Ngày 24-7, tại Hà Nội, Hiệp hội quản trị doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Tạp chí Nhà Quản lý tổ chức Hội thảo “Ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp”. Khoảng 100 đại biểu là các nhà quản trị doanh nghiệp, chuyên gia trong nước, quốc tế, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí... đã tham dự Hội thảo.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn: lạm phát ở mức cao, thâm hụt cán cân thương mại lớn..., các nhà quản trị doanh nghiệp là những người cảm nhận được một cách trực tiếp nhất sự tác động của tình hình này. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu để các nhà quản lý doanh nghiệp, các chuyên gia gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, vượt qua khó khăn; dự báo những tình huống có thể xảy ra; đồng thời đề xuất kiến nghị với Chính phủ những giải pháp kiềm chế lạm phát; hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua sóng gió; khắc phục những yếu kém, hạn chế của nền kinh tế bộc lộ trong thời gian qua.

Những ý kiến phát biểu tại Hội thảo vừa là sự bày tỏ nỗi lo, sự băn khoăn của các nhà quản trị doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời cũng là những kinh nghiệm, những gợi ý đáng quan tâm để các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo, từ đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn một cách đồng bộ, dài hạn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và sự lành mạnh của nền kinh tế.

Có thể thấy nổi lên một số vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, là lòng tin. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề lòng tin là quan trọng nhất. Mà muốn có lòng tin thì thông tin phải được đảm bảo. Trong thời gian vừa qua, có quá nhiều bình luận của cả trong và ngoài nước đưa ra những cách nhìn và đánh giá khác nhau về tình hình kinh tế Việt Nam. Một luồng thông tin cho rằng, Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng, lạm phát trầm trọng. Bên cạnh đó, có luồng tin phân tích và kết luận, Việt Nam mới chỉ đang gặp khó khăn về kinh tế, và đó là những khó khăn không tránh khỏi, do cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: chịu tác động từ tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, tuy nhiên Việt Nam sẽ vượt qua...

Những cách đánh giá khác nhau như vậy làm cho lòng tin trong dân bất ổn, trong khi đó, Chính phủ lại chưa tận dụng triệt để quyền lực của mình để đưa thông tin trấn an nhân dân. Tuy nhiên, để an được dân thì những tín hiệu phát ra từ Chính phủ phải đủ mạnh, có hiệu lực, nhất quán và kiểm chứng được. Đó sẽ là những thông điệp quan trọng mang đến cho người dân niềm tin đối với sự ổn định giá trị sức mua của đồng tiền pháp định quốc gia do Ngân hàng Nhà nước phát hành và lưu thông.

Liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp cũng mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng có những thông tin kịp thời, chính xác, nhất quán; các giải pháp điều hành kinh tế cần được thực hiện đồng bộ, cân nhắc kỹ những hiệu ứng có thể phát sinh khi thực hiện, đồng thời cần có lộ trình thực thi hợp lý, tránh để doanh nghiệp bị “sốc”, bị bất ngờ, hoặc rơi vào thế bị động, lúng túng khi quyết định các phương án kinh doanh của mình...

Thứ hai, những vấn đề bộc lộ từ tình trạng lạm phát tăng cao. Đó là, nền kinh tế chưa được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng để tiếp nhận cơ hội, vì thế khi cơ hội đến nhanh và quá lớn thì những bất cập về cấu trúc bộc lộ, và bộc lộ rất nhanh khi cộng hưởng với một số yếu tố tác động bất lợi từ bên ngoài. Lạm phát tăng cao như hiện nay là một lời cảnh báo rằng, đã đến lúc phải có một lộ trình cải cách dài hạn, đồng bộ, nhất quán. Nếu hiểu như vậy thì có thể coi lạm phát là một cơ hội, một sức ép để cải cách cơ cấu.

Trước mắt, để giảm tốc độ lạm phát, việc tiết kiệm chi tiêu, giảm đầu tư công từ ngân sách nhà nước phải được thực hiện quyết liệt, thực chất, kịp thời, cấp bách và tin cậy. Đầu tư công năm 2007 tăng quá mức là nguyên nhân trực tiếp đẩy lạm phát cao hơn hẳn. Cắt giảm đầu tư công là biện pháp quyết định chống lạm phát trong thời điểm hiện nay, nhưng phải được thực hiện theo nghĩa cắt giảm vốn, cắt đầu tư, chứ không chỉ là cắt giảm dự án. Cắt giảm dự án và cắt giảm vốn không đồng nhất với nhau. Cắt giảm đầu tư để kiềm chế lạm phát là giảm tổng cầu bằng việc giảm giá trị vốn đầu tư chứ không phải giảm dự án đầu tư.

Thứ ba, hậu quả của tình trạng thiếu cơ chế kiểm soát việc thành lập quá nhiều ngân hàng. Làn sóng thành lập các ngân hàng mới và mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua, đã dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng. Để thu hút khách hàng, nhiều ngân hàng phải nới lỏng chính sách cho vay, hạ thấp các chuẩn mức an toàn tín dụng. Tình hình quản trị yếu của một số ngân hàng đã dẫn đến thiếu khả năng thanh khoản. Trong thời gian qua, những ngân hàng này đã liên tục đẩy lãi suất lên cao để thu hút vốn, làm xáo trộn thị trường, đẩy giá vốn vay của các doanh nghiệp lên cao. Những ngân hàng có khả năng thanh khoản tốt cũng phải đẩy lãi suất lên cao để giữ khách hàng, như vậy là các ngân hàng làm “khó” nhau.

Những vấn đề này cần sớm được nhận diện và kiểm soát kịp thời. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần chủ động rà soát lại theo hướng lành mạnh hoá tài chính, tái cấu trúc để hình thành những tập đoàn ngân hàng lớn mạnh hơn, được quản lý chuyên nghiệp hơn, giám sát chặt chẽ hơn thay vì hàng trăm ngân hàng nhỏ lẻ như hiện nay. Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin kinh doanh liên quan đến nợ và khách hàng, bảo đảm cập nhật, công khai và phổ biến rộng rãi, cảnh báo kịp thời mức độ an toàn và an ninh ngân hàng…

Thứ tư, phải thực sự quan tâm đến nông nghiệp. Lạm phát đã làm bộc lộ rõ những yếu điểm của nông nghiệp Việt Nam, trong đó có chăn nuôi. Trong quý 3 và quý 4 năm 2007, giá thịt lợn tăng rất cao, có lúc lên tới 46.000 đồng 1 cân hơi. Trong khi đó, thịt lợn chất lượng cao nhập khẩu từ Bắc Mỹ, được bảo quản lạnh, đến Việt Nam, kể cả chi phí vận chuyển, thuế các loại mới chỉ có 40.000 đồng 1 cân. Như vậy, nông dân Việt Nam có nguy cơ mất ngay chính thị trường nội địa. Người dân đô thị sẽ mua hàng ngoại nhập chất lượng cao lại rẻ hơn. Vì thế, Chính phủ cần thực sự quan tâm hơn nữa trong đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi để bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Thứ năm, cải cách căn bản khu vực doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả tài chính công. Kết quả chống lạm phát và phát triển kinh tế tuỳ thuộc rất lớn vào việc cắt giảm các chi tiêu công không mang tính sản xuất và không phục vụ cho các mục tiêu bảo đảm xã hội, cũng như phụ thuộc vào việc cải thiện căn bản cơ cấu và hiệu quả sử dụng vốn vay của khối các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước - nơi hiện đang chiếm giữ tới hơn 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và hơn 80% tổng dư nợ tín dụng./.