Quảng Trị nỗ lực trong công tác đền ơn đáp nghĩa

Nguyễn Quốc Thanh
18:10, ngày 19-07-2007

Quảng Trị là một trong những tỉnh có tỷ lệ đối tượng chính sách cao nhất cả nước, chiếm 22,4% dân số của tỉnh. Tính trung bình, cứ 8 người dân thì có một đối tượng chính sách. Trên địa bàn, hiện còn có gần 6 vạn mộ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh... Những con số nêu trên đã chứng tỏ trách nhiệm nặng nề song rất đỗi quan trọng của tỉnh trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Thực hiện tốt chính sách, chế độ thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là cách đền ơn đáp nghĩa thiết thực nhất

Là một trong những tỉnh có tỷ lệ đối tượng chính sách cao nhất nước, Quảng Trị đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về thương binh, liệt sĩ và người có công, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cụ thể, Quảng Trị đã thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng cho 58.965 đối tượng chính sách mới, gồm: 2.847 thương binh và người hưởng chính sách thương binh (nâng tổng số thương binh và được hưởng chính sách thương binh của tỉnh lên 10.742 người), suy tôn 3.265 liệt sĩ (nâng tổng số liệt sĩ toàn tỉnh lên con số 18.529), xác nhận 135 người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, 44 lão thành cách mạng, 968 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 721 người bị địch bắt tù đày; thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ trợ cấp cho 38.854 người có công giúp đỡ cách mạng, trong đó có 6.245 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thực hiện trợ cấp cho 6.012 thân nhân người có công với cách mạng.

Để đạt được những kết quả này, tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các pháp lệnh, nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng đến các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng, từ huyện đến xã, phường, thị trấn và đến từng người dân; đặc biệt chú trọng đến việc chỉ đạo các cấp cơ sở tiến hành việc xác định, xác minh người có công với cách mạng một cách nghiêm minh, chặt chẽ, lấy đó làm cơ sở giải quyết tốt quyền lợi của đối tượng chính sách theo đúng quy định của Nhà nước.

Bên cạnh việc tổ chức xác nhận đối tượng theo quy định tại Nghị định 28/1995/NĐ-CP, tỉnh đã chủ động giải quyết kịp thời, bảo đảm lợi ích chính đáng cho nhiều đối tượng như: trợ cấp cho 761 trường hợp vợ (hoặc chồng) liệt sĩ tái giá; hỗ trợ kinh phí xây 6.015 mộ liệt sĩ cho gia đình quản lý với tổng số tiền 2,9 tỉ đồng; giải quyết chế độ thờ cúng 3.922 liệt sĩ; tiến hành trợ cấp một lần cho 467 quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K; trợ cấp cho 1.323 trường hợp tham gia hoạt động kháng chiến có con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ gây ra; hỗ trợ tiền sử dụng đất và miễn giảm thuế cho hàng nghìn hộ chính sách ưu đãi. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phục hồi chức năng của tỉnh, các tổ chức quốc tế cấp phát 3.175 phương tiện và dụng cụ cho thương bệnh binh, tổ chức điều dưỡng tập trung cho 4.820 người và cấp kinh phí điều dưỡng tại gia cho 2.657 người; chăm lo sức khỏe, bệnh tật cho người có công và mua bảo hiểm y tế cho 138.201 lượt người. Tổng kinh phí chi cho các hoạt động này từ năm 1995 đến năm 2004 đạt trên 8.882 triệu đồng.

Tỉnh cũng chăm lo chu đáo công tác coi sóc, xây dựng bia mộ cho các liệt sĩ tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia (Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn); dành 3 tỉ đồng mỗi năm đầu tư xây dựng bia mộ, chi 41,9 tỉ đồng nâng cấp 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Hàng năm, chỉ đạo Trung tâm đón tiếp thân nhân liệt sĩ 27-7 phục vụ nhiệt tình, chu đáo thân nhân liệt sĩ trong cả nước đến thăm viếng mộ liệt sĩ tại Quảng Trị.

Phong trào “Đi tìm đồng đội” của các đơn vị quân đội đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, quy tập được 1.673 mộ liệt sĩ từ khắp các chiến trường và tổ chức đón nhận 1.482 mộ liệt sĩ là quân tình nguyện hy sinh trên nước bạn Lào về an táng tại các nghĩa trang trong tỉnh.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa phải xuất phát từ cái tâm trong sạch

Với mục tiêu phấn đấu chăm lo ngày càng tốt hơn và bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” rộng khắp, huy động được trên 29,1 tỉ đồng từ sự đóng góp tự nguyện, tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn và cả nước, góp phần nâng tỷ lệ gia đình chính sách có mức sống ngang hoặc cao hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương lên 97%. Với số tiền này, tỉnh tổ chức xây mới 1.841 ngôi nhà tình nghĩa (tổng giá trị 21 tỉ đồng), mua trên 4.900 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách gặp khó khăn.

Đối với 67 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống trên địa bàn, tỉnh dành kinh phí mỗi năm trên 200 triệu đồng xây nhà tình nghĩa và phụng dưỡng các mẹ chu đáo. Gần 240 bố mẹ liệt sĩ neo đơn, hàng trăm thương binh và con liệt sĩ được nhận đỡ đầu giúp đỡ, đào tạo nghề miễn phí, giải quyết việc làm. Hàng nghìn gia đình chính sách neo đơn, hộ chính sách thuộc diện nghèo được ưu tiên ruộng tốt, ruộng gần, được chính quyền tạo điều kiện phát triển sản xuất, giúp đỡ về vốn, giống và vật nuôi... Nhiều gia đình nhờ đó đã thoát nghèo, vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Sau gần 10 năm phát động, toàn tỉnh có 98/138 xã, phường được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp bằng công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công; sự tích cực, nhiệt tình tham gia, đóng góp cho các phong trào nói trên của nhiều hội, đoàn thể trong tỉnh (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...) cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa đạt hiệu quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa hiện vẫn còn không ít vướng mắc. Đối tượng chính sách tập trung chủ yếu ở nông thôn - nơi điều kiện sống chưa cao, nên việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho họ gặp không ít khó khăn. Quy định đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi xã hội chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh; các điều kiện và tiêu chuẩn xác nhận người có công còn có chỗ chưa cụ thể, chưa chặt chẽ. Chế độ ưu đãi về trợ cấp cho người có công hiện nay chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn cả về vật chất, tinh thần và hình thức chi trả cho người được hưởng. Chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp (thuế, đất đai, lao động, y tế...) vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp, chưa thực sự nắm bắt được những phát sinh trong thực tế; cơ quan địa phương chưa vận dụng linh động, sáng tạo trong quá trình quản lý, tiến hành các hoạt động nói trên.

Trong thời gian tới, Quảng Trị tăng cường cụ thể hóa đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa phù hợp hơn nữa với điều kiện thực tế của tỉnh, nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; gắn công tác này với việc hoạch định đúng đối tượng, đồng thời thúc đẩy sự xã hội hóa sâu rộng các hoạt động liên quan. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, đạt sự hài hòa giữa hiệu quả về mặt xã hội với phát triển kinh tế, góp phần thiết thực phát huy tinh thần nhân văn “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.