Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”
TCCS - Ngày 2-10-2020, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020).
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Tố Hữu và hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.
Hơn 40 tham luận được gửi tới ban tổ chức Hội thảo và 13 tham luận trình bày tại hội trường, tập trung phân tích, đánh giá làm rõ cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những đóng góp to lớn của đồng chí Tố Hữu đối với công tác tuyên huấn, công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, nhất là việc giáo dục, bồi đắp lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nền thơ ca Việt Nam.
Đồng chí Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Quê quán ở làng Phù Lai (Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 13 tuổi, sau khi mẹ mất, Nguyễn Kim Thành vào học tập tại trường Quốc học (Huế). Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của C. Mác, V.I. Lênin, Nguyễn Ái Quốc... và qua sự dìu dắt của các đồng chí Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu…, Nguyễn Kim Thành sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản; tham gia Đoàn Thanh niên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Tố Hữu là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Thừa Thiên; năm 1946, đồng chí là Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, sau đó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, đồng chí Tố Hữu lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, đồng chí được giao những chức vụ quan trọng về công tác văn nghệ trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như: Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên dự khuyết, Ủy viên chính thức Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng cho đến năm 1986.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đồng chí Tố Hữu cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, nêu cao truyền thống kiên trung, bất khuất, kiên cường của người cộng sản, giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó với đồng chí, đồng bào, với cơ sở.
Phần lớn các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều khẳng định, đồng chí Tố Hữu thật sự là người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam. Đồng chí sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, chí hướng cách mạng, sẵn sàng dấn thân và cống hiến. Năm 1935, đồng chí tham gia hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế; năm 1937, trở thành Bí thư Đoàn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 18 tuổi, đồng chí được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách tuyên truyền và thanh vận. Trong quá trình hoạt động, đồng chí Tố Hữu bị địch bắt và giam cầm, tra tấn, đày ải trong lao tù của đế quốc, đồng chí vẫn kiên trung, bất khuất, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Năm 1942, nhờ sự mưu trí, đồng chí vượt ngục trở về, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa và năm 1944, đồng chí được giao chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Trong Cách mạng Tháng Tám, đồng chí góp phần củng cố ban lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ (làm Bí thư lâm thời, sau đó làm Phó Bí thư), tổ chức Ủy ban khởi nghĩa ở các tỉnh Trung Kỳ; là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân giành chính quyền thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa ở Huế, tháng 8-1945.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích và làm nổi bật vai trò, đóng góp của đồng chí Tố Hữu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Trong một thời gian dài, là người đứng đầu Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Tố Hữu đã có những cống hiến quan trọng trong xây dựng nền văn hóa kháng chiến, trong công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, cổ động, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cánh mạng Việt Nam, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một số tham luận phân tích, đánh giá về những hoạt động và cống hiến của đồng chí Tố Hữu giai đoạn sau khi đất nước thống nhất, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và thời kỳ đầu đổi mới toàn diện đất nước. Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, nhất là trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, Đồng chí luôn thể hiện được phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nỗ, người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Thời kỳ được giao nhiều trọng trách, như: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, dù trên cương vị nào, đồng chí cũng đều nỗ lực cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tập thể Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện đồng thời chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những tác phẩm của đồng chí Tố Hữu, như: "Tổ chức cơ sở đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên" (1968); "Tăng cường năng lực lãnh đạo của các huyện ủy" (1968); "Nâng cao chất lượng đảng viên" (1971); "Quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp" (1976); "Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt theo gương các điển hình tiên tiến" (1978); "Công tác giáo dục và sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau" (1980); "Nắm vững đường lối, giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ kinh tế" (1985)… đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Kể từ sau Đại hội VI của Đảng, dù không đảm nhận chức vụ trong Đảng và Nhà nước, đồng chí vẫn tiếp tục dồn tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, tham gia nghiên cứu tổng kết những vấn đề thực tiễn và lý luận, nhất là về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, khoa giáo.
Bên cạnh việc là người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu còn là người có tầm nhìn chiến lược trong việc chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng. Cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX, đồng chí Tố Hữu đề nghị và được tập thể Ban Bí thư Trung ương Đảng chấp nhận mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo và cán bộ lý luận, mở thêm Trường Đảng Trung ương tại chức, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam ở vùng giải phóng miền Nam, hệ đặc biệt cho các cán bộ chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản các tỉnh, thành phố miền Nam. Với tinh thần chỉ đạo đó, các trường Đảng tỉnh cũng được củng cố về tổ chức, nội dung, chương trình đào tạo. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận, cán bộ tuyên huấn các cấp, cũng như việc nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn được đồng chí Tố Hữu quan tâm đặc biệt.
Nhiều tham luận gửi tới Hội thảo đi sâu, phân tích, đánh giá và nêu lên những nhận thức mới về thơ Tố Hữu và khẳng định đồng chí là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng chí không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh. Trong quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hoá, đồng chí Tố Hữu đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam. Những tài năng của nhân dân, những chiến sĩ trung kiên đó đã làm nên một nền văn hoá - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh bất tử, các giá trị đó còn phát huy tác dụng đến hôm nay và mãi mãi về sau.
Đồng chí Tố Hữu là người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế. Nơi đây là khởi đầu của những hoạt động yêu nước, là nơi để lại nhiều dấu ấn to lớn của đồng chí đối với sự phát triển của phong trào cách mạng. Đồng chí luôn dành những tình cảm sâu nặng, thân thương đối với quê hương và con người xứ Huế. Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của đồng chí Tố Hữu đối với quê hương, đất nước và nguyện ra sức học tập và làm theo tấm gương của đồng chí, góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.
* Trong ngày 2-10-2020, tại tỉnh Thừa Thiên Huế còn diễn ra các sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu, như: Lễ khánh thành Công viên văn hóa Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền; Lễ phát hành đặc biệt bộ tem nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu tại hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; Lễ kỷ niệm và đêm thơ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế./.
Đưa việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng, sách lý luận, chính trị trở thành nền nếp, nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng và đảng viên  (10/09/2020)
Công tác tuyên giáo đi trước, mở đường đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua  (16/07/2020)
Vẻ vang truyền thống 90 năm Tạp chí Cộng sản - Mãi xứng đáng là ngọn cờ lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam  (16/06/2020)
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân  (14/05/2020)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách thiết thực để xây dựng nước Việt Nam “hùng cường”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”  (13/05/2020)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc  (09/05/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên