Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử
TCCS - Ngày 18-5-2021, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chủ trì có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Cùng dự hội nghị ở điểm cầu tại nhà Quốc hội có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng...
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là lần thứ hai kể từ ngày 21-1-2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, của Bộ Chính trị, về lãnh đạo cuộc bầu cử, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, cấp ủy đảng các cấp, các đoàn thể nhân dân ở địa phương trong cả nước đã nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc bầu cử.
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Các tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là đối với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Công an tổ chức lễ ra quân, phát lệnh đối với toàn bộ lực lượng, kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử. Một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm và có kết quả rất thành công…
Tại hội nghị, đã có 12 lượt ý kiến của lãnh đạo các cơ quan trung ương và các địa phương, cơ bản đồng tình với báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia và nêu ra những vấn đề cần tập trung để tổ chức cuộc bầu cử thuận lợi và thành công.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh, trong tháng 5-2021 và trong quý II-2021 có 3 nhiệm vụ cần thực hiện song song là: 1-Tập trung toàn bộ ưu tiên về công sức, thời gian, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; 2-Tập trung cao độ cho công tác tổ chức bầu cử; 3-Tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Qua báo cáo tại các địa phương và kết quả kiểm tra, giám sát tại 53 tỉnh, thành phố của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhận định, đến nay, mọi công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23-5-2021. Chúng ta chỉ có bầu cử sớm và bầu cử đúng thời hạn. Tất cả các địa bàn khó khăn nhất hiện nay như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng đang có diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp nhưng cũng đều quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công. Đó là quyết tâm chính trị rất cao.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, công tác nhân sự đã được chuẩn bị đúng quy trình, tiến hành chặt chẽ theo từng bước nhằm chọn ra ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương trọng trách được giao. Các địa phương cũng đã tổ chức rất thành công, rất sáng tạo các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin truyền thông và tổ chức vận động bầu cử trực tuyến không chỉ là sáng kiến áp dụng trong giai đoạn hiện nay mà kể cả sau này, trong giai đoạn bình thường, không phải chống dịch, cũng có thể tăng cường áp dụng vì diện cử tri được tiếp xúc là rất lớn. Vừa qua, tất cả các tỉnh, thành phố đều áp dụng hình thức này.
Về công việc tiếp theo cho đến ngày bầu cử, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban bầu cử các cấp và các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử; chủ động xây dựng phương án tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình từng địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, tập dượt kỹ càng các phương án tổ chức bầu cử nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức bầu cử.
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các địa phương đã tổ chức xét nghiệm cho tất cả đội ngũ nhân sự tham gia công tác tổ chức bầu cử. Các địa phương đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người ứng cử và đang tập trung tiêm phòng cho nhân sự tham gia tổ chức bầu cử, nhất là ở những địa bàn có rủi ro cao. Do đội ngũ nhân sự tham gia công tác bầu cử rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị địa phương nào có khó khăn thì cần phản ánh sớm để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Với những vấn đề, khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ủy ban bầu cử cấp dưới báo cáo ủy ban bầu cử cấp trên, ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia để được hướng dẫn giải quyết. Phải kịp thời nắm tình hình số lượng cử tri thực tế trên địa bàn, bảo đảm số lượng cử tri đi bầu đạt cao nhất. Vấn đề rất khó hiện nay là phải cập nhật sự biến động của cử tri, phát thẻ cử tri cũng như bảo đảm quyền cho người ứng cử và quyền công dân để bảo đảm tỷ lệ đi bầu cử đạt cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu linh hoạt tổ chức các địa điểm tổ chức bầu cử tại các địa bàn trong diện đang giãn cách xã hội, trong khu vực cách ly tập trung hoặc khu vực phong tỏa theo đúng hướng dẫn. Tinh thần là rất linh động và sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện. Có thể đến ngày bầu cử mới phát sinh thì chúng ta lại tiếp tục giải quyết tiếp. Nếu xảy ra mưa lũ bất ngờ thì có phương án dự phòng với các thùng phiếu phụ, thùng phiếu lưu động.
Cùng với đó cần rà soát chuẩn bị, định hướng, kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình chuẩn bị tổ chức vận động bầu cử của những người ứng cử, bảo đảm công bằng trong vận động bầu cử.
Trong công tác thông tin, tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị tiếp tục đẩy mạnh, đồng thời chú trọng thông tin ở cơ sở. Nhiều địa phương không chỉ tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến, mà còn phát thanh trực tiếp nên cử tri có thể vừa lao động vừa nghe. Càng gần đến ngày bầu cử, càng phải truyền thông sâu hơn về quyền bầu cử của công dân; truyền thông về các bước cụ thể, nguyên tắc trong quá trình tổ chức bỏ phiếu, chẳng hạn truyền thông để cử tri hiểu thế nào là phiếu không hợp lệ…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng trực quan sinh động, hiệu quả hơn. Trong đó cần phát huy hiệu quả thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội. Với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần phát huy tốt vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền về bầu cử.
Các địa phương sẵn sàng phương án sử dụng hòm phiếu lưu động để phục vụ nhân dân trong trường hợp cần thiết; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động, kể cả trên không gian mạng.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của các địa phương về việc nên tổ chức bầu cử sớm ở những địa bàn phức tạp về phòng, chống dịch. Địa phương nào có nhu cầu bầu cử sớm thì cần có văn bản cụ thể để Hội đồng Bầu cử quốc gia trả lời, hướng dẫn kịp thời. Tinh thần là chỉ tổ chức bầu cử sớm và cao điểm là tập trung bầu cử thống nhất vào ngày 23-5-2021, quyết tâm không để địa phương, đơn vị bầu cử, tổ bầu cử nào phải bầu cử muộn.
Trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng phá hoại cuộc bầu cử. Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, y tế cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.
Các tổ bầu cử khi tổ chức khai mạc bầu cử cần bảo đảm trang trọng nhưng gọn nhẹ, tập trung cho công tác bầu cử bảo đảm thực chất nhất, bảo đảm an toàn cho từng hòm phiếu, khu vực bỏ phiếu, cho cán bộ, nhân viên tổ bầu cử và cho cử tri; thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chăm lo tới đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời giải quyết khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra, nhất là với gia đình chính sách, hộ nghèo; bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (18/05/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Dân nguyện  (18/05/2021)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Giữ vững thành quả, kiên trì bảo vệ từng “pháo đài” chống dịch  (16/05/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (15/05/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển