Giải ngân trong năm 2007 đạt mức kỷ lục là 48,3 triệu Euro, đây là con số cao nhất mà EC từng đạt được tại Việt Nam và cao hơn mức trung bình cam kết hàng năm trong khuôn khổ CSP 2002-2006 là 50%.

Tổ công tác EC - Việt Nam về hợp tác đã tổ chức kỳ họp lần thứ 6 tại Hà Nội vào ngày 4-4-2008, dưới sự điều hành của hai đồng chủ tọa là Tiến sĩ Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Tiến sĩ Erich Muller, Cục trưởng Cục châu Á thuộc Văn phòng Europaid của Ủy ban châu Âu.

Kiểm điểm hoạt động hợp tác trong năm 2007, hai bên đánh giá cao sự phát triển thuận lợi của quan hệ tổng thể giữa EU và Việt Nam. Các mốc quan trọng trong năm 2007 bao gồm: triển khai đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN trong đó Việt Nam đóng vai trò điều phối viên cho ASEAN; khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa EU và Việt Nam nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso vào tháng 11-2007.Chiến lược Quốc gia mới của EC (CSP) giai đoạn 2007-2013 dành cho Việt Nam được thông qua trong tháng 3-2007 và việc Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Đại sứ M. Cornaro ký kết một Thỏa thuận Ghi nhớ đề ra các ưu tiên cho viện trợ phát triển của EC dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2007-2010 vào ngày 11-6-2007 đã bổ sung cho loạt sự kiện quan trọng này, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa EU và Việt Nam.

Cả hai bên nhất trí rằng, năm 2007 là một năm rất thành công. Việc thực hiện Chiến lược Quốc gia mới của EC dành cho Việt Nam đã khởi đầu thắng lợi với các cam kết tài chính được đưa ra hay được dự kiến cho năm 2007-2008 lên tới 77 triệu Euro. Các hoạt động nhận được hỗ trợ tài chính bao gồm: Tín dụng Giảm Nghèo nhằm trợ giúp Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam (50 triệu Euro); hỗ trợ xây dựng năng lực cho ngành y tế (14 triệu Euro); trợ giúp kỹ thuật liên quan đến thương mại (10 triệu Euro), và quản trị công (3 triệu Euro).

Kết quả tốt đẹp trở nên rõ ràng trong năm 2007 với việc một số dự án kết thúc hoặc đạt đến giai đoạn cao độ trong việc thực hiện. Ví dụ như: Dự án Trẻ em Lang thang có số trẻ em được chương trình hỗ trợ vượt số lượng dự kiến hơn 30% (khoảng 4200); Dự án Phát triển Nguồn Nhân lực Du lịch Việt Nam với hơn 1700 cán bộ điều hành từ khu vực tư nhân đã được đào tạo để truyền thụ kỹ năng cho các nhân viên của mình nhằm cung cấp các dịch vụ đáp ứng những tiêu chuẩn tay nghề mới thiết lập của Việt Nam; Các cổng thông tin thương mại được triển khai trong khuôn khổ dự án MUTRAP II và nhiều hỗ trợ được đưa ra cho việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam; Đưa các vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên vào hoạt động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Khu vực Tư nhân.

Hai bên ghi nhận Hiệu quả Viện trợ được nâng cao, đặc biệt thông qua việc chuyển 80% viện trợ của EC cho ngân sách của Việt Nam được dự kiến trong khuôn khổ Chiến lược Quốc gia mới và tập trung viện trợ của EC vào các lĩnh vực mà EC có lợi thế so sánh.

Bên cạnh hợp tác song phương của EC với Việt Nam, các dự án do các tổ chức ngoài quốc doanh của Việt Nam và châu Âu đề xuất sẽ nhận được hỗ trợ thông qua các chương trình khu vực và theo chủ đề mới triển khai nhằm xây dựng mạng lưới và hỗ trợ xã hội dân sự trong các lĩnh vực như: giáo dục đại học, năng lượng và môi trường, nhân quyền và quản trị công, cứu trợ thảm họa.

Ghi nhận sự cống hiến tận tụy lâu dài của ông cho quan hệ giữa EC và Việt Nam, ông Erich Muller, Cục trưởng Cục châu Á của Văn phòng Europaid, đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng Kỷ niệm chương.