Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới
TCCS - Ngày 13-7-2021, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) đồng tổ chức đối thoại phát triển địa phương năm 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 59 điểm cầu trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì đối thoại. Cùng dự đối thoại có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại biểu các ban, bộ, ngành trung ương, Hà Nội và các địa phương; đại diện đại sứ quán các nước và phái đoàn EU tại Việt Nam; đại diện các tổ chức USAID, World Bank, UNDP, JICA, ADB, Oxfam, USABC và tổ hợp Samsung điện tử tại Việt Nam.
Đối thoại nhằm thảo luận những cơ hội phát triển của các địa phương trong trạng thái “bình thường mới”, tập trung vào các sáng kiến nâng cao hiệu quả quản trị thực thi chính sách trong môi trường chuyển đổi số và khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh để vượt qua đại dịch bệnh COVID-19, để bứt phá phát triển.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, “trạng thái bình thường mới và tầm nhìn phát triển địa phương” là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mới, bám sát diễn biến của dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, thiết lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trạng thái bình thường mới đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Để chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và những cách làm mới, cần tăng cường đối thoại giữa các chuyên gia, các nhà quản lý, các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, các địa phương đã chủ động, thích nghi, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh. Trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta cần nắm bắt các cơ hội và thách thức đan xen với nhận thức “trong nguy có cơ”. Đồng chí khẳng định, đây là thời điểm chúng ta rất cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương để định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước, có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia. Từ đó khắc phục được tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm; đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng, biến áp lực cạnh tranh trở thành cơ hội và động lực phát triển; phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện đặc thù để có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cùng nhau nhịp bước trên con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc.
Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sự thích ứng với thay đổi rất nhanh của tình hình thực tiễn, bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển mới trong việc đề ra định hướng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại ngành kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Đại hội cũng đề ra định hướng nhất quán phát triển nhanh và bền vững, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, trọng tâm là xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt coi trọng nông nghiệp sinh thái, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, trạng thái bình thường mới đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển. Vì vậy, phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi cả trong nhận thức và thực tiễn hành động, từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi phương thức sử dụng năng lượng, xây dựng các thể chế, chính sách mới cho đến sự thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng và thay đổi cả kết cấu hạ tầng.
Đối thoại tập trung thảo luận về các sáng kiến quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số; khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh của các ngành, địa phương. Nội dung đối thoại được tập trung vào bốn vấn đề chủ yếu sau :
Thứ nhất, tập trung khắc phục một yếu kém mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”. Do vậy, đối với vấn đề phát triển quốc gia cũng như địa phương, cần xem đẩy mạnh quản trị thực thi là một sáng kiến quan trọng để giải quyết các vấn đề trong triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi và tính hiệu quả của các quyết sách.
Thứ hai, nhận thức và nắm bắt các cơ hội trong thách thức, đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số; đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đối với chuyển đổi số trước tiên cần chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến lãnh đạo của các ngành, các cấp, từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cùng mọi người dân và lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số. Đây chính là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của kỷ nguyên số mà đất nước đang tiến vào, trong xu thế chung toàn cầu. Chính sự tham gia vào quá trình chuyển đổi số của những người dân thông qua các nền tảng kỹ thuật số đang tạo ra tài nguyên số có giá trị và tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở tầm quốc gia có gần 100 triệu dân với các hoạt động kinh tế, xã hội đang bùng nổ.
Thứ ba, bình thường mới là một khái niệm được nhắc đến nhiều gắn với đại dịch, nhưng trạng thái bình thường mới không chỉ nói về đại dịch mà chính là sự thích nghi với nhiều rủi ro khác nhau, đa dạng về hình thức cũng như quy mô trong quá trình phát triển, trong đó, bao gồm vấn đề thiên tai, thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu... Đó là những thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước với những tác động tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế của đất nước và đời sống của nhân dân. Trong những năm gần đây, những tác động này đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt nghiêm trọng ở một số địa phương. Phát triển quốc gia nói chung cũng như các địa phương nói riêng trong “tình trạng bình thường mới” chính là thực tiễn và yêu cầu khách quan hiện nay.
Thứ tư, sáng kiến về thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2020, suy thoái môi trường đã gây ra 10% tổn thất thu nhập ở Việt Nam, cao nhất trong số 23 nước đang phát triển được đưa ra để so sánh. Tăng trưởng xanh cũng là phương thức để nắm bắt được cơ hội to lớn mà những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA… mang lại, Việt Nam cần đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu và hoàn toàn nằm trong khả năng chịu đựng được của nền kinh tế trong ngắn hạn, tạo ra nhiều lợi ích cho đất nước trong dài hạn. Quá trình chuyển đổi này tương tác với chuyển đổi số, công nghệ số, để thực hiện truy xuất nguồn gốc, giám sát các quá trình sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao ở trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, các nội dung nêu ra tại đối thoại đều thống nhất về nhận thức, có tính hệ thống, bao trùm, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền, các địa phương với sự tham gia của người dân; củng cố niềm tin, khát vọng đối với chuyển đổi số và tăng trưởng xanh; thể hiện vai trò nêu gương, quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ gợi ý của Đối thoại Phát triển địa phương năm 2021, các diễn đàn tiếp theo sẽ được triển khai sâu rộng, với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan, tổ chức và nhân dân, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả và thành công./.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân  (12/07/2021)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (29/06/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam