Ngày 21-7-2008, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II và Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, cán bộ của các cơ quan nghiên cứu lý luận và cán bộ giảng dạy của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, phóng viên của các cơ quan thông tin, báo chí... GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia trình bày Báo cáo đề dẫn.

Hơn 60 tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo tập trung vào các nội dung chính:

- Phân tích, đánh giá nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ trước đổi mới, làm rõ thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế đó.

- Quan điểm, nhận thức của Đảng ta về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội từ khi thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là từ năm 1991 đến nay.

- Quá trình đổi mới nhận thức về phương hướng, giải pháp để thực hiện mục tiêu của cách mạng Việt Nam từ khi đổi mới đến nay.

- Nhận thức về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thực tiễn Việt Nam.

- Đánh giá những thành quả đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại,…

- Những bài học kinh nghiệm cần rút ra sau 20 năm đổi mới.

- Tiếp tục đổi mới nhận thức, phát triển lý luận để góp phần giải đáp có sức thuyết phục những vấn đề bức xúc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đảng cầm quyền và công tác xây dựng Đảng; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tổ chức và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân...

Các ý kiến tham gia Hội thảo đã góp phần khẳng định quan điểm mang tính nguyên tắc của Đảng ta: “Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”./.