TCCS - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.
Là huyện miền núi, biên giới có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, đại bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn bằng nghề nông nghiệp; hầu hết người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng và vật nuôi.
Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, hằng năm huyện đã xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại các xã, thị trấn; chỉ đạo quán triệt đến các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên để đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn các đoàn viên, hội viên nắm được nội dung trong công tác đào tạo nghề và tổ chức thực hiện. Duy trì và phát triển việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Tùy theo đề xuất, nhu cầu của người học, các hình thức dạy nghề cũng được đa dạng, đổi mới. Ngoài các nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, một số nghề phi nông nghiệp cũng thu hút lao động nông thôn tham gia học như: lái xe ô-tô, may mặc, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch...
Đồng chí Ngô Văn Mậu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Năm 2023 huyện được giao nhiệm vụ giải quyết việc làm cho 600 lao động, phòng đã phối hợp với các phòng ban, ngành, đoàn thể và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo; tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Phối hợp kết nối với các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thông báo, tuyên truyền, vận động lao động tại địa phương tham gia các đợt tuyển dụng lao động của các đơn vị có nhu cầu lao động trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam mở hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa lao động đi làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Hoa Lợi Đạt (Quảng Ninh) mở hội nghị tuyên truyền tuyển dụng lao động. Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động, chất lượng lao động ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp tuyên truyền, giới thiệu giải quyết việc làm tăng thêm cho 373 lao động đạt 62,17% kế hoạch.
Là một trong những người được tham gia lớp đào tạo hướng dẫn viên tại điểm, anh Chu Văn Cường (khu Nà Phạ, thị trấn Bình Liêu) có thêm kiến thức và thu nhập cho bản thân. Anh Cường chia sẻ: “Năm 2018 tôi tham gia lớp đào tạo hướng dẫn viên tại điểm, sau khi được tập huấn tôi đã có thể tự tin giới thiệu các điểm du lịch của Bình Liêu cũng như những nét đẹp về văn hóa truyền thống, con người Bình Liêu đến du khách trong và ngoài tỉnh. Công việc này cũng đem lại một nguồn thu nhập khá cho bản thân tôi. Tôi mong muốn huyện sẽ có thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để những thanh niên nông thôn như tôi có thể tiếp cận với nhiều công việc mới, đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình”.
Chị Trần Thị Hiền (khu Chang Nà, thị trấn Bình Liêu) được tuyên truyền, giới thiệu vào làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Hoa Lợi Đạt (Quảng Ninh), sau gần 3 năm vào làm việc, chị đã có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế ngày càng khá hơn. Chị Hiền cho biết: Trước đây kinh tế gia đình tôi khó khăn, chủ yếu sống bằng tiền thợ xây của chồng, bản thân tôi cũng không có việc làm ổn định. Sau gần 3 năm vào làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Hoa Lợi Đạt thu nhập tôi nay khoảng 7 -8 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định”. Từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà, gia đình anh Ngô Tiến Ngọc (thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm) có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào chăn nuôi gà. Anh Ngọc cho biết: “Những kiến thức học được đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn gà. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước đây, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi gà, cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia”.
Đồng chí Lương Xuân Lồng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, hội viên và người nông dân trên địa bàn đã dần thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tiễn nhờ vào những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp đào tạo nghề. Bên cạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Bình Liêu cũng chú trọng hỗ trợ các chính sách về tín dụng, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bảo đảm đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, giúp nông dân chủ động mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Qua đó, người lao động được lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình, phát huy được những kiến thức, kỹ năng đã học để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm hiệu quả, tạo được việc làm và tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
Kinh tế biển - Động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2030  (15/10/2023)
Quảng Ninh phát huy vai trò hạt nhân, tạo động lực phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng  (15/10/2023)
Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất, hiệu quả  (10/10/2023)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm