Phát triển kinh tế nông thôn - điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội
TCCS - Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp. Triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 2 bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, Hà Nội có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số huyện, thị xã của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới lên 15/18, hiện còn 3 huyện chưa đạt là Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì. Đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội phấn đấu đưa vùng ngoại ô trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới để nông thôn của Hà Nội trở thành một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh của đất trăm nghề, gắn với phát triển nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,53%. Cơ cấu giá trị sản xuất năm 2020: trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 38,76%; chăn nuôi, thủy sản chiếm 58,11%; dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,13%. Thành phố đã thực hiện hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%), có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả nổi bật, đến hết năm 2020, thành phố có 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%), với 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%); 30 sản phẩm đồ uống (chiếm 2,8%); 7 sản phẩm thảo dược (chiếm 0,7%); 27 sản phẩm vải, may mặc (chiếm 2,6%); 299 sản phẩm sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí (chiếm 28,4%). Phát triển được 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Hà Nội hiện có 1.342 hợp tác xã nông nghiệp; 1.543 tổ hợp tác, trong đó có 1.049 tổ hợp tác nông nghiệp, 417 tổ hợp tác công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 77 tổ hợp tác thuộc các lĩnh vực khác; có 1.581 trang trại, trong đó: 1.173 trang trại chăn nuôi, 218 trang trại tổng hợp, 120 trang trại thủy sản, 69 trang trại trồng trọt và 1 trang trại lâm nghiệp; 1.350 làng có nghề, trong đó: 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 180 sản phẩm của 53 hợp tác xã được thành phố công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nhiều hợp tác xã đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các hợp tác xã đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương. Nhiều hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chưa có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tỷ lệ nông sản được chế biến sâu còn thấp, việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; trình độ lao động nông nghiệp còn thấp và ngày càng bị già hóa. Nhận thức về việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại của một số cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ; nguồn vốn hoạt động ít, thu nhập của cán bộ hợp tác xã thấp, vẫn còn 145 hợp tác xã nông nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể. Việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố còn thiếu đồng bộ.
Để phát huy vai trò của các hợp tác xã thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, Chương trình số 04-Ctr/TU đã đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng gắn với quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Củng cố hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Phát triển kinh tế trang bền vững và sinh thái. Tiếp tục triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Phấn đấu đến năm 2025: Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5-3,0%. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên. Triển khai Đề án “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội”. Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 01 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Thành phố công nhận thêm trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường. Phấn đấu có trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến; phát triển làng nghề gắn với dịch vụ thương mại và dịch vụ du lịch. Xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thị sản phẩm. Tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa 5 “nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Về thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước phát huy vai trò trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; tín dụng; dịch vụ nghiên cứu, cung ứng, hướng dẫn về kỹ thuật, cung cấp giống,… Cơ cấu, tổ chức lại các hợp tác xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Tiếp tục hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân,… huy động nguồn lực phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể:
Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 134/NQ-CP, ngày 25-9-2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với nòng cốt là “hợp tác xã”, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; giải thể, chuyển đổi các hợp tác xã ngừng hoạt động; giảm tỷ lệ các hợp tác xã hoạt động trung bình, yếu. Khuyến khích thành lập mới tổ hợp tác, chuyên ngành, doanh nghiệp trong hợp tác xã. Tăng cường công tác kiểm tra thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Rà soát xóa nợ cho hợp tác xã ngừng hoạt động để giải thể hoặc chuyển đổi theo Luật hợp tác xã. Hỗ trợ các hợp tác xã có quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc, khu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Xây dựng mô hình điển hình về kinh tế hợp tác, hợp tác xã để tổng kết nhân ra diện rộng.
- Mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên, hỗ trợ ít nhất từ 50 hợp tác xã trở lên Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ hộ nông dân thông qua hợp tác xã theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, ngày 24-5-2018 của Chính phủ về Khuyến nông. Phấn đấu kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế của thành phố.
- Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ thành phố đến cơ sở, cán bộ quản lý của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố. Thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 từ thành phố đến các huyện để thống nhất, tập trung chỉ đạo một cách đồng bộ.
- Hằng năm tổ chức diễn đàn về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, triển lãm, trưng bày, giới thiệu thành tựu về kinh tế hợp tác và sản phẩm OCOP để nhân rộng các mô hình hay trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các hợp tác xã … góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác xã trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
- Triển khai chính sách thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trên đại học về làm việc tại các hợp tác xã, tiến hành đồng bộ từ khâu tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hợp tác xã, có chế độ ưu đãi phù hợp.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu phát triển trang trại.
- Đẩy mạnh việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn về thời gian thuê đất, ưu đãi nguồn vốn vay để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất; định hướng phát triển kinh tế trang trại theo hướng xanh, bền vững môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, liên kết và xúc tiến thương mại đối với các chủ trang trại.
- Thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng một số mô hình kinh tế trang trại điểm về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất theo chuỗi gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để tổng kết, chỉ đạo nhân rộng.
Ba là, đẩy mạnh phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn
- Thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề có thế mạnh phát triển kết hợp với du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
- Tiếp tục cải tạo, nâng cấp, tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đối với 70 cụm công nghiệp đang hoạt động; đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 43 cụm công nghiệp mới được thành lập giai đoạn 2018 - 2020 để thu hút đầu tư đưa vào hoạt động; tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư thành lập 46 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025, thành phố có 159 cụm công nghiệp đưa vào hoạt động.
- Lấp đầy và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đối với 9 khu công nghiệp, thành lập từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới theo quy hoạch, phấn đấu đến hết năm 2025, thành phố có 11 khu công nghiệp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đi vào hoạt động ổn định.
- Đầu tư xây dựng mới 5 chợ đầu mối ở các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai; cải tạo nâng cấp 2 chợ đầu mối hiện có ở quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm; xây dựng mới 63 chợ dân sinh nông thôn, cải tạo 97 chợ dân sinh nông thôn hiện có đạt chuẩn theo quy định nhằm phát triển và quản lý đồng bộ hệ thống chợ đầu mối và chợ nông thôn trên địa bàn thành phố, bảo đảm hài hòa giữa chợ và các loại hình thương mại khác; khuyến khích xã hội hóa hoạt động đầu tư phát triển hệ thống chợ.
- Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, các dự án sử dụng nhiều lao động để tạo nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển dịch vụ nông thôn nhằm cung cấp các dịch vụ thiết yếu, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng mức thu nhập cho người dân.
- Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của làng nghề, ngành nghề nông thôn, ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ; chú trọng xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn, xây dựng chính sách phù hợp để thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề, bảo tồn làng nghề, nghề truyền thống.
- Đẩy mạnh các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề, đặc biệt là nghề truyền thống trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
- Phát triển dịch vụ ở nông thôn để cung cấp thông tin, giống, vật tư, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập các công ty, các hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực này.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông thôn, trong những năm tiếp theo thành phố Hà Nội tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp mà Chương trình số 04 - CTr/TU đã đề ra, trong đó tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
- Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường phân cấp thu chi ngân sách cấp huyện và xã theo tư tưởng chỉ đạo của Chương trình số 04-CTr/TU.
- Có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả huy động vốn ODA và FDI. Phát triển các hình thức đầu tư đối tác công - tư; lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cùng một địa bàn.
- Tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển quỹ tín dụng nhân dân khu vực nông thôn.
- Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách mới của Trung ương, thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục ưu tiên dành vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức hướng dẫn trình tự, thủ tục vay vốn. Các tổ chức hội (hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ…) cơ sở tổ chức triển khai, tuyên truyền, đến các hộ trên địa bàn nông thôn.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên, thành phố cần có chính sách cụ thể hơn về tiếp cận nguồn lực đất đai, nguồn lực tài chính và khoa học - công nghệ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại quy mô lớn ở nông thôn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cũng như hiệu quả cạnh tranh của hàng nông sản; khuyến khích và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bảo quản và chế biến hàng nông sản tại chỗ giúp giảm chi phí, kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất làm tăng giá trị cho nông sản./.
Thành phố Hà Nội: Bảo đảm chất lượng dạy và học trong công tác giáo dục và đào tạo  (16/10/2022)
Di sản công nghiệp - nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa cho thành phố Hà Nội  (16/10/2022)
Hoạt động kinh tế đối ngoại của thành phố Hà Nội: Những vấn đề cần giải quyết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế  (15/10/2022)
Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển  (15/10/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay