Một số giải pháp góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở tỉnh Quảng Bình
TCCS - Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một nội dung quan trọng về thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc từ ngàn xưa đến nay. Quảng Bình là một trong những tỉnh có số lượng người có công với cách mạng nhiều nhất nước. Những năm qua, bên cạnh thực hiện việc đẩy mạnh phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong hành động
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình thực sự là vùng “tuyến lửa”. Nếu tính gộp cả hai lần chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã sử dụng đủ các loại máy bay đánh phá vào Quảng Bình hơn 8 vạn lần (trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B.52) với hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc-két, tên lửa. Bom đạn Mỹ giết hại 12.330 người, làm bị thương 18.434 người, đốt cháy và đánh sập hàng vạn nóc nhà(1). Nhưng với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Quảng Bình huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia mở đường, rà phá bom, mìn, vận chuyển lương thực, vũ khí…, huy động đội ngũ phục vụ chiến đấu tại chỗ và chi viện cho chiến trường với tổng số ngày công phục vụ chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh là 2.959.071 ngày công. Số lượng người nhập ngũ, đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến là 39.500 người (có 7.904 nữ), chiếm 10,9% dân số. Tổng số lượt người (bộ đội, dân quân) vào trực tiếp chiến đấu ở chiến trường B, C là 38.715 người, chiếm gần 10% dân số(2).
Hiện nay, Quảng Bình có gần 150.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng (chiếm hơn 17% dân số) với hơn 13.000 liệt sĩ, trên 100.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, gần 20.000 thương, bệnh binh, hơn 6.300 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 2.000 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 1.000 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… Đặc biệt, toàn tỉnh có hơn 1.300 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 15 mẹ còn sống)(3).
Nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(4). Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; Nghị quyết số 70/NQ-CP, ngày 1-11-2012, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình xác định mục tiêu thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn”(5).
Xác định việc tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tích cực. Hằng năm, giải quyết trợ cấp hằng tháng cho hơn 23.290 trường hợp; trợ cấp một lần cho hơn 16.800 trường hợp; trợ cấp một lần thờ cúng liệt sĩ trên 9.800 trường hợp; điều chỉnh trợ cấp cho hơn 24.000 trường hợp; điều chỉnh trợ cấp hằng tháng cho 2.326 người bị nhiễm chất độc hóa học. Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg với 43.016 trường hợp(6).
Trong 5 năm (2012 - 2017), có trên 50 lượt nghĩa trang liệt sĩ, trên 30 lượt nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ được sửa chữa, nâng cấp với kinh phí trên 35 tỷ đồng từ ngân sách trung ương; nâng cấp 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc tế (Tuyên Hóa, Nam Gianh) với kinh phí 72,76 tỷ đồng; tổ chức chu đáo lễ viếng, dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ trong và ngoài tỉnh nhân các dịp lễ, tết; tiếp nhận và an táng hàng trăm hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập trong và ngoài nước vào các nghĩa trang liệt sĩ; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công”, “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào phụng dưỡng và chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, người có công sống cô đơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho người có công, sửa chữa các công trình ghi công, mộ liệt sĩ. Giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo cho hàng nghìn học sinh, sinh viên là con của người có công với cách mạng; cấp sổ theo dõi và tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho hàng trăm đối tượng; điều dưỡng hơn 10.000 nghìn lượt người có công(7).
Đặc biệt, trong năm 2020, tuy tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong tháng 10-2020 lại xảy ra liên tiếp 2 trận lũ lớn, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, nhưng tỉnh Quảng Bình vẫn luôn quan tâm chăm lo và chỉ đạo thực hiện giải quyết trợ cấp hằng tháng gần 197 trường hợp, trợ cấp 1 lần gần 1.818 trường hợp; ưu đãi giáo dục - đào tạo 17 trường hợp; tổ chức được 10 đợt điều dưỡng với 841 người tham gia; các cấp thăm và tặng 83.987 suất quà với tổng số tiền hơn 14,919 tỷ đồng. Tiếp nhận và an táng 9 hài cốt liệt sĩ trong nước, 26 hài cốt liệt sĩ từ Lào về nước. Hỗ trợ 18.999 người có công và thân nhân người có công với cách mạng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với tổng số tiền 28,399 tỷ đồng(8).
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá: “Một bộ phận nhân dân chưa nắm bắt kịp thời các chính sách để thực hiện và chưa có ý kiến tham gia khi cần thiết hoặc khiếu kiện nhiều lần mặc dù đã được xử lý”; “Việc giải quyết các chính sách cho người có công vẫn còn một số vướng mắc... Hơn 2.000 bệnh binh chưa được giải quyết theo Thông tư số 20/TT-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”(9). Trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra của cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, địa phương chưa cao. Một số cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách nắm nguyên tắc, quy trình, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách chưa kỹ, chưa sâu, cá biệt có nơi còn để xảy ra sai sót, tiêu cực phải xử lý...
Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thời gian tới
Một là, cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có chủ trương, biện pháp và kế hoạch khai thác, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”(10). Do đó, để thực hiện các chính sách xã hội nói chung và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt, nắm vững các quan điểm, nguyên tắc, chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội nói chung và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói riêng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên nắm chắc và đánh giá chính xác các nguồn lực của địa phương, khả năng, năng lực tài chính, cơ sở vật chất của từng tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp, khả năng đóng góp của các nhà tài trợ, các tổ chức nhân đạo ở địa phương, cũng như các tổ chức, cá nhân của địa phương đang đi làm ăn xa ở trong nước và nước ngoài,… bằng nhiều kênh thông tin khác nhau như thông qua báo cáo hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dư luận của nhân dân;... từ đó xác định những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp, có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khai thác và phát huy tốt mọi nguồn lực cho thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở địa phương.
Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng người có công với cách mạng.
Nội dung tuyên truyền cần bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, giải pháp của tỉnh, giúp cho đội ngũ cán bộ và người dân nhận thức rõ vị trí, vai trò của chính sách xã hội nói chung và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói riêng, nhất là về nghĩa vụ và trách nhiệm trong tham gia thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, truyền thống đoàn kết, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”… Kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Chú trọng tuyên truyền về ý chí tự lực vươn lên của bản thân những đối tượng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, nhằm “động viên, hỗ trợ và khuyến khích nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước”(12); nhấn mạnh về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong thực hiện chính sách xã hội.
Công tác tuyên truyền cần kiên trì, bền bỉ, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tổ chức thực hiện, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền thông qua sách, báo, pa-nô, khẩu hiệu, tuyên truyền miệng, tuyên truyền lồng ghép qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách.
Các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó nòng cốt là cơ quan lao động - thương binh và xã hội vừa có chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, vừa có chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng phụ thuộc rất lớn vào năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức này. Vì vậy, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong việc tham gia thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở cơ sở.
Cơ quan lao động - thương binh và xã hội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng khác nắm bắt tình hình, đánh giá đúng nguồn lực ở địa phương, từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia với phương châm: Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu, huy động mọi nguồn lực để chính sách ưu đãi người có công được thực hiện ngày càng đầy đủ, tốt hơn.
Cơ quan quân sự địa phương tích cực phối hợp với cơ quan lao động - thương binh và xã hội đề xuất, ban hành, triển khai thực hiện các văn bản quy định về giải quyết chế độ, chính sách đối với những người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là đối với các đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh, không còn lưu giữ đầy đủ giấy tờ. Phối hợp, tiến hành tích cực, hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác minh tên, tuổi, quê quán và tổ chức bàn giao về địa phương, gia đình theo Chỉ thị số 24/CT-TW, ngày 15-5-2013, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội nắm chắc và phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để tham gia tuyên truyền, vận động, xã hội hóa có hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách là lực lượng trực tiếp nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, cán bộ chủ trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần căn cứ vào quy định, hướng dẫn, tính chất nhiệm vụ của đơn vị để lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ có trình độ, kinh nghiệm phù hợp; có kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách. Bản thân cán bộ làm công tác chính sách cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm, tình cảm đối với những người có công với Tổ quốc; có phương pháp, tác phong khoa học, trách nhiệm cao với công việc; nhiệt tình, chu đáo, chân thành, cởi mở, khiêm tốn, thận trọng, kiên trì, tận tụy, khách quan, thấu tình đạt lý khi tiếp xúc với nhân dân; tích cực nghiên cứu, nắm vững quan điểm, nguyên tắc, chế độ, chính sách, sâu sát cơ sở để vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, hiệu quả.
Bốn là, huy động mọi nguồn lực trong thực hiện chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động các nguồn lực trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Quảng Bình tích cực vận động nhân dân chung sức trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng trong cộng đồng dân cư; có nhiều biện pháp kết hợp, phát huy các nguồn lực của Trung ương và nguồn lực tại chỗ hợp lý, hiệu quả; kiên quyết khắc phục, đẩy lùi những tiêu cực, sai phạm trong quá trình huy động các nguồn lực thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng./.
------------------------
(1) “Quảng Bình kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, ngày 5-9-2014, https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/quang-binh-khang-chien-chong-de-quoc-my-xam-luoc.htm
(2) “Quảng Bình những năm tháng không quên”, báo Quảng Bình điện tử, ngày 19-7-2014, http://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201504/quang-binh-nhung-nam-thang-khong-quen-2124631/
(3) “Quảng Bình thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, ngày 25-1-2021, https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/quang-binh-thuc-hien-tot-cac-che-do-chinh-sach-doi-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang.htm
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 204
(5) (12) Tỉnh ủy Quảng Bình: Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, số 18/Ctr-TU, ngày 12-3-2013.
(6) (7) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình: “Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, ngày 01/11/2012 của Chính phủ”, số 143/BC-UBND, ngày 03-7-2017
(8) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình: “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020”, số 294/BC-UBND ngày 26-11-2020
(9) UBND tỉnh Quảng Bình: “Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, ngày 01-11-2012 của Chính phủ”, số 143/BC-UBND, ngày 03-7-2017
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 86
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 555
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 229
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt Đoàn đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu  (25/07/2021)
Quảng Bình đổi mới, sáng tạo trong công tác cán bộ  (11/05/2021)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Bình ký kết chương trình phối hợp công tác  (24/04/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam