Cải cách cơ chế giám sát và vận hành quyền lực ở Trung Quốc

CÙ THỊ THÚY LAN
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
14:11, ngày 12-12-2023
Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX _ Ảnh: Tân Hoa xã

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu sự mở màn của thế hệ lãnh đạo thứ năm với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tiếp nối các thế hệ lãnh đạo trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách thể chế chính trị - vốn được khởi động ngay từ khi Trung Quốc bắt tay vào công cuộc cải cách mở cửa. Trải qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng XVIII và Đại hội XIX, công cuộc cải cách thể chế chính trị của Trung Quốc đã và đang được tiến hành theo phương châm “đi sâu cải cách toàn diện”, trong đó cải cách cơ chế giám sát và vận hành quyền lực là một trong những nội dung được chú trọng và gặt hái được những thành công nhất định, cho dù công cuộc này vẫn còn là một quá trình lâu dài và đầy chông gai.

Việc cải cách thể chế chính trị tập trung vào: (1) Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng với quy mô, phạm vi và mức độ được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, với bốn nhóm biện pháp chính: Xây dựng cơ chế chống tham nhũng (quyền lực từng bước được tập trung vào ủy ban kiểm tra kỷ luật các cấp, đặc biệt là ở cấp Trung ương); thực hiện cơ chế thanh tra; xây dựng các quy định, quy tắc; phối hợp với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng. (2) Đi sâu cải cách cơ chế giám sát và cơ chế vận hành quyền lực:  Hoàn thiện hơn nữa cơ chế quyết sách, không ngừng nâng cao trình độ “quyết sách khoa học, quyết sách dân chủ, quyết sách theo pháp luật”; thúc đẩy vận hành quyền lực được công khai hóa, quy phạm hóa; kiện toàn hệ thống giám sát với bốn hình thức chính là “giám sát trong Đảng, giám sát dân chủ, giám sát pháp luật, giám sát dư luận”. Điểm nhấn nổi bật trong cải cách thể chế giám sát ở Trung Quốc dưới thời kỳ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được thể hiện qua việc thành lập Ủy ban Giám sát nhà nước. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương tập trung vào kỷ luật đảng đối với tất cả đảng viên, còn Ủy ban Giám sát nhà nước tập trung vào việc thực thi pháp luật của công chức lãnh đạo (bao gồm cả cán bộ không phải là đảng viên). Cơ chế kiểm soát quyền lực và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc gợi mở những kinh nghiệm quý đối với Việt Nam...