TCCSĐT - Sáng 02-12-2016 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo Triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, CTDT/16-20.
TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các đại biểu các đơn vị, đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ, và các nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng nêu rõ: Thực hiện Quyết định số 2356/QĐ-TTg, ngày 04-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác Dân tộc đến năm 2020, năm 2015, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” tại Quyết định số 1641/QĐ-BKHCN, ngày 29-6-2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Có thể nói sự ra đời của Chương trình này là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển và lớn mạnh trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

Mục tiêu của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” là cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nội dung của Chương trình này tập trung vào 5 vấn đề lớn:

Một là, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam từ đổi mới (1986) đến nay để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển bền vững.

Hai là, đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc từ đổi mới (năm 1986) đến nay.

Ba là, nghiên cứu xây dựng các khung chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030.

Bốn là, nghiên cứu đề xuất quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030.

Năm là,
xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chính sách dân tộc.

Trên cơ sở các nội dung trong khung chương trình được phê duyệt, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng danh mục nhiệm vụ của Chương trình, các nhà khoa học, đại diện các đơn vị đã thảo luận, tham gia góp ý và cho rằng: các danh mục nhiệm vụ của Chương trình đề xuất đã phù hợp, bám sát vào mục tiêu và nội dung của Chương trình; đã phản ánh, bao quát hết những vấn đề cơ bản, cấp bách cần quan tâm nghiên cứu trong vùng dân tộc thiểu số hiện nay. Các đại biểu đã bàn luận một cách sâu sắc, cụ thể hóa các hướng nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực sự là những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc đảm bảo hoàn thành mục tiêu Chương trình đã đặt ra.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Phan Văn Hùng chân thành cám ơn các đại biểu, các nhà khoa học đã đến dự và đóng góp ý kiến đối với việc triển khai Chương trình này. Trên cơ sở các ý kiến này Ủy ban Dân tộc sẽ chắt lọc, chỉnh sửa để việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đem lại kết quả cao nhất./.