Nhìn thế mà không phải thế!

TRƯƠNG HUYỀN
09:26, ngày 30-04-2022

Chuyện xưa kể lại, trong một chuyến đi xa, vất vả cực nhọc, Khổng Tử thấy Nhan Hồi, một học trò xuất sắc của mình, trong lúc nấu ăn, đã bốc cơm ăn vụng. Khổng Tử lấy làm giận, trước khi ăn, ông quở trách Nhan Hồi trước mặt các huynh đệ. Nhan Hồi nghe xong, ấp úng đáp: “Con xin thầy thứ lỗi, con không ăn vụng mà là trong lúc nấu, vô tình tro bếp bay vào góc nồi, con lấy cơm có dính tro ấy ăn vì không muốn thầy và huynh đệ bị ảnh hưởng”. Bấy giờ, Khổng Tử mới vỡ lẽ, than rằng, vì sự vội vàng nhận định, chỉ từ mắt thấy tai nghe mà đã đưa ra kết luận, trách oan học trò. Nhân việc đó, Khổng Tử dạy cho các học trò rằng, có những việc dù nhìn tận mắt, nghe bằng tai cũng chưa hẳn đúng, nên đừng vội phán xét, đánh giá người khác.

Cuộc sống vốn phức tạp, nên việc đánh giá đúng người, đúng việc nhiều khi thật không dễ dàng. Mỗi khi chứng kiến, quan sát một sự việc, con người, lẽ thường sẽ có nhận xét, đánh giá sự việc, con người đó. Có những nhận xét, đánh giá là chính xác, nhưng cũng có khi bản chất sự việc, hiện tượng không như ta quan sát, đánh giá, mà nó vô tình bị che mờ đi hay cố ý được che đậy lại khiến thật, giả, trắng, đen khó phân biệt, lẫn lộn. Thực tế trong đời sống, có không ít người tốt bị hiểu lầm, phải chịu oan ức do cách nhìn nhận một chiều, phiến diện hay cố tình làm sai lệch của người khác. Nhiều người tốt, người tài bị đố kỵ, ghen ghét, không được trọng dụng, trong khi kẻ khéo nịnh hót, giỏi che đậy, mồm miệng đỡ chân tay, biết “chiều sếp” lại có đất để tồn tại, lộng hành. Nhiều người đứng trước mặt “sếp” hoặc thường tỏ ra rất “ngoan”, biết dùng lời hay ý đẹp, mới gặp khiến ta có cảm giác dễ chịu, dễ gần hoặc tỏ ra “thẳng thắn”, phê bình kiểu vuốt đuôi, khiến mang lại cảm giác đây là người “ngay thẳng”, nhưng nếu tiếp xúc đủ lâu, ta dần thấy rõ bản chất cơ hội, nịnh trên nạt dưới của họ. Ở đây, có những việc mắt thấy tai nghe chưa hẳn đã là thật. Nhìn thế mà không phải thế! Ý thức chủ quan, ấn tượng đầu tiên, hình thức bề ngoài là thứ dễ đánh lừa nhận thức, khéo dẫn đến những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, sáng suốt, sai lệch bản chất sự việc, con người.

Nhiều kẻ xấu còn lợi dụng sự phức tạp đó để tung hỏa mù, bịa đặt, dựng chuyện, vu vạ người khác, nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc trục lợi cá nhân. Khi muốn móc mỉa, dìm ai đó xuống, họ chỉ cần phóng đại các mặt tiêu cực, mặt xấu, nâng cao quan điểm, không khách quan nhìn nhận mặt tốt của người khác. Họ cố ý lèo lái câu chuyện theo hướng có lợi cho mình, khiến người nghe dễ hiểu lầm, dẫn đến đánh giá sai lệch về người khác.

Bởi vậy, để hiểu đúng bản chất của một sự việc, một con người cụ thể, cần đánh giá toàn diện cả một quá trình, với cách nhìn nhận khách quan, phân tích thấu đáo, hợp lý, hợp tình và hơn cả phải dùng tâm để thấu tâm, mới mong mọi sự sáng rõ, tỏ tường!./.