Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực y tế của thành phố Hà Nội và những giải pháp cần thực hiện trong bối cảnh thực thi Luật Thủ đô năm 2024
TCCS - Cùng với những thành công của ngành y tế, hoạt động phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực này của Hà Nội thời gian qua đạt được những kết quả nhất định, góp phần gia tăng vị thế của Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực y tế của thành phố còn bộc lộ một số điểm bất cập, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ hạn chế trong hoạt động phân cấp, phân quyền. Thực tế đó đặt ra yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực y tế cần phù hợp hơn, được đẩy mạnh và hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh triển khai thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Những kết quả nhất định
Các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế chủ yếu quy định ở các văn bản pháp luật như: (i) Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; (ii) Luật Dược năm 2016, sửa đổi, bổ sung năm 2020; (iii) Luật An toàn thực phẩm năm 2010; (iv) Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và rất nhiều văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực y tế. Đối với Thủ đô Hà Nội, thực hiện hoạt động y tế thời gian qua chính quyền thành phố đã ban hành một số văn bản, tiêu biểu như Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND, ngày 6-9-2021, quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; Quyết định số 10/2024/QĐ-UBND, ngày 1-2-2024, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND, do Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội ban hành ngày 4-12-2019, quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 02/NQ-HĐNĐ, do HĐND thành phố Hà Nội ban hành ngày 8-4-2022, về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, trong đó có nội dung nâng cấp hệ thống y tế cơ sở…
Luật Thủ đô năm 2024 ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự vận hành và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong đó, phát triển y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 26 với những nội dung quy định về mục đích xây dựng hệ thống y tế thủ đô, xác định thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố trong lĩnh vực y tế. Với mục đích xây dựng hệ thống y tế thủ đô tiên tiến, hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn, thực hiện đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, là trung tâm y tế lớn của cả nước, nhiệm vụ của ngành y tế Thủ đô được quy định một cách cụ thể và rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện là những trọng tâm được đề cập tới trong Luật Thủ đô lần này.
Đánh giá thực tiễn thời gian qua cho thấy, y tế Thủ đô không ngừng nâng cao trình độ khoa học, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và cũng là nơi thí điểm cải cách hoạt động quản lý, đầu tư công tư, tự chủ tài chính trong hoạt động cung cấp dịch vụ y tế(1). Đặc biệt là kể từ thời điểm Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND, ngày 16-9-2021, quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố có hiệu lực, nhiệm vụ quản lý trong một số lĩnh vực về văn hóa, y tế, giáo dục đã được phân cấp thực chất cho cấp huyện và được lượng hóa cụ thể. Về lĩnh vực y tế, thành phố đầu tư, đồng bộ với quản lý sau đầu tư 41 bệnh viện; cấp huyện đầu tư, đồng bộ với quản lý sau đầu tư trung tâm y tế cấp huyện, gồm 666 cơ sở. Bên cạnh đó, việc thực hiện ủy quyền thủ tục hành chính cho Sở Y tế từng bước được thực hiện, đến nay đạt được 90/191 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước theo Quyết định số 2149/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 12-4-2023. Trong đó, Sở Y tế trực tiếp giải quyết 2 thủ tục; Giám đốc Sở Y tế ủy quyền đến các phòng, đơn vị thuộc Sở 48 thủ tục; thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở ủy quyền về trưởng phòng hoặc tương đương thuộc đơn vị 31 thủ tục và 9 thủ tục còn lại được ủy quyền cho UBND cấp huyện(2).
Yêu cầu phải giải quyết
Tuy nhiên, dù đã tiến hành khai thác tiềm năng, năng lực, cơ sở vật chất của cơ quan hành chính các cấp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế nhằm giảm tải việc giải quyết thủ tục hành chính cho cấp trên, nhưng thực tế kết quả vẫn còn khiêm tốn. Ngoài ra, vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế còn bất cập, đặt ra nhiều yêu cầu phải giải quyết.
Về nhân lực, trong bối cảnh cả nước đã có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6 năm 2022, nhiều bệnh viện thiếu hụt nhân viên y tế trầm trọng(3), trong đó có Hà Nội. Tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập có nhiều nguyên nhân. Hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như Hà Nội.
Trong khi đó, lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở, mức lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo. Điều này cho thấy, công tác cán bộ đối với ngành y phải có những đặc thù, Hà Nội tập trung các bệnh viện lớn tuyến Trung ương càng cần có cơ chế đặc thù để đãi ngộ các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao và phục vụ số lượng lớn bệnh nhân không chỉ của Hà Nội mà còn của các tỉnh lân cận.
Về đấu thầu thuốc, còn bất cập ở quy trình thủ tục cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước dẫn đến tình trạng ngưng trệ hoạt động đấu thầu; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hà Nội tập trung các bệnh viện lớn, chuyên khoa với nhu cầu khám chữa bệnh rất cao nên tình trạng thiếu vật tư, thiếu thuốc càng trở nên nghiêm trọng ở một số thời điểm nhất định. Để xây dựng danh mục thuốc đấu thầu bệnh viện phải mất trung bình 7 - 8 tháng, thêm 4 tháng đấu thầu, như vậy thời gian khoảng 1 năm là quá dài. Năm 2022, do kết quả đấu thầu cấp quốc gia ban hành chậm, dẫn đến thiếu thuốc có tính nguy cấp; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K cũng bị thiếu nhiều loại thuốc đặc trị, khiến việc điều trị cho bệnh nhân bị gián đoạn, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân(4).
Mặt khác, những người làm công tác chuyên môn ngành y cũng chưa được đào tạo đầy đủ về kiến thức kinh tế, quản lý nên còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện đấu thầu, thậm chí có những sai sót khiến nhiều người tài trong lĩnh vực y tế sai phạm, bị xử lý, rất lãng phí nhân lực. Vì vậy, cần có những đột phá trong hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế với việc phân cấp, phân quyền, xác định trách nhiệm các chủ thể thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.
Về hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, cũng còn những hạn chế, yếu kém. Thời gian qua, y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được chú trọng đầu tư trong bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi, bệnh tật kép giữa lây nhiễm và không lây nhiễm tăng cao(5). Cụ thể, việc đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế dẫn đến khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân; còn bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chính sách về bảo hiểm y tế; vai trò của y tế dự phòng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện với tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019; tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, tuyến xã chỉ đạt 1,7%(6).
Một số kiến nghị giải pháp
Thứ nhất, cần thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho địa phương trong hoạt động y tế dự phòng. Có thể dễ dàng nhận thấy hạn chế trong hoạt động y tế dự phòng với vai trò của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương là đơn vị bám sát nhất với sức khỏe người dân một cách toàn diện, liên tục; là nơi cập nhật toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, như già hóa dân số và nhu cầu được chăm sóc tại cộng đồng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, ứng phó với dịch bệnh… Sự quản lý và điều phối hiệu quả của chính quyền địa phương sẽ giúp giải quyết, triệt để các yêu cầu của y tế dự phòng.
Thời gian qua, dù thành phố đã trao thẩm quyền quản lý y tế cơ sở cho cấp huyện nhưng chưa tạo ra đột phá nào trong y tế dự phòng cơ sở để chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Vì thế, cùng với yêu cầu về quản lý dân số và phát triển, lĩnh vực y tế cần thực hiện phân quyền củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, tiêm chủng mở rộng, phân quyền cho địa phương kiểm soát các yếu tố nguy cơ, hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, khuyết tật và tử vong sớm tại cộng đồng do bệnh không lây nhiễm; củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và tăng cường năng lực giám sát bệnh không lây nhiễm.
Thứ hai, phân định rõ thẩm quyền của thành phố và cấp huyện trong hoạt động đầu tư, quản lý, duy tu, bảo trì các cơ sở khám chữa bệnh. Định hướng là thành phố nên giữ quyền chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế; thành phố quản lý, đầu tư, bảo trì các bệnh viện (bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố và tuyến huyện), đơn vị sự nghiệp (Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội); thành phố quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở dược trên địa bàn do thành phố cấp phép hoạt động.
Cấp huyện nên được quyền đầu tư, duy tu, duy trì đối với trung tâm y tế cấp huyện (bao gồm cả các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn) theo sự hướng dẫn chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế. Cấp huyện có thể phối hợp quản lý y tế, dược tư nhân, ban dân quân y trên địa bàn. Căn cứ năng lực triển khai, UBND thành phố có thể giao UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án cấp thành phố. Cấp huyện cân đối ngân sách và thực hiện thủ tục đầu tư đối với các nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của cấp huyện.
Thành phố tiếp tục xem xét giao UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư một số dự án y tế bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Ngoài ra, đối với toàn bộ dự án do cấp huyện cân đối vốn 100% để thực hiện, cấp huyện sẽ chủ động thực hiện toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư, tạo cơ hội huy động nguồn lực tư nhân vào phát triển kinh tế theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định để trao cho cấp huyện cũng có thẩm quyền ký kết hợp đồng đối tác công tư trong phạm vi thẩm quyền quản lý của cấp mình. Việc phân cấp, ủy quyền đúng và hợp lý là động lực để thu hút nguồn lực đầu tư vào y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở nói riêng.
Thứ ba, cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự và cơ chế đặc thù đối với nhân sự ngành y tế. Cơ sở vật chất hiện phân cấp cho cấp huyện, nhưng nhân lực vẫn được quản lý theo ngành dọc từ Sở Y tế đã gây ra những bất cập nhất định trong quản lý. Nếu phân cấp được toàn bộ từ cơ sở vật chất đến nhân lực ngành y tế xuống cho cấp huyện dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của Sở Y tế, sẽ có hiệu ứng ngay lập tức trong phòng, chống dịch COVID-19 trước đây nói riêng và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung. Do đó, cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự ngành y tế, xây dựng cơ chế đặc thù đãi ngộ để thu hút, giữ chân ổn định nguồn nhân lực y tế cho thành phố Hà Nội do yêu cầu cao của công việc, nhiệm vụ mà họ phải thực hiện trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân tính trên cơ sở số lượng lớn dân số phân bổ cho cán bộ y tế.
Thứ tư, nhanh chóng hoàn thiện quy định pháp luật về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế với việc phân quyền cho Sở y tế. Kiến nghị tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia tất cả các danh mục thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế hoặc là Sở Y tế nên đứng ra tổ chức đấu thầu thuốc cho các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Điều này sẽ giảm tải công việc cho các cơ sở khám, chữa bệnh tập, tạo điều kiện cho họ tập trung vào chuyên môn vốn đã quá tải, khắc phục được hạn chế về năng lực quản lý và thực hiện đấu thầu vốn đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đồng thời, kiến nghị bổ sung đội ngũ nhân sự thực hiện đấu thầu riêng tách biệt với hoạt động chuyên môn của bệnh viện cho phù hợp, dành cho bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện chức năng chính của họ là khám chữa bệnh.
Luật Thủ đô năm 2024 dành riêng Điều 26 đề cập đến phát triển y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân với mục tiêu và phân định trách nhiệm cụ thể cho HĐND, UBND thành phố. Hy vọng những quy định mới cùng với những cải cách chung về quản lý, phân cấp phân quyền trong lĩnh vực y tế sẽ tạo cơ sở pháp lý cho mục tiêu xây dựng hệ thống y tế thủ đô tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; là trung tâm y tế lớn của cả nước và khu vực, tiếp cận trình độ công nghệ thế giới.
-----------------------------------
(1) Xem: Sở Y tế Hà Nội, Báo cáo tại Hội nghị chuyển đổi số ngành y tế của Sở Y tế Hà Nội, ngày 30-5-2024.
(2) Xem: Tuyết Mai (2023), Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, https://baotintuc.vn/ha-noi/day-manh-phan-cap-uy-quyen-giai-quyet-cac-thu-tuc-hanh-chinh-trong-linh-vuc-y-te-20230628120653793.htm
(3) Xem: Hà Linh (2022), Đã có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, https://kinhtedothi.vn/da-co-gan-9-400-nhan-vien-y-te-xin-thoi-viec-bo-viec.html
(4) Xem: Thùy Linh (2022), Báo động: Bệnh viện Bạch Mai thiếu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, https://laodong.vn/y-te/bao-dong-benh-vien-bach-mai-thieu-thuoc-dap-ung-nhu-cau-dieu-tri-dac-biet-1090426.ldo
(5) Xem: Thu Hằng (2023), Y tế cơ sở, y tế dự phòng: Còn nhiều hạn chế, bất cập, https://vov2.vov.vn/suc-khoe/y-te-co-so-y-te-du-phong-con-nhieu-han-che-bat-cap-42373.vov2
(6) Xem: D.Ngân (2023), Hà Nội: Đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, https://baodautu.vn/ha-noi-dau-tu-trang-thiet-bi-y-te-nang-chat-luong-y-te-co-so-d195202.html
Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đạo đức của đội ngũ cán bộ Thủ đô  (15/10/2024)
Nhận thức chung về năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo  (15/10/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay