Y tế cơ sở Hà Nội: Nhìn từ thực tiễn đại dịch COVID-19
TCCS - Đại dịch COVID-19 vừa qua như một “phép thử” cho y tế cơ sở trong việc khẳng định vai trò là “người gác cổng” tiên phong và quan trọng trong hệ thống y tế của Thủ đô. Trong nhiều tháng “đấu tranh” với dịch bệnh, y tế cơ sở của Thủ đô đã giải quyết được 2 nhiệm vụ cấp bách là phát hiện sớm ca nhiễm mới và hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng bằng hình thức cách ly tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú…
Phát huy sức mạnh y tế cơ sở
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua, ngành y tế thành phố Hà Nội đã tăng cường củng cố lực lượng và phát huy vai trò cán bộ y tế cơ sở trong việc giám sát y tế cộng đồng. Đây chính là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát, phát hiện, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá cao.
Để khống chế dịch bệnh COVID-19 xâm nhập, bùng phát và lây lan trên địa bàn thành phố, ngành y tế thành phố Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo các phương án thuốc men, vật tư y tế, bố trí khu cách ly, giám sát dịch tễ ở các khu cách ly tập trung và ở cộng đồng. Đặc biệt là chú trọng củng cố nguồn nhân lực y tế từ cấp thành phố đến cơ sở, trong đó tăng cường chỉ đạo cho y tế xã, phường, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng quản lý giám sát cộng đồng theo phương châm “đi đến ngõ, gõ đến nhà, rà đến từng đối tượng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Là tuyến đầu và là “người gác cổng” của hệ thống y tế, nên trong phòng, chống dịch COVID-19, vai trò của hệ thống y tế cơ sở - trạm y tế xã, phường, thị trấn là vô cùng quan trọng. Tại tất cả các trạm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đều bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để ứng phó với mọi tình huống dịch xảy ra, đồng thời cử cán bộ tham gia đội phản ứng nhanh của địa phương. Tăng cường theo dõi sức khỏe của người dân, phát hiện kịp thời những biểu hiện sốt, ho, khó thở để khám sức khỏe và xử lý kịp thời nếu nghi ngờ nhiễm COVID-19. Cán bộ y tế cơ sở tiếp tục điều tra đến những người F1 đi đâu, gặp những ai? Rồi gặp những người F2 của F1, F3 của F2 cũng với những mục điều tra như thế… Từ 1 ca bệnh dương tính được phát hiện, cán bộ y tế tuyến cơ sở phải đi khắp các phố phường từ 1 người, sẽ phải điều tra nhân lên khoảng 20 người, từ 20 lại nhân lên khoảng 20 nữa… Đây là một con số khổng lồ và liên quan đến rất nhiều người, nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 mới xâm nhập, cán bộ y tế tuyến cơ sở, đội phản ứng nhanh, trạm y tế phường và các phòng khám đa khoa phải trực dịch 24/24. Đồng thời điều tra, xử lý ổ dịch rồi khẩn trương lắp đặt trạm xét nghiệm nhanh phục vụ nhân dân. Công việc nối tiếp công việc, các cán bộ y tế cơ sở phải kịp thời đáp ứng, phục vụ với tinh thần trách nhiệm, kề vai, sát cánh cùng cả nước chiến đấu chống dịch COVID-19.
Các trạm y tế ở nơi có người nhiễm COVID-19 đã tích cực tham mưu với ban chỉ đạo cơ sở về công tác phòng, chống dịch; phối hợp với các đơn vị hướng dẫn phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại công sở, trường học, chợ, nơi tập trung đông người; hướng dẫn cho các hộ gia đình, khu dân cư vệ sinh nhà cửa; tư vấn về chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch; cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý, báo cáo kịp thời với ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở địa phương; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở, khách sạn, nhà nghỉ tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế đi đôi với việc quản lý chặt chẽ các trường hợp đi từ vùng dịch trở về, lập danh sách cho ban chỉ đạo kịp thời thực hiện quy định về cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Đồng thời, nhắc nhở người dân ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định cách ly tại gia đình và cử cán bộ y tế đến theo dõi, kiểm tra sức khỏe hằng ngày.
Đối với công tác điều trị, các cơ sở y tế tuyến cuối khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân phải làm tốt các khâu: đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, cách ly tại đơn vị; phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám, chữa bệnh; chăm sóc tốt sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, đồng thời cập nhật một số điểm mới trong công tác chẩn đoán và điều trị. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế không chỉ có ý nghĩa với công tác phòng, chống dịch mà còn có vai trò quyết định trong việc bảo đảm sức khỏe cho lực lượng chính trên tuyến đầu chống dịch và cả bệnh nhân. Mặc dù dịch bệnh gây ra nhiều tổn thất về sức khỏe, vật chất, tinh thần… nhưng qua đó đã thấy được tình người, tình đồng bào tương thân tương ái, đùm bọc nhau trong hoàn cảnh khó khăn, nhất là tình cảm của đội ngũ các y, bác sĩ dành cho nhân dân và nhân dân dành cho cán bộ y tế cũng như các gia đình nằm trong diện cách ly khu phố.
Giai đoạn đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là tuyên truyền, điều tra; giai đoạn tiếp theo là tuyên truyền, điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức xét nghiệm nhanh; giai đoạn sau là tuyên truyền, điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức xét nghiệm nhanh, trực chốt các đầu cầu... Dù ở mức độ nào, cường độ công việc áp lực bao nhiêu, họ cũng đều cố gắng hoàn thành, đáp ứng công việc rất nhanh, rất kịp thời. Có thể thấy, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tình cảm của cán bộ y tế với dân, dân với cán bộ y tế và cán bộ y tế với nhau đã gắn kết hơn, xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, chia sẻ cho nhau, chăm sóc nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn, cùng chung tay chống giặc COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thực tiễn triệt phá “ổ dịch” đầu tiên ở Hà Nội
Phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) là địa bàn phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 17 và cũng là ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội. Xác định đây là “ổ dịch” hết sức phức tạp, Trạm Y tế phường Trúc Bạch đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai có hiệu quả các hoạt động chống dịch. Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Tuyết, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trúc Bạch, mặc dù luôn sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng khi nhận được lệnh của cấp trên về ca bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19 sống tại số nhà 125, phố Trúc Bạch thì công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt hơn.
Kể từ tối 6-3-2020, cơ quan chức năng đã tiến hành lắp 2 chốt hàng rào kiểm soát ở ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã và ngã ba Châu Long - Trúc Bạch. Mỗi chốt đều có lực lượng chức năng gồm công an, nhân viên y tế, dân phòng và chính quyền địa phương chia ca túc trực 24/24. Từ 22 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau, cán bộ y tế phường cùng với cán bộ y tế Trung tâm Y tế quận Ba Đình, đội phòng, chống dịch cơ động Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Rất nhanh chóng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của quận Ba Đình, của phường Trúc Bạch, cán bộ y tế Trạm Y tế phường Trúc Bạch và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội ra quân khoanh vùng, vẽ sơ đồ số nhà, điều tra các đối tượng tiếp xúc và xác định các đối tượng thực hiện việc cách ly theo quy định. Các đối tượng F1, F2, F3, F4, F5 nhanh chóng được xác định, tiến hành tuyên truyền và thực hiện cách ly, phòng, chống dịch bệnh.
Mỗi người một việc, tùy chức năng chuyên môn của mình, tất cả đều đoàn kết một lòng, chung tay góp sức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các cán bộ y tế đã quên đi mệt mỏi, bỏ qua sự lo sợ đến từng hộ gia đình, khảo sát dịch tễ từng cá nhân, đo thân nhiệt, lưu tiền sử sức khỏe của từng người, tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; hướng dẫn người dân thu gom rác thải theo quy định để bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh. Các cán bộ y tế đội phòng, chống dịch cơ động của thành phố và quận Ba Đình nhanh chóng tiến hành vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh. Sáng ngày 7-3-2020, Lữ đoàn Phòng hóa 86 thuộc Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) và Viện Y dược dự phòng Quân đội (Cục Quân y) phối hợp triển khai lực lượng và phương tiện chuyên dụng tiến hành phun hóa chất, tiêu tẩy, khử khuẩn khu vực các phố Trúc Bạch...
Để bảo đảm người dân an tâm và có cuộc sống sinh hoạt bình thường tại khu vực cách ly khi có lệnh cách ly phố Trúc Bạch, cán bộ y tế cắm chốt luôn túc trực, không về nhà. Ngày 2 lần, cán bộ y tế đi đo thân nhiệt cho người dân, tuyên truyền cho họ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nếu trường hợp nào có biểu hiện tình trạng sức khỏe bất thường thì cán bộ y tế trạm khám sàng lọc, nếu nhẹ thì theo dõi sức khỏe người dân tại chỗ, còn nặng gọi điện nhờ tuyến trên hỗ trợ. Ngoài ra, cán bộ y tế cùng với các lực lượng chức năng cung cấp đủ nhu cầu về thực phẩm và các vật dụng cá nhân cần thiết cho người dân. Đối với các hoạt động y tế khác của phường, trung tâm y tế đã huy động các phường khác vào cuộc và tuyên truyền người dân trên địa bàn phường biết và thực hiện, như hoạt động tiêm chủng, hoạt động khám, chữa bệnh bình thường cho người dân được chuyển sang Trạm Y tế phường Quán Thánh.
Khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh đầu tiên, công suất làm việc của cán bộ y tế cao hơn gấp nhiều lần và làm việc không có ngày nghỉ. Mỗi cán bộ phát huy hết năng lực của mình, tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ những việc nhỏ nhất, như vệ sinh cá nhân, nhà ở, khu vực xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, hằng ngày thu gom tập trung, tập kết, xử lý theo quy định. Có thể nói, mỗi người cán bộ y tế cơ sở là những chiến sĩ mang trên mình chiếc áo blouse trắng tỏa sáng, “chiến đấu” quên mình trên “chiến trường” phòng chống, dịch bệnh COVID-19./.
Hà Nội nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân  (18/10/2020)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm