Quảng Ninh mở cửa đón khách quốc tế trong tuần đầu tiên của năm 2022
TCCS - Với những lợi thế riêng có, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế nên trong những năm qua, du lịch Quảng Ninh đã có những bước tiến vượt bậc, tạo được nét đặc sắc về du lịch khám phá hang động kết hợp trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên đặc sắc gắn với du lịch tâm linh. Kết cấu hạ tầng được đầu tư lớn, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Năm 2022, Quảng Ninh là một trong 5 địa phương trong cả nước được Tổng cục Du lịch đề xuất lên Chính phủ đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm, dựa trên các điều kiện: tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, năng lực ứng phó với dịch bệnh tốt và nhiều trải nghiệm du lịch đẳng cấp, hấp dẫn và trọn gói.
Tập trung đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nét nổi bật trong hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đó là không gian du lịch được mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, bảo đảm tính bền vững, gắn với các sản phẩm đặc thù và nổi trội, bao gồm: Vùng du lịch trung tâm tại thành phố Hạ Long và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên; vùng du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, Cô Tô; vùng du lịch biên giới tại khu vực Móng Cái và vùng lân cận. Đồng thời, phát triển không gian du lịch mới ở các địa bàn tiềm năng như: Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu... Qua đó, từng bước khai thác được thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch gắn với phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao, đưa ngành du lịch ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Nhiều định hướng phát triển du lịch đã được tỉnh tính toán và đưa vào lộ trình xây dựng phát triển, điển hình như, xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô trở thành động lực phát triển dịch vụ của tỉnh và của vùng; tập trung phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và vùng biển đảo Vân Đồn, Cô Tô kết nối với vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp; phát triển khu vực Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh - sinh thái, có sức hấp dẫn cao; khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà kết nối với thành phố Móng Cái phát triển du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc...
Bốn dự án, công trình trọng điểm của tỉnh cũng đồng loạt khởi công, trong đó có sân Golf Đông Triều và Khu Đô thị phức hợp Hạ Long Xanh sẽ tiếp tục là một trong những điểm nhấn đột phá để phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, các công trình này sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí tại Đông Triều, Hạ Long, Quảng Yên nói riêng và Quảng Ninh nói chung, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mở cửa đón khách quốc tế trong tuần đầu tiên của năm 2022
Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ mở cửa đón khách quốc tế đợt 1 ngay trong tuần đầu tiên của năm 2022. Theo kế hoạch, đoàn khách đầu tiên đến từ Hàn Quốc sẽ nhập cảnh tại sân bay quốc tế Vân Đồn vào ngày 7-1-2022 tới đây. Quảng Ninh đã lựa chọn được các mô hình du lịch khép kín thí điểm đón khách quốc tế. Đó là mô hình tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long và mô hình đón khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (Hạ Long), Khu di tích và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí), Khu du lịch Móng Cái - Trà Cổ (thành phố Móng Cái).
Quảng Ninh cũng cho công bố các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện và được phép đón khách du lịch quốc tế đợt 1, gồm: Khách sạn FLC Grand Hạ Long, Công ty cổ phần Thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa, chi nhánh Công ty Viet Way tại Quảng Ninh.
Các tàu được đón khách du lịch quốc tế tham quan trên Vịnh Hạ Long trong đợt 1 gồm: Đội tàu Rồng Việt và Seoul Hạ Long, tàu du lịch Bình An 68 - QN 9289, tàu du lịch Quảng Nam - QN 9189, đội tàu của Công ty cổ phần Du lịch Thuyền Vàng – 9999, đội tàu của Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và Dịch vụ du lịch Bài Thơ.
Tất cả những nơi được lựa chọn đều là điểm đến nổi tiếng, mang thương hiệu du lịch đặc trưng của Quảng Ninh, cung cấp đa dạng các trải nghiệm một cách trọn gói, khép kín. Đồng thời, các điểm đến đều là những nơi dễ dàng bố trí cho du khách di chuyển và trải nghiệm theo luồng riêng, trong không gian biệt lập. Nhân viên khi phục vụ khách quốc tế sẽ được bố trí ở một khu riêng nhằm giảm tối đa sự tiếp xúc với cộng đồng.
Sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp mạnh, trong đó có quyết định tạm dừng các hoạt động du lịch, dịch vụ để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, từ tháng 10-2021, tỉnh Quảng Ninh đã mở lại một số hoạt động du lịch nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch. Đến tháng 11-2021, tỉnh triển khai thí điểm đón khách du lịch ngoại tỉnh, trọng tâm là mở các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tỉnh cũng ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch gồm 23 tiêu chí bắt buộc, 12 tiêu chí khuyến khích thực hiện để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ thực hiện nghiêm túc. Việc đánh giá được thực hiện và công bố công khai hằng tuần.
Thực hiện chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trong 6 tháng đầu năm 2022
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh gồm: Danh thắng Vịnh Hạ Long; Bảo tàng Quảng Ninh và danh lam thắng cảnh Khu Di tích Yên Tử. Chính sách trên được áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 30-6-2022. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm 50% phí tham quan các điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh này. Trước đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, liên tiếp hai năm 2020, 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra các nghị quyết kích cầu du lịch trên địa bàn thông qua việc hỗ trợ, miễn, giảm phí tham quan du lịch tại ba điểm du lịch trên với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.
Tỉnh dự báo tính hình dịch COVID-19 năm 2022 tiếp tục có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung, du lịch, dịch vụ nói riêng, theo đó, lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh sẽ khó có thể phục hồi được ngay trong năm 2022 như thời gian trước năm 2000. Vì vậy, tỉnh tiếp tục có các chính sách để thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh để thích ứng an toàn nhằm mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự xã hội, trong đó các chính sách phù hợp như, miễn, giảm phí tham quan vịnh Hạ Long, Khu Di tích và danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh cho khách du lịch.
Các chính sách này sẽ đóng vai trò quan trọng, là “vốn mồi” để tái khởi động hoạt động dịch vụ du lịch, thông qua các khu, điểm du lịch này để thu hút khách đến các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ đó góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh. Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2022, số khách tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long sẽ đạt 1,2 -1,5 triệu lượt; khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh khoảng 100.000 lượt; khách tham quan Khu Di tích và danh thắng Yên Tử khoảng 200.000 - 250.000 lượt.
Năm 2019, Quảng Ninh đón được hơn 14 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 29.486 tỷ đồng, tăng 25%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, từ năm 2020 trở lại đây, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh bị giảm mạnh. Cụ thể: Năm 2020, du khách đến tỉnh đạt 8,73 triệu lượt, bằng 63% so với 2019, tổng thu từ du lịch đạt 17.000 tỷ đồng, bằng 58% so với năm 2019. Ước năm 2021, tổng khách du lịch khoảng 4 triệu lượt, bằng 45% cùng kỳ năm 2020, tổng thu du lịch ước đạt 7.000 tỷ đồng, bằng 40% so với cùng kỳ.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ ở Quảng Ninh, làm giảm thu nhập của người lao động và làm suy yếu năng lực tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ có nguy cơ phá sản cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng nghìn lao động. Theo kết quả khảo sát tháng 5-2021 của Sở Du lịch Quảng Ninh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động ngành du lịch của tỉnh bị cắt giảm, thôi việc khoảng 31% (khoảng 8.000 người); lao động tạm nghỉ việc không có tiền lương dự kiến sẽ quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp có thông báo khoảng 46% (khoảng 12.000 người); lao động làm việc thường xuyên chiếm khoảng 12% (khoảng 3.000 người) và lao động nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên khoảng 3.000 người.
Quảng Ninh là một trong 5 địa phương trong cả nước được Tổng cục Du lịch đề xuất lên Chính phủ đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm, dựa trên các điều kiện: tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, năng lực ứng phó với dịch bệnh tốt và nhiều trải nghiệm du lịch đẳng cấp, hấp dẫn và trọn gói. Hy vọng sang năm 2022, du lịch Quảng Ninh sẽ có bước khởi sắc và mở ra nhiều cơ hội mới để du lịch Quảng Ninh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong tương lai./.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  (27/11/2021)
Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong tình hình mới  (26/11/2021)
Thị xã Quảng Yên tạo đột phá để phát triển kinh tế  (26/11/2021)
Huyện Đầm Hà tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (16/11/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên