên biển. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch này trong trường hợp cần thiết. Đây là sứ mệnh chưa từng có, với việc triển khai các tàu chiến và máy bay giám sát của quân đội các quốc gia châu Âu trên biển Libya, nơi xuất phát chính của những con tàu chở người nhập cư trái phép vào châu Âu.

Hiện các quan chức EU đang tìm kiếm một nghị quyết của Liên hợp quốc, qua đó tạo cơ sở vững chắc để các nước châu Âu có thể truy lùng những đối tượng buôn người và phá hủy các tàu thuyền của các đường dây buôn người. Chiến dịch triệt phá các đường dây buôn người sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn một có thể bắt đầu ngay mà không cần nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm xác định và ngăn chặn những thành viên của mạng lưới buôn người. Giai đoạn hai sẽ ngăn chặn và áp sát các tàu buôn người trên vùng biển quốc tế, theo luật pháp quốc tế. Giai đoạn ba nhằm vô hiệu hóa tàu thuyền buôn người trên vùng biển quốc gia, điều này cần nghị quyết của Liên hợp quốc hoặc ít nhất là thỏa thuận của quốc gia liên quan.

Đối thoại khí hậu Petersberg chuẩn bị cho COP 21

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Đối thoại Khí hậu Petersberg. Ảnh: DW

Sáng 18-5-2015, Đối thoại Khí hậu Petersberg lần thứ sáu đã khai mạc tại Thủ đô Berlin, Đức để chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 21 (COP 21), sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào tháng 12 tới. Năm 2015 là năm quyết định đối với việc bảo vệ Trái đất trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, các bên tham gia sẽ phải nhất trí cách thức hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C.

Bên cạnh việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các đại biểu tham dự Đối thoại Khí hậu Petersburg cũng thảo luận về việc cung cấp tài chính cho các biện pháp bảo vệ và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, cũng như thống nhất về các quy định chung cho Hiệp định toàn cầu theo kế hoạch vào cuối năm nay. Các đại biểu thảo luận cách thức tận dụng tối đa thời gian từ nay tới trước khi diễn ra COP 21 để giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ trong thời hạn sớm nhất có thể. Các bên tham gia cuộc đối thoại lần thứ sáu này dự kiến cũng tiến tới một văn kiện được tất cả các bên chấp thuận, làm kết quả cho Hội nghị chính thức về biến đổi khí hậu tại Paris vào cuối năm 2015.

Lãnh đạo thế giới cam kết nâng cao chất lượng, cơ hội giáo dục cho trẻ em

 

Tuyên bố Incheon kêu gọi bảo đảm ít nhất 9 năm giáo dục cho tất cả trẻ em. Ảnh: unesco.org

Từ ngày 21-5 đến ngày 23-5-2015, Diễn đàn Giáo dục thế giới 2015 diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc đã thông qua Tuyên bố Incheon. Tuyên bố này sẽ được phản ánh trong chương trình nghị sự giai đoạn sau năm 2015 của Liên hợp quốc dự kiến công bố vào tháng 9 tới và định hướng cho chính sách của Liên hợp quốc đối với 195 thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Tuyên bố Incheon kêu gọi bảo đảm ít nhất 9 năm giáo dục cho tất cả trẻ em; các cơ hội học tập suốt đời cho người lớn; chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm giáo dục cho các nước đang phát triển đến năm 2030.

Trong ba ngày hội thảo, hơn 1.500 nhà giáo dục, nghị sĩ và người đứng đầu các tổ chức quốc tế đã thảo luận để xác định thế giới đã đi đến đâu theo hướng thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về bảo đảm giáo dục tiểu học cho tất cả trẻ em trên thế giới, được đưa ra năm 2000. Đây là diễn đàn giáo dục thế giới lần thứ ba sau các diễn đàn tổ chức tại Thái Lan năm 1990 và Senegal năm 2000.

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông: Không có đột phá

 

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông đã kết thúc tại Riga (Latvia) mà không có đột phá nào. Ảnh: europa.eu

Sau hai ngày họp (21 và 22-5-2015), Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông với sự tham gia của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 6 nước thuộc Liên Xô trước đây (gồm Ukraine, Gruzia, Armenia, Azerbaijan, Moldova và Belarus) đã diễn ra tại Thủ đô Riga (Latvia). Tuy nhiên, đúng như dự đoán của nhiều nhà phân tích, Hội nghị đã kết thúc mà không có bước đột phá nào. Belarus và Armenia đã từ chối ký vào tuyên bố chung của Hội nghị do không đồng ý với cụm từ “Nga thôn tính Crimea” trong văn kiện. Như vậy, bản tuyên bố chung, trên thực tế sẽ trở thành “tuyên bố riêng” và cụm từ trên sẽ vẫn được giữ nguyên, song nêu rõ các quan điểm phản đối của từng nước. Nhóm các nước như Latvia - quốc gia chủ nhà và các láng giềng vùng Baltic muốn theo đuổi một chính sách quyết liệt hơn với Nga. Thế nhưng, với kinh nghiệm lịch sử, các liên hệ kinh tế sống còn và truyền thống đoàn kết lâu đời, nhiều quốc gia khác đã lựa chọn không muốn va chạm với Moscow. Ngay như vấn đề trọng tâm của Hội nghị là triển vọng trở thành thành viên EU của 6 nước “Đối tác phương Đông” cũng khiến nhiều quốc gia phải thất vọng khi Hội nghị nhất trí chưa cấp quy chế miễn thị thực, chưa công nhận “triển vọng châu Âu” của Gruzia và Ukraine ở giai đoạn này.

“Điểm sáng” duy nhất tại Hội nghị được cho là sự đồng thuận về việc xây dựng hành lang khí đốt phía Nam, nối EU với khu vực Caspi vòng tránh lãnh thổ Nga, ủng hộ cho phép Ukraine nhập ngược khí đốt (của Nga) từ Ba Lan, Hungary và Slovakia. Các thành viên dự hội nghị cũng nhất trí xây dựng hệ thống tải điện và tuyến đường ống khí đốt nối liền trong nội khối EU cũng như nối EU với các nước “Đối tác phương Đông”. Về kinh tế, EU tuyên bố khởi động cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Gruzia, Moldova và Ukraine trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do với EU. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những đồng thuận vừa đạt, các bên liên quan tới chương trình “Đối tác phương Đông” còn phải trải qua nhiều cuộc đàm phán được dự kiến là chưa biết kết quả sẽ đi tới đâu.

Nhật Bản hỗ trợ tài chính lớn cho các quốc đảo Thái Bình Dương

 

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23-5-2015, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ bảy các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra tại thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương hơn 55 tỷ yen (tương đương 452 triệu USD) nhằm hỗ trợ các nước này đối phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Dự kiến, khoản tiền này sẽ được giải ngân trong vòng 3 năm, tập trung vào các lĩnh vực nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, làm sạch nguồn nước, phát triển năng lượng tái tạo, xử lý rác thải và các vấn đề liên quan. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cam kết triển khai các chương trình đào tạo và trao đổi chuyên gia để cùng với các nước Thái Bình Dương bảo vệ đại dương cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ bảy các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 22-5 đến ngày 23-5 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và 16 thành viên Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương, gồm Australia, quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, quần đảo Marshalls, Micronesia, Nauru, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Samoa, quần đảo Solomon Islands, Tonga, Tuvalu và Vanuatu. Trong tuyên bố chung kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước nhất trí duy trì trật tự hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không đe dọa sử dụng vũ lực./.