Quảng Ninh phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
TCCS - Văn hóa được xác định là “động lực mềm” trong xây dựng nông thôn mới và có vai trò không thể thay thế đối với các yếu tố xã hội khác. Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng triển khai các tiêu chí về văn hóa tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Từ chủ trương đến nhận thức và tổ chức thực hiện
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều cho thấy quan điểm đúng đắn của Đảng về vị trí, vai trò chiến lược của vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nghị quyết cũng khẳng định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở để “giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, là cơ sở để “bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, Nghị quyết số 19-NQ/TW nhấn mạnh, “phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp”. Như vậy, văn hóa giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Bởi, trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu cuối cùng chính là nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở nông thôn. Quan điểm của các nghị quyết cũng bảo đảm nguyên tắc của phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm. Vì vậy, trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa chính là để bảo đảm “không gian sinh tồn”, “không gian văn hóa” nông thôn, vì người nông dân, vì hồn cốt, bản sắc của dân tộc. Đồng thời, các nghị quyết cũng chỉ rõ, “nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”, “là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”. Như vậy, nông dân vừa là người thụ hưởng các giá trị văn hóa, cũng chính là nhân tố quyết định trong bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa.
Nhận thức sâu sắc việc phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, chủ trương có tầm chiến lược mang tính nhân văn sâu sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; ngay từ những năm đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh chú trọng xây dựng và triển khai các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 27-10-2010, về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, với mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển sản xuất dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao”. Như vậy, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh xác định hướng tới để giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây chính là định hướng quan trọng để các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu về đích trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn I (2011 - 2015) và giai đoạn II (2016 - 2020).
Bước vào giai đoạn III (2021 - 2025), thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15, ngày 28-7-2021, của Quốc hội, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22-2-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 2-12-2020 và Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 25-11-2021, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, năm 2022; Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết số 115/NQ-HĐND, ngày 9-7-2022, về Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; trong đó trọng tâm là tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022. Nghị quyết tiếp tục khẳng định quan điểm “người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của “hạnh phúc”. Như vậy, trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cần phải được chú trọng dành nguồn lực đầu tư vì sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, từ nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh ưu tiên dành nhiều nguồn lực, ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người, quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16). Theo đó, Quảng Ninh đẩy mạnh xây dựng và triển khai, hoàn thành các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; song song với phát huy các giá trị văn hóa đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, được thể hiện ở những điểm sau:
Một là, củng cố, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa gắn với khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa thông qua các bản sắc, giá trị văn hóa.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo thông qua các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trong đó có Quyết định số 921/QĐ-UBND, ngày 14-4-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đưa ra các giải pháp phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao toàn diện phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Theo đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa ở Quảng Ninh được cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu trong các nghị quyết của Tỉnh ủy, trong đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh, từng bước được hiện thực hóa để phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.
Tất cả 14 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 186 xã, phường, thị trấn (11 thị trấn, 48 phường và 127 xã) đều xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện đề án. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh xuống cơ sở được thể hiện ở cơ chế, chính sách cụ thể về đào tạo cán bộ, quy hoạch đất đai, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh còn phân bổ ngân sách để hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng khuyến khích các huyện mở rộng diện tích để lồng ghép với các công trình văn hóa khác của thôn khu như: đình làng, sân vui chơi, nơi tập luyện thể dục - thể thao… Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; thực hiện lắp đặt các dụng cụ thể dục - thể thao đơn giản tại nhà văn hóa cấp thôn, cấp xã, cấp huyện. Đến nay, 100% số xã toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện về cơ sở vật chất văn hóa(1).
Bên cạnh việc đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tỉnh cũng quan tâm, huy động nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh với các công trình hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; 99,8% số thôn, khu được tỉnh đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Thông qua hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, đời sống tinh thần nhân dân không ngừng được nâng cao với hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng về nội dung, thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn tham gia. Mặt khác, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh với các công trình hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã giúp Quảng Ninh có thể khai thác hiệu quả các thiết chế này, thu hút các sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực, như Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm, nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi...
Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã trở thành điểm du lịch (như Bảo tàng Quảng Ninh), gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, thông qua phát huy các giá trị văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả, Khu văn hóa thể thao dân tộc Tày huyện Tiên Yên(2)... Đồng thời, thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí mang tầm quốc tế như SEA Game 31, Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long 2022…, hình ảnh của những công trình văn hóa hiện đại, hình ảnh của Quảng Ninh đổi mới được lan tỏa khắp thế giới, là cơ hội quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Quảng Ninh, nơi mỗi người Quảng Ninh đều đang trực tiếp tham gia, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, nâng cao thể chất của chính mình.
Hai là, thực hiện bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương, gắn phát triển du lịch nông thôn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích. Trong đó, 100% số di tích quốc gia, 70% số di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, tổng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh trên 1.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương 210 tỷ đồng, xã hội hóa gần 1.400 tỷ đồng; triển khai các quy hoạch, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều; Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2030(3).
Trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, tỉnh Quảng Ninh chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh, khu vực sinh thái, như: Di tích đình Lục Nà (xã Lục Hồn, Bình Liêu), Di tích địa điểm chiến thắng Điền Xá trên đường số 4 (huyện Tiên Yên), Di tích lịch sử cách mạng Khe Lao (xã Lương Mông, Ba Chẽ), Sơn Dương, Bằng Cả (Hoành Bồ) và các di tích, danh thắng khác; bảo tồn bản, làng truyền thống; bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà ở truyền thống; trang phục dân tộc truyền thống của các dân tộc; công cụ lao động, sản xuất truyền thống; nhạc cụ, khí cụ, hàng thổ cẩm, đồ gốm sứ, các cổ vật, di vật quý còn đang lưu giữ trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh cũng như các vật nuôi, cây trồng truyền thống.
Với những cơ chế, chính sách, biện pháp được triển khai đồng thời, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương, đơn vị có nhiều chuyển biến. Một số địa phương đã và đang triển khai xây dựng những thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như mô hình bản văn hóa dân tộc Tày xã Lục Hồn, dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động (huyện Bình Liêu)... Có thể nói, Bình Liêu là một trong những điểm sáng về gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, chủ động nhân rộng các mô hình, sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái; duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống và ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương; các hoạt động thể thao đặc sắc, như môn bóng đá nữ truyền thống của người dân tộc Sán Chỉ; du lịch cảnh quan thiên nhiên thác Khe Vằn; lễ hội Mùa vàng, hội Hoa sở, ngày hội Kiêng gió...; phát triển đặc sản làng nghề ở địa phương, như thương hiệu miến dong, tinh dầu hồi, quế; sản phẩm mới cá nước lạnh, trồng hoa… đã níu chân nhiều du khách(4). Qua đó, huyện khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ; vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo nguồn lực để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn huyện, đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng nông thôn mới.
Ba là, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa gắn với “Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có hiệu quả, lan tỏa, đi vào chiều sâu. Theo đó, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh tập trung vào cuộc bằng nhiều hoạt động hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, in đậm dấu ấn trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền các địa phương, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong nhiều năm qua, cuộc vận động được bổ sung nhiều mô hình mới có hiệu quả, từ đó tạo ra nhiều phong trào thi đua sôi nổi. Đặc biệt, tỷ lệ các khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa” hằng năm đều tăng và khẳng định tính toàn dân, toàn diện, tính bền vững của cuộc vận động. Đến nay, toàn tỉnh có 99,7% số đám cưới, 99,6% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh; 1.452 thôn, bản, khu phố xây dựng quy ước, hương ước; triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trên cơ sở kế thừa Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, bảo đảm theo quy định pháp luật, tôn trọng quyền con người, hướng tới xây dựng con người Quảng Ninh với đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Các địa phương chủ động xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng, như thành phố Uông Bí xây dựng Bộ Quy tắc tự hào là công dân thành phố Uông Bí, huyện Hải Hà ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong cộng đồng, huyện Đầm Hà ban hành Bộ Quy tắc ứng xử người Đầm Hà “Đoàn kết - Sáng tạo - Tự tin - Thân thiện”… Bên cạnh đó, phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được các cấp, ngành quan tâm, góp phần xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện. Toàn tỉnh có 71,4% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 62,2% số dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 82% số cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”(5)…
Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xuất hiện nhiều gương sáng vì cộng đồng cho mọi người noi theo và là những hạt nhân của cuộc vận động, phát huy tốt tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư. Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11) cũng được tổ chức thành nền nếp, trở thành ngày sinh hoạt truyền thống của toàn dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, huy động sức mạnh của toàn dân.
Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nền tảng trong xây dựng nông thôn mới
Kết quả thực hiện hai tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 6 và 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh cho thấy mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc triển khai thực hiện, hoàn thành hai tiêu chí văn hóa này, Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn, trong đó trọng tâm là phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng mỏ; chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; huy động mọi nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao các cấp sau đầu tư. Vì vậy, có thể khẳng định, sau hơn một thập niên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã phát huy, vận dụng thành công hai tiêu chí văn hóa về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nền tảng, là mục tiêu, là động lực,… làm hồn cốt thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm đòn xeo xây dựng nông thôn mới(6). Việc coi trọng tiêu chí văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng giúp tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục lấy văn hóa làm nền tảng, làm mục tiêu, động lực trong xây dựng nông thôn mới, với hành trang mới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quảng Ninh còn dự kiến hướng tới xây dựng nông thôn văn minh, nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có,... mở đường cho ngành du lịch nông thôn phát triển trong chặng đường mới. Theo đó, một trong những nhiệm vụ được triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 được Quảng Ninh xác định là tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Cụ thể như sau:
Một là, tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và cấp thôn trên địa bàn toàn tỉnh; đổi mới các nội dung chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân. Phát huy vai trò chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo quản, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Ba là, triển khai hiệu quả Đề án khôi phục bảo tồn bốn làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; thành lập các câu lạc bộ sở thích; mỗi thiết chế văn hóa thành lập từ 3 - 5 câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên.
Xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên, là điểm tựa xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được về phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới sẽ là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giúp người dân của Quảng Ninh được thụ hưởng những thành quả từ sự tiến bộ của xã hội./.
-----------------------
(1) Tiến Dũng, Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Báo Công Thương điện tử, ngày 8-2-2023
(2) https://www.quangninh.gov.vn/So/sovanhoathethao/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=11909
(3) Thu Trang, Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Tạo nền tảng xây dựng tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, ngày 23-3-2023.
(4) Thu Trang, Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Tạo nền tảng xây dựng tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Tlđd
(5) Thu Trang, Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Tạo nền tảng xây dựng tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Tlđd
(6) Vũ Phong Cầm, Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới văn hóa là nền tảng, Báo điện tử xây dựng, ngày 19-12-2022
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh: Mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội  (10/11/2023)
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh - Nhiệm vụ và giải pháp  (10/11/2023)
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa  (10/11/2023)
Hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội ở tỉnh Quảng Ninh  (09/11/2023)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay