Tìm cho đồng bằng sông Cửu Long một hướng đi riêng phù hợp với lợi thế và điều kiện tự nhiên ưu đãi của vùng này là biểu hiện cụ thể của việc hiện thực hóa các chủ trương của Đảng vào thực tiễn. Mặc dù là một khu vực có nhiều tiềm năng so với cả nước, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn thuộc khu vực còn nhiều hạn chế, kinh tế chậm phát triển. Làm cách nào để đồng bằng sông Cửu Long đuổi kịp tốc độ phát triển chung của cả nước, nhất là lĩnh vực thu hút vốn FDI luôn luôn là một câu hỏi lớn.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, với trung tâm là thành phố Cần Thơ có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cung cấp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu, 50% sản lượng trái cây, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu cho ngành chế biến thủy sản của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển công nghiệp, trong đó lớn nhất là phát triển công nghiệp chế biến từ nông sản và thủy sản. Tuy nhiên, công nghiệp vùng này cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần phải xem xét thật khách quan để tìm ra những giải pháp và bước đi thích hợp nhất cho toàn vùng, cũng như cho các địa phương trong vùng kinh tế quan trọng này.

Thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của vùng ĐBSCL thời gian qua (Xem bảng 1)

Bảng 1: Số dự án và tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép giai đoạn 1988 - 2006 phân theo địa phương.

                                                                           ĐVT: Triệu USD, %
 

Địa phương

    Số
dự  án

 Tỷ trọng

     %

    Tổng số

        vốn

    Tỷ trọng

        %

TỔNG SỐ

8.266

100,00

78.248,2

100,00

Đồng bằng Sông Hồng

1.781

21,55

20.241,0

25,87

Đông Bắc

358

4,33

2.445,2

3,12

Tây Bắc

27

0,33

115,4

0,15

Bắc Trung Bộ

125

1,51

1.472,6

1,88

Duyên hải Nam Trung Hải

349

4,22

5.275,8

6,74

Tây Nguyên

113

1,37

1.041,3

1,33

Đông Nam Bộ

5.126

62,01

42.337,2

54,11

Đồng bằng Sông Cửu Long

334

4,04

2.315,3

2,96

Dầu khí

53

15,87

3.004,4

3,84

 
Nguồn: Theo Niên giám thống kê năm 2006

Qua bảng số liệu trên cho thấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 20% dân số cả nước, nhưng chỉ thu hút 4,04% số dự án, với 2,96% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tương ứng, đứng thứ 5 trong 8 vùng kinh tế của cả nước (không kể dầu khí).

Sau 1 năm nhìn lại kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, vùng đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã biết tận dụng những cơ hội để thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào khu vực mình. Mười tháng đầu năm 2007, tổng vốn FDI vào khu vực là 1.365,2 triệu USD với 58 dự án(1) (bằng 58,84% của giai đoạn 1988 – 2006, chiếm tỷ lệ 13,96% cả nước về tổng vốn; chiếm tỷ lệ 5,7% cả nước về số dự án)

Như vậy, mặc dù đã có tăng trưởng nhanh về vốn FDI nhưng so với tiềm năng kinh tế của vùng, việc thu hút FDI của vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thấp, phải chăng do cơ sở hạ tầng của vùng còn quá yếu, công nghiệp của vùng chưa phát triển hay do cơ chế chính sách chưa thông thoáng... (Xem bảng 2)

Với 13 tỉnh, thành trong vùng nhưng số dự án và số vốn đầu tư phân bố không đều trên địa bàn, chỉ 4 tỉnh, thành: Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ đã thu hút 72,45% số dự án và 87,90% tổng vốn đăng ký của vùng. Thực trạng này là do Long An, Tiền Giang gần Thành phố Hồ Chí Minh; Kiên Giang phát triển công nghiệp xi-măng và một số ngành khác; thành phố Cần Thơ có vị trí là trung tâm của vùng và là thành phố duy nhất trực thuộc trung ương trong vùng.

Bảng 2: Số dự án và tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép giai đoạn 1988 - 2006 phân theo địa phương đồng bằng sông Cửu Long.

                                                                                  ĐVT: Triệu USD,%
 

Địa phương

  Số dự
  án
  Tỷ trọng
   %
  Tổng số
  vốn
    Tỷ trọng
     %

  TỔNG SỐ

334

100,00

     2.315,3

      100,00

  Long An

142

42,51

    1.150,6

      49,70

  Tiền Giang

20

5,99

    153,6

      6,63

  Bến Tre

12

3,59

     61,2

      2,64

  Trà Vinh

14

4,19

     58,4

      2,252

  Vĩnh Long

13

3,89

    41,3

      1,78

  Đồng Tháp

14

    4,19

    19,2

       0,83

  An Giang

13

    3,89

    27,5

      1,19

  Kiên Giang

21

    6,29

    501

      21,64

  Cần Thơ

59

    17,66

    230

      9,93

  Hậu Giang

3

    0,90

    1,8

      0,08

  Sóc Trăng

4

    1,20

    18,3

      0,79

  Bạc Liêu

10

    2,99

    36,1

      1,56

  Cà Mau

9

    2,69

    15,9

       0,69

 
 
                                                        Nguồn: Theo Niên giám thống kê năm 2006

Qua kết quả điều tra khảo sát cho thấy: Vĩnh Long trong mấy năm gần đây có môi trường đầu tư khá tốt, giá cho thuê mặt bằng gần như thấp nhất trong vùng, nhưng việc di dời khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp chưa hoàn chỉnh nên số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều; Đồng Tháp, với cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp khá tốt, nhưng giá cho thuê mặt bằng cao hơn Vĩnh Long, khu công nghiệp nằm ở vị trí giao thông chưa thuận lợi và tiềm năng kinh tế không nhiều nên thu hút FDI còn rất thấp; An Giang là tỉnh có nền kinh tế khá năng động nhưng chủ yếu phát triển thương mại, du lịch và công nghiệp nhẹ nên vốn FDI thu hút vào An Giang thời gian qua không nhiều; Các tỉnh còn lại do cơ sở hạ tầng chưa tốt, tương đối xa thành phố lớn và tiềm năng kinh tế chưa thực sự được phát huy nên vốn FDI ở các địa phương này còn rất hạn chế.

Mười tháng đầu năm 2007, tổng vốn FDI đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu được tập trung vào 2 tỉnh: Long An có 647,15 triệu USD với 39 dự án; Hậu Giang có 629 triệu USD với 2 dự án(2). Như vậy 2 tỉnh này đã chiếm tỷ lệ 93,66% tổng vốn FDI của khu vực, đã biết phát huy thế mạnh để tận dụng cơ hội đầu tư.

Thực trạng thu hút vốn FDI vào vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, chúng ta thấy xuất hiện nhiều nguyên nhân làm cho vùng này chưa thu hút nhiều vốn FDI tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trong quá trình hội nhập WTO chúng ta cần có các giải pháp để ngày càng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào vùng kinh tế trọng điểm và năng động này.

Một số giải pháp đề xuất nhằm thu hút vốn FDI vào vùng đồng bằng sông Cửu Long khi Việt Nam gia nhập WTO.

Muốn thu hút vốn FDI vào vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới chúng ta phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có các giải pháp chủ yếu sau đây:

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Điểm yếu nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở hạ tầng quá yếu kém, một vùng kinh tế trọng điểm với khoảng 17 triệu dân nhưng hầu như chỉ có một con đường độc đạo, dự án quốc lộ 1A đi Cà Mau vẫn chưa đến được Năm Căn, cầu Cần Thơ tới cuối 2008 mới hoàn thành, sân bay Trà Nóc vẫn còn trong quy hoạch, dự án cầu Rạch Miễu chưa thể đi vào hoạt động... Vấn đề đặt ra là phải tiến hành đúng tiến độ các công trình trọng điểm. Chúng ta rất phấn khởi khi Chính phủ đã có chủ trương tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, song quan trọng là phải thi công đúng tiến độ và sử dụng có hiệu quả đồng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của vùng.

- Quy hoạch và liên kết các địa phương trong vùng

Kết hợp quy hoạch từng địa phương với quy hoạch chung của vùng, trong đó cần chú ý gắn quy hoạch đầu tư khu công nghiệp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng theo hướng phát triển bền vững.

Quy hoạch các khu công nghiệp của từng địa phương có chú ý đến yếu tố liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

- Đào tạo nguồn nhân lực

Vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tụt hậu về trình độ dân trí so với cả nước. Chính phủ đã giao cho Đại học Cần Thơ là đầu mối của chương trình Mê Công 1000, chương trình này được các địa phương rất quan tâm nhưng tiến độ thực hiện rất chậm do có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao thì đội ngũ công nhân lành nghề cung cấp cho các doanh nghiệp và các khu công nghiệp trong vùng thiếu trầm trọng. Qua việc điều tra của đề tài nguồn nhân lực Cần Thơ, chúng ta thấy Cần Thơ - thành phố trung tâm của vùng mà vẫn còn khoảng 80% lao động chưa được qua đào tạo.

Bên cạnh các trường đại học Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Dân lập Cửu Long, trong vài năm gần đây một số trường đại học mới ra đời như: đại học Tiền Giang, đại học Trà Vinh, đại học Bạc Liêu nhằm góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu mới về mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng giáo dục đào tạo với tốc độ phát triển kinh tế, việc đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tiễn và tăng cường hình thức đào tạo theo tín chỉ, chú ý cân đối giữa các bậc đào tạo từ học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học, cần cân đối các ngành nghề đào tạo theo thế mạnh của địa phương và của vùng...

- Về vốn

Nhằm huy động nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư, đặc biệt là vốn FDI dựa trên quy hoạch của vùng và địa phương, các địa phương cần công khai (kể cả việc đưa lên mạng In-tơ-nét như một số địa phương đã làm) và quảng cáo các dự án đã được địa phương thông qua để mời gọi đầu tư.

Mặt khác, để hạn chế rủi ro và hạn chế các “dự án treo”, cần hoàn thiện quy trình thẩm định và nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, theo dõi việc giải ngân đúng tiến độ các dự án và sử dụng một cách hiệu quả các dự án đầu tư bất kể từ nguồn vốn nào.

- Phát triển dịch vụ

Phát triển dịch vụ nhằm cung cấp ngày càng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với chất lượng ngày càng cao là hết sức quan trọng để thu hút đầu tư. Các dịch vụ cơ bản như: hệ thống ngân sách, hệ thống khách sạn nhà hàng, bưu chính viễn thông, giao thông - vận tải hàng hóa và hành khách, phát triển khu vui chơi giải trí, phát triển vành đai khu công nghiệp và các dịch vụ khác phục vụ các nhà đầu tư, người lao động và dân cư trong vùng là một nhu cầu ngày càng lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư

Cải tiến chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và tăng cường công tác tuyên truyền vận động, quảng bá để thu hút đầu tư.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật nhằm thu hút đầu tư. Cần đánh giá lại việc thực hiện luật đầu tư chung và luật doanh nghiệp thống nhất sau một năm thực hiện để chỉnh sửa, bổ sung các luật này phù hợp với tình hình mới khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

Các chính sách chủ trương của các địa phương phải đảm bảo đồng bộ và nhất quán, tránh tình trạng các địa phương, các khu công nghiệp cạnh tranh nhau hạ giá cho thuê mặt bằng, tăng thời hạn miễn giảm thuế để thu hút đầu tư dẫn đến Nhà nước bị thất thu thuế mà vẫn không khuyến khích được đầu tư.

Trong thời gian qua, cùng với tình hình cả nước, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành cải cách hành chính, nhưng trong thời gian tới vẫn cần tiếp tục cải tiến, duy trì và hoàn thiện việc cải cách hành chính. Bên cạnh đó cần tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý hành chính và tiến hành đào tạo, đào tạo đội ngũ cán bộ này nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn việc cải cách hành chính.

(1) Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(2) Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư