Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu trong năm nay dự kiến chỉ đạt 1.600 tỉ USD, giảm khoảng 10% so với mức cao kỷ lục năm ngoái và có thể chấm dứt chuỗi tăng liên tục suốt 4 năm qua.

Theo "Báo cáo đầu tư thế giới 2008: Các công ty xuyên quốc gia và những thách thức về hạ tầng cơ sở" công bố ngày 24-9, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), riêng các nước đang phát triển sẽ vẫn nhận được nguồn FDI ổn định.

Báo cáo cũng khẳng định, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính và tín dụng bắt đầu xảy ra từ nửa cuối năm ngoái, song FDI toàn cầu vẫn tăng 30%, đạt 1.830 tỉ USD, cao hơn khoảng 400 tỉ USD so với mức kỷ lục cũ của năm 2000.

Xu hướng FDI tăng mạnh này gần như được phân bổ đều ở tất cả các vùng, miền trên thế giới; trong đó, các nước phát triển tiếp tục chiếm phần lớn nguồn FDI của năm ngoái với 1.250 tỉ USD và Mỹ vẫn là nước tiếp nhận FDI nhiều nhất, tiếp đến là Anh, Pháp, Canada và Hà Lan.

Nguồn FDI đổ vào các nước đang phát triển cũng lên mức cao kỷ lục với 500 tỉ USD, tăng 21% so với năm 2006; trong đó, khu vực Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương chiếm 1/2 tổng vốn FDI đổ vào các nước đang phát triển.

FDI vào Mỹ Latinh và vùng biển Caribe tăng kỷ lục là 36%. Châu Phi cũng chứng kiến năm ngoái có mức FDI cao nhất trong lịch sử. Các nước kém phát triển nhất (LDC) đã thu hút 13 tỉ USD vốn FDI, mức cao nhất từ trước tới nay.

Về đóng góp cho vốn FDI năm ngoái, các nước phát triển vẫn là nguồn lớn nhất, chiếm 1.690 tỉ USD, trong đó Mỹ là nhà cung cấp FDI hàng đầu với 314 tỉ USD. Các nước đang phát triển tiếp tục được coi là nguồn FDI quan trọng với 253 tỉ USD, chủ yếu do các công ty xuyên quốc gia ở châu Á mở rộng hoạt động ra bên ngoài. Trung Quốc, HongKong và Nga là những nguồn đóng góp FDI lớn nhất từ các nước đang phát triển.

Theo báo cáo, FDI năm 2007 tăng chủ yếu phản ánh tốc độ tăng trưởng tương đối cao và hoạt động hiệu quả của các công ty ở nhiều vùng trên thế giới. Giá trị cổ phiếu từ FDI trên thị trường chứng khoán thế giới năm ngoái lên tới 15.000 tỉ USD. Điều này phản ánh quy mô hoạt động của khoảng 79.000 công ty xuyên quốc gia trên toàn thế giới (các công ty này có khoảng 790.000 cơ sở ở nước ngoài).

Ngoài ra, các vụ sáp nhập và mua lại xuyên biên giới nhiều chưa từng có cũng góp phần đáng kể vào mức tăng vọt FDI toàn cầu. Trong năm 2007, giá trị của các vụ chuyển giao này lên tới 1.637 tỉ USD, tăng 21% so với mức kỷ lục được thiết lập năm 2000./.