Cho đến nay, Liên hợp quốc và nhiều nước lớn như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức... đã đưa ra các bản báo cáo, kiến nghị khác nhau về cải tổ Liên hợp quốc. Ở nước ngoài, có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu giới thiệu những quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề cải tổ Liên hợp quốc.

Ở trong nước, cũng đã có một số bài viết, chủ yếu dưới dạng thông tin trên các báo ngày và báo tuần về vấn đề cải tổ Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nhìn chung, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống nào đưa ra những nhận định, đánh giá khoa học về yêu cầu cải tổ Liên hợp quốc, những định hướng cải tổ tổ chức này, cũng như tác động của việc cải tổ đó đến các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ như Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, một đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, chủ trương tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của các nước thành viên theo hướng khẳng định giá trị và sự tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, để tổ chức này tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra các biện pháp phối hợp chung của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó hữu hiệu với các thách thức mới và cũ toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh và phát triển thế giới. Việt Nam ủng hộ việc cải tổ, dân chủ hóa và nâng cao tính đại diện của Hội đồng Bảo an.

Xét từ góc độ thực tiễn trên, việc nghiên cứu cuộc cải tổ Liên hợp quốc trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay hiện đang là vấn đề khoa học cấp thiết, có ý nghĩa cả về thực tiễn và lý luận đối với Việt Nam.

Mục tiêu nghiên cứu của công trình là phân tích, làm rõ những nhân tố quy định yêu cầu cải tổ Liên hợp quốc như những nhân tố khách quan bên ngoài thể chế Liên hợp quốc, những thành công, hạn chế và những bất cập về tổ chức, cơ chế trong thực hiện vai trò duy trì hòa bình, an ninh và phát triển thế giới của Liên hợp quốc trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay; đồng thời, đánh giá những chiều hướng cải tổ Liên hợp quốc trong thời gian tới, vai trò của Mỹ trong Liên hợp quốc; đánh giá và tác động của cuộc cải tổ đó, góp phần phục vụ cho việc điều hành chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với các tổ chức của Liên hợp quốc.

Nội dung của cuốn sách gồm 5 chương. Trọng tâm nghiên cứu của hai chương đầu là phân tích sự hình thành và phát triển Liên hợp quốc (chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của Liên hợp quốc); những thành công của Liên hợp quốc trong thực hiện vai trò duy trì hòa bình, an ninh thế giới và phát triển; những hạn chế của Liên hợp quốc trong thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình do những yếu tố nội tại; và nhu cầu cải tổ Liên hợp quốc, bối cảnh quốc tế mới và yêu cầu cải tổ Liên hợp quốc. Chương 3 phân tích những mục tiêu, nguyên tắc, nội dung cải tổ và những tiến triển của công cuộc cải tổ Liên hợp quốc trên thực tế và chiều hướng vận động. Chương 4 xem xét và đánh giá những quan điểm và chiều hướng, những khả năng cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chương cuối giới thiệu sự phát triển quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc và chính sách của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, những quan điểm chủ yếu của Việt Nam về cải tổ Liên hợp quốc nói chung và cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng, những nhận thức về việc Việt Nam tham gia và ủng hộ Liên hợp quốc vì mục tiêu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu do TS. Đinh Quý Độ chủ biên và thực hiện cùng tập thể cán bộ Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản.