Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác thanh niên
TCCS - Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Qua mỗi thời kỳ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, sức mạnh của thanh niên luôn cần được phát huy và Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...
Bước chuyển mới quan trọng trong công tác thanh niên
Ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác thanh niên, thực hiện nhiệm vụ được phân công trong Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các cấp bộ đoàn đã tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế cho thanh niên, định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phối hợp với các ban Đảng Trung ương tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành các quyết định, chỉ thị, kết luận quan trọng về thanh niên và công tác thanh niên; tích cực tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và Chính phủ đã ký Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012 - 2017 và 2017 - 2022, mở ra giai đoạn mới trong công tác thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên cả nước.
Từ năm 2008 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã ban hành 6 nghị quyết, 2 kết luận; Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ban hành 2 nghị quyết, 5 kết luận, 1 chỉ thị, 1 thông tri; Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ban hành 8 đề án; Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam ban hành 7 đề án, chương trình, kết luận cụ thể hóa Nghị quyết số 25-NQ/TW. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TW, ngày 12-12-2013, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã ban hành Thông tri số 11-TT/TWĐTN-VP, ngày 17-2-2014, về việc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện trên các mặt công tác đạt được những kết quả cụ thể với nhiều điểm mới, sáng tạo.
Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên luôn được coi trọng, nội dung, phương thức giáo dục liên tục được đổi mới. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TW, ngày 12-12-2013, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, tạo bước chuyển quan trọng trong công tác giáo dục, góp phần hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cấp bộ đoàn tích cực triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung, hình thức triển khai phù hợp với từng đối tượng thanh, thiếu niên, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, có nhiều sáng tạo, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh, thiếu niên. Thông qua cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, các cấp bộ đoàn đã xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, việc phát hiện, tuyên dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác được thực hiện thường xuyên, cổ vũ, động viên, tạo động lực để thanh, thiếu niên rèn luyện, phấn đấu. Trong 10 năm qua, đã có hơn 1 triệu lượt cá nhân điển hình tiên tiến làm theo lời Bác được tuyên dương; gần 10.000 đoàn xã, phường, thị trấn triển khai, giúp đỡ hơn 62.800 thanh, thiếu niên chậm tiến.
Việc giáo dục, định hướng cho thanh niên thông qua các hình thức, công cụ giáo dục mới, như In-tơ-net, mạng xã hội được tăng cường, thực hiện thường xuyên, liên tục. Hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng báo, sách, ấn phẩm, khẳng định là công cụ giáo dục sắc bén, là phương tiện đắc lực góp phần nâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên, giáo dục thế hệ trẻ. Song song với việc cập nhật công cụ giáo dục mới, tổ chức đoàn cũng duy trì các phương pháp giáo dục truyền thống, như phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn minh, phòng, chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và các hành vi lệch chuẩn trong học sinh, sinh viên; chủ động tổ chức nhiều hoạt động giáo dục về nếp sống mới, giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng các mô hình lễ cưới tập thể, bài trừ các hủ tục trong thanh niên.
Để tạo môi trường thuận lợi hơn cho thanh niên học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, nội dung đồng hành với thanh niên trong học tập được triển khai xuyên suốt từ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X đến Đại hội Đoàn lần thứ XI đã tạo điều kiện để các cấp bộ đoàn tổ chức sâu rộng các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Các phong trào “Khi tôi 18”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt” có sự thay đổi phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trung ương Đoàn ký kết chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hằng năm; chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2017 - 2020 với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam. Các quỹ học bổng, giải thưởng, như Quỹ Vừ A Dính, Quỹ Nguyễn Thái Bình, Quỹ Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam, Quỹ Mobifone - Vì tương lai Việt, Nhất nghệ tinh, Canon Chắp cánh nhân tài, Học bổng Osla... được duy trì và ngày càng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, hỗ trợ thanh, thiếu niên trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng. Trong 10 năm qua, thông qua các chương trình hợp tác, các quỹ hỗ trợ đã phát huy được hiệu quả, có gần 1.400.000 lượt học sinh, sinh viên được cấp học bổng với tổng giá trị trên 1.511 tỷ đồng.
Chất lượng lao động trẻ được nâng cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Trung ương Đoàn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, tạo ra nhiều kênh thông tin về việc làm cho lao động trẻ, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và thanh niên, như ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp”, “Hành trình đến với trường nghề, làng nghề”, “Hành trình trải nghiệm ước mơ; chương trình “Tư vấn hướng nghiệp”, “Tư vấn mùa thi”, “Tư vấn tuyển sinh”, “Khi tôi 18”... Các chương trình đã giúp tư vấn hướng nghiệp đối với thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh phổ thông; tư vấn về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động; tư vấn về chính sách hỗ trợ vay vốn cho thanh niên học nghề và tạo việc làm tại nhiều địa phương; dạy nghề, giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tại các trại giam; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng.
Song song với các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm cho thanh niên triển khai các điểm giới thiệu việc làm tại địa phương, thường xuyên cung cấp thông tin về tuyển dụng việc làm tới các cơ sở đoàn (cấp xã, phường, thị trấn). Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Trung ương Đoàn đã giao các trung tâm dịch vụ việc làm cho thanh niên triển khai tổ chức 33 lớp đào tạo nghề cho 2.310 thanh niên. Sau đào tạo, tỷ lệ thanh niên có việc làm đạt trên 86,3%.
Hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng được quan tâm phát triển. Trong 3 năm trở lại đây, các sự kiện, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do các cấp bộ đoàn, hội tổ chức đồng loạt, liên tiếp đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên, giúp tư vấn, hỗ trợ, kết nối các ý tưởng thanh niên làm kinh tế, định hướng cho hoạt động thanh niên khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước. Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” được triển khai với nhiều hoạt động, như truyền thông về khởi nghiệp; tổ chức thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên; tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng và vốn cho thanh niên khởi nghiệp; thành lập trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Một số tỉnh đoàn, thành đoàn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre đã xây dựng được các quỹ khởi nghiệp, nguồn vốn thực hiện chương trình khởi nghiệp dành cho thanh niên có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, lập nghiệp. Ngoài ra, có nhiều tỉnh đoàn, thành đoàn cũng thành lập quỹ để tăng nguồn vốn vay cho thanh niên, như Quỹ Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp; Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp...
Tích cực hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, hiện nay dư nợ của Đoàn thông qua Chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 23.267 tỷ đồng, với 9 chương trình cho vay dành cho 890.000 hộ gia đình. Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn mà Trung ương Đoàn điều hành và quản lý là khoảng 75,23 tỷ đồng, với 977 dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2018, từ nguồn vốn trên đã tạo việc làm mới cho 3.018 lao động. Các nguồn vốn được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm, ổn định kinh tế, chính trị tại địa phương.
Trong chương trình xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện, các cấp bộ đoàn tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, thu hút hàng chục triệu lượt đoàn viên, thanh, thiếu niên tham gia. Nhiều chương trình có giá trị nghệ thuật, chất lượng chuyên môn và ý nghĩa giáo dục cao, tiêu biểu, như “Duyên dáng Việt Nam”, “Khát vọng trẻ”, “Tuổi 20 hát”, “Hành trình bài ca sinh viên”, “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình”, “Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng”. Các hoạt động tham gia bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các danh lam thắng cảnh, nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương được các cấp bộ đoàn chú trọng. Nhiều hoạt động thể thao có uy tín trong xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng, như giải Việt dã toàn quốc, giải bóng đá U21, giải bóng rổ học sinh, sinh viên, giải bóng đá sinh viên toàn quốc...
Đặc biệt, việc phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, tạo môi trường để các tài năng trẻ cống hiến, trưởng thành được các cấp bộ đoàn tập trung thực hiện, đạt được một số kết quả cụ thể, mang đến chuyển biến rõ nét trong công tác đào tạo tài năng trẻ của Đoàn, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Hiện tại, tất cả các tỉnh đoàn, thành đoàn, đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn đều thành lập quỹ hoặc có kinh phí để hỗ trợ cho tài năng trẻ và thanh niên triển vọng. Trong giai đoạn 2012 - 2017, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam đã chi gần 15 tỷ đồng cho các hoạt động tổ chức, trao giải thưởng và hỗ trợ các tài năng trẻ. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ, Trung ương Đoàn triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhằm hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là các tài năng trẻ sáng tạo, hiện thực hóa các ý tưởng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trung ương Đoàn đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (SYS) và nhận được hàng trăm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên. Hội đồng Bảo trợ tài năng trẻ Việt Nam từng bước phát huy vai trò trong việc tham gia xét chọn giải thưởng, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phấn đấu cho tài năng trẻ trong các chương trình giao lưu, trao thưởng. Các cấp bộ đoàn đã tích cực, chủ động giới thiệu các tài năng trẻ, các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để cơ quan, đơn vị tuyển dụng, đồng thời ưu tiên tuyển dụng vào các vị trí phù hợp của tổ chức đoàn.
Các hình thức tập hợp, kết nối tài năng trẻ được duy trì và nâng cao chất lượng, như chương trình giao lưu, gặp gỡ các thế hệ gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015), các thế hệ doanh nhân trẻ tài năng (năm 2014), các loại hình câu lạc bộ “Thủ khoa”, “Khoa học kỹ thuật trẻ”, “Vườn ươm sáng tạo trẻ”, “Sáng tạo khởi nghiệp”, “Thắp sáng ước mơ”... Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ I (năm 2009), lần thứ II (năm 2015) và liên hoan tài năng trẻ các cấp được tổ chức định kỳ đã góp phần quan trọng trong tập hợp, kết nối đội ngũ tài năng trẻ trong và ngoài nước. Hệ thống Cơ sở dữ liệu tài năng trẻ Việt Nam (csdl.tainangviet.vn) đã được nâng cấp, vận hành với hơn 5.000 hồ sơ tài năng trẻ được hệ thống đoàn phát hiện, tôn vinh và gần 300 hồ sơ tài năng trẻ được ngoài hệ thống đoàn phát hiện, tôn vinh.
Xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa, đội dự bị tin cậy của Đảng
Hiện nay, toàn Đoàn có hơn 6,4 triệu đoàn viên, trong nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X (2012 - 2017) có 11.963 cán bộ đoàn được luân chuyển, bố trí công tác khác, 961cán bộ đoàn được luân chuyển trong hệ thống. Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã hỗ trợ tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn các cấp. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định trở thành cơ sở giáo dục đại học công lập, chương trình, giáo trình đào tạo từng bước được chuẩn hóa. Viện Nghiên cứu thanh niên tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tham mưu hiệu quả cho Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trong tổng kết thực tiễn và đúc kết những vấn đề lý luận về công tác thanh vận trong thời kỳ mới.
Vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam được tăng cường. Hiện nay, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có 63 tổ chức hội cấp tỉnh, 4 tổ chức hội của các tập đoàn, tổng công ty, 3 hội thanh niên - sinh viên ở nước ngoài (Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Thanh niên Việt Nam tại Ru-ma-ni, Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Séc) với trên 9,9 triệu hội viên; Hội Sinh viên Việt Nam hiện có 27 hội sinh viên cấp tỉnh, 46 hội sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, 8 hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài (Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ, Hung-ga-ri, Anh, Thái Lan) với hơn 1,3 triệu hội viên. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có 63 hội doanh nhân trẻ cấp tỉnh và 4 ngành kinh tế với gần 9.000 hội viên. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam có 60 tổ chức hội cấp tỉnh với hơn 80.000 hội viên. Tỷ lệ tập hợp thanh niên đạt trên 53%.
Quán triệt quan điểm “Xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước”, các cấp bộ đoàn đã phát huy vai trò của đoàn viên, tổ chức cơ sở đoàn xung kích thực hiện nghị quyết của Đảng, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thông qua đó, tạo môi trường để đoàn viên rèn luyện, trưởng thành và phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với các giải pháp chỉ đạo sát hợp, kịp thời, cụ thể và sự cố gắng, nỗ lực của các cấp bộ đoàn, trong 10 năm (2008 - 2018), toàn Đoàn đã giới thiệu cho Đảng 2.184.913 đoàn viên ưu tú, trong đó có 1.207.210 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, chiếm 55,25% tổng số đoàn viên ưu tú được giới thiệu, tăng 5,25% so với chỉ tiêu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ thanh niên có trình độ cao, tài năng trẻ trên các lĩnh vực, thanh niên trong doanh nghiệp được kết nạp Đảng ngày càng tăng. Công tác phát triển đảng viên trong thanh niên công nhân được các cấp bộ đoàn chú trọng. Trong 5 năm 2012 - 2017, toàn Đoàn đã giới thiệu 1.102.789 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó 682.214 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, chiếm 66,1% tổng số đảng viên mới kết nạp, tiệm cận với chỉ tiêu Nghị quyết số 25-NQ/TW đã đề ra.
Đoàn đã giới thiệu cán bộ có chất lượng để tạo nguồn cán bộ trẻ cho cấp ủy đảng, chính quyền. Tỷ lệ cán bộ đoàn tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020, tham gia Quốc hội khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cao, với 11.380 cán bộ đoàn trúng cử vào cấp ủy đảng cùng cấp, 9.888 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và gia đình trong giáo dục, bồi dưỡng, phát huy tính sáng tạo của thanh niên; tham gia phản biện, giám sát việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; phát huy sự nỗ lực phấn đấu của mỗi thanh niên trong học tập, lao động và cuộc sống, không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW vẫn còn hạn chế, đó là:
Việc học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, triển khai học tập 6 bài học lý luận chính trị vẫn chưa đồng bộ, chưa có nhiều giải pháp sáng tạo. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao. Công tác dự báo và nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng cho thanh niên ở nhiều nơi chưa kịp thời; việc xử lý các vấn đề nổi cộm phát sinh trong thanh niên còn lúng túng. Hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn đôi lúc còn chạy theo thị hiếu, phản ánh tiêu cực mà chưa quan tâm định hướng, giáo dục thế hệ trẻ, giới thiệu gương người tốt, việc tốt.
Việc tổ chức phong trào hành động cách mạng tại một số cấp bộ đoàn còn có biểu hiện dàn trải, hình thức, thiếu kiên trì, thiếu hấp dẫn, mới chỉ thu hút một bộ phận thanh niên tích cực tham gia, kết quả thiếu tính bền vững. Hiệu quả triển khai một số phong trào thi đua không rõ nét, thiếu tính thường xuyên. Chất lượng, hiệu quả công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên chưa cao.
Tổ chức cơ sở đoàn ở một số nơi chưa quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng kết nạp đoàn viên. Công tác quản lý đoàn viên còn lỏng lẻo. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức và đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chuyển biến chậm.
Đoàn chưa kịp thời trong nghiên cứu, đề xuất giải pháp để khắc phục, giải quyết các vấn đề xã hội trong thanh niên, một số tổ chức đoàn chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái xã hội tác động đến thanh niên. Một số chương trình phối hợp chưa được kịp thời sơ, tổng kết, hiệu quả không cao.
Vẫn còn một bộ phận thanh niên thiếu ý chí phấn đấu, có biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống. Một bộ phận thanh niên yếu thế về cơ hội phát triển. Tình hình vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn biến phức tạp. Tầm vóc và thể trạng của thanh niên Việt Nam từng bước được cải thiện song vẫn còn thua kém so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kỹ năng nhiều mặt của thanh niên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đời sống văn hóa tinh thần của phần lớn thanh niên, nhất là thanh niên công nhân, nông thôn, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Chất lượng tổ chức đoàn tại cơ sở, nhất là ở khu vực xã, phường, thị trấn trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng tổ chức và hoạt động đoàn trên địa bàn khu dân cư yếu.
Chất lượng nguồn nhân lực trẻ nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; nhiều cơ sở đoàn mới chỉ chú trọng đến công tác phát hiện, tuyên dương tài năng trẻ mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác tham mưu tạo cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng tài năng trẻ, chưa quan tâm đúng mức tới việc đồng hành cùng tài năng trẻ phát huy tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.
Các cơ sở, trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu niên còn thiếu; chỗ ở, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao cho thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số bài học kinh nghiệm rút ra
Qua 10 năm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, để tiếp tục thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả thiết thực trong thời gian tới, đó là:
Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong định hướng hoạt động, cụ thể hóa bằng chủ trương, chính sách hành động của chính quyền các cấp là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự thành công khi triển khai Nghị quyết.
Hai là, các cấp bộ đoàn, cán bộ đoàn cần tích cực, chủ động, thường xuyên, kiên trì tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên, định hướng cho công tác đoàn, phong trào thanh, thiếu niên; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành, đoàn thể cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết; tạo cơ chế, chính sách để thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo, bồi dưỡng để thanh niên phát triển toàn diện.
Ba là, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cách tiếp cận, tập hợp, giáo dục của Đoàn để phù hợp với xu thế phát triển, nhận thức, trình độ của thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu, nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị, phù hợp với sự vận động của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế; coi trọng tính thiết thực, hiệu quả trong hoạt động.
Bốn là, tập trung đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn. Chú trọng công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở; bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ có đủ năng lực, có uy tín trong thanh, thiếu niên thực hiện nhiệm vụ; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc luân chuyển, bố trí công tác đối với cán bộ đoàn hết tuổi theo quy chế cán bộ đoàn.
Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng và các đoàn thể trong giáo dục, bồi dưỡng và tạo môi trường lành mạnh để thanh niên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.
Sáu là, thường xuyên nghiên cứu, rà soát kết quả triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết; định kỳ kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của các cấp bộ đoàn; tham gia giám sát, phản biện xã hội về việc cụ thể hóa Nghị quyết của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chống của tình hình thanh niên, đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, công tác đoàn, nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Tác động của toàn cầu hóa đến an ninh văn hóa và ứng phó của Việt Nam  (11/12/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-12-2018)  (11/12/2018)
Xây dựng lực lượng công an thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự thời kỳ hội nhập quốc tế  (11/12/2018)
Xây dựng lực lượng công an thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự thời kỳ hội nhập quốc tế  (11/12/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam