Báo cáo của Ban thư ký Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ngày 11/06/2007 cho biết, trong tổng số 103 vụ điều tra chống bán phá giá được tiến hành trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2006, Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu với 17 vụ, tiếp theo là Ấn Độ(12), Argentina(10), Brazil(9), Malaysia(8) và Trung Quốc(7).
 
Trong khi vào giai đoạn 6 tháng cuối năm trước, Ấn Độ là nước tiến hành nhiều nhất các vụ điều tra chống bán phá giá với 14 vụ, tiếp theo là Trung Quốc (13), Argentina (11), EU (9), Pakistan và Hoa Kỳ (mỗi quốc gia 8 vụ). Như thế, số lượng các vụ điều tra chống bán phá giá mới được tiến hành trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2006 đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (103 vụ so với 96). Tuy nhiên, số lượng các biện pháp chống bán phá giá chính thức được áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2006 lại giảm xuống, với tổng cộng 66 biện pháp so với 76 biện pháp trong 6 tháng cuối năm 2005.
Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước áp dụng nhiều nhất với tổng cộng 10 biện pháp chống bán phá giá chính thức, gấp đôi số lượng trong cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 9 lần áp dụng, tiếp theo là Ấn Độ (8), EU và Hàn Quốc (7) và Hy Lạp (5).
Xu hướng này ngược lại với diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2006 khi số lượng các vụ kiện chống bán phá giá mới giảm nhưng số biện pháp áp dụng chính thức lại tăng lên.
Dệt may dẫn đầu danh sách các sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức trong 6 tháng cuối năm 2006, với 14 trên tổng số 66 biện pháp. Các sản phẩm nhựa đứng thứ 2 với 13 biện pháp, tiếp theo là các sản phẩm trong lĩnh vực kim loại và máy móc với 8 biện pháp cho mỗi loại sản phẩm. Trong số 14 biện pháp chống bán phá giá chính thức áp dụng đối với sản phẩm dệt may, Ấn Độ là nước sử dụng nhiều nhất với 7 biện pháp, tiếp theo là Hàn Quốc (3), Trung Quốc (2), Pêru và Đài Loan (mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ 1 biện pháp).
Trung Quốc tiếp tục đứng đầu xét trên khía cạnh bị kiện chống bán phá giá trong 6 tháng cuối năm 2006, với 36 lần bị kiện (trên tổng số 103 vụ), tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (33 lần trên tổng số 96 vụ). Indonesia đứng ở vị trí thứ 2 nhưng chỉ với 7 vụ bị điều tra, tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc (mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ 6 vụ), Brazil (5 vụ). Các nước bị kiện ít hơn 5 vụ gồm: Singapore, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Argentina, EU, Kazakhstan, Mexico, Nga, Nam Phi, Ukraine, Australia, Bulgaria, Hy Lạp, Macedonia, Philippines và Arabia Saudi. Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2006, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá nào.
Các sản phẩm hoá chất bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất trong 6 tháng cuối năm 2006, với 25 vụ kiện, tiếp theo là các sản phẩm bột giấy và kim loại với mỗi loại cùng bị 16 vụ kiện. Trong số 25 vụ kiện về các sản phẩm hoá chất, EU dẫn đầu với việc tiến hành 8 vụ kiện, theo sau là Trung Quốc và Ấn Độ (mỗi nước 7 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (2) và Hy Lạp (1).