Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-7-2016)
Tổng Bí thư chỉ đạo tiếp tục xử lý vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Ngày 18-7, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 1578-CV/VPTW gửi các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.
Công văn nêu rõ: Sau khi xem xét Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 (số 89-TB/UBKTTW, ngày 11-7-2016), trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra Trung ương với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận bước đầu. Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu cần làm tiếp một số việc quan trọng liên quan đến các cá nhân cụ thể.
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; chỉ đạo tiến hành khẩn trương các công việc được giao và báo cáo kết quả với Ban Bí thư”.
Thông tấn xã Việt Nam bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về Biển Đông
Ngày 18-7, Thông tấn xã Việt Nam được quyền tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14-7-2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ).
Sau cuộc gặp trên, nhiều cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, đã dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp nói rằng: “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông”, đồng thời cho biết: “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực".
Trên thực tế, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10-2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Đường dây nóng Bộ Y tế: Chỉ 1% số cuộc gọi biểu dương nhân viên ngành
Sáng 19-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tại hơn 700 điểm cầu truyền hình với sự tham gia của hơn 10.000 người.
Hội nghị đã có nội dung đánh giá về đường dây nóng Bộ Y tế sau 6 tháng được triển khai. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm đã có gần 12.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế, với hơn 4.000 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi (34%) và có hơn 7.700 cuộc gọi không đúng phạm vi (66%).
Trong hơn 4.000 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi, người dân gọi điện phản ánh nhiều nhất là về tình trạng xuống cấp của cơ sở y tế, nội quy cơ sở y tế chiếm khoảng 40%; có 28% cuộc gọi phản ánh về quy trình chuyên môn của các bệnh viện và 14% phàn nàn về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y bác sỹ đối với người bệnh.
Bên cạnh đó, còn một tỷ lệ nhỏ các ý kiến phản ánh về các vấn đề tiêu cực như vòi vĩnh, đòi hối lộ (2%); tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh (2%) và cuộc gọi khen người biểu dương tới những nhân viên y tế chỉ chiếm 1%.
Phát huy vai trò nòng cốt để khu vực kinh tế hợp tác phát triển
Với tinh thần: “Đoàn kết-Đổi mới-Hội nhập-Phát triển bền vững”, Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam lần thứ V đã khai mạc sáng 19-7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Báo cáo Đại hội, cho biết 5 năm qua, có 5.000 hợp tác xã thành lập mới, cùng với 150.000 tổ hợp tác, hoạt động trên các lĩnh vực, đóng góp vào GDP khoảng 5%. Tốc độ tăng trưởng của khu vực hợp tác xã đạt khoảng 3% trong các năm 2012 đến 2014.
Cùng với đó, đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Nhiều hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ tổng hợp; đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác để cung ứng vật tư, thực hiện các dịch vụ đầu vào cho thành viên.
Đại hội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 250.000 tổ hợp tác; trong đó 5% tổ hợp tác phát triển thành hợp tác xã. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ đại học đạt 40% và trình độ trung cấp đạt 50-55%. Thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong các hợp tác xã tăng gấp đôi so với năm 2015.
Cử tri cả nước kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc ở Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Báo cáo nêu rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước đã được kiện toàn. Các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như kinh tế tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2015; sức cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp còn thấp. Chất lượng của sản phẩm và năng suất lao động trong nước cải thiện còn chậm. Tình trạng thất nghiệp ở đô thị và trong thanh niên còn cao... Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, đặc biệt là vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Báo cáo cũng chỉ rõ nhiều vấn đề mà cử tri lo lắng, bức xúc đang đặt ra như: Cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; cần tăng cường quản lý, giám sát việc bố trí cán bộ, công chức; Giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; Xử lý nghiêm việc buông lỏng trách nhiệm về đầu tư và bảo vệ môi trường; Nâng cao trách nhiệm xã hội trong chế biến, kinh doanh thực phẩm… Đồng thời cử tri cũng nhiều vấn đề bức xúc đang nổi cộm tại nhiều địa phương đòi hỏi Quốc hội quan tâm góp phần giải quyết.
Thông cáo số 1 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV
Ngày 20-7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, vào lúc 7 giờ, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Buổi sáng Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họ và phát biểu khai mạc kỳ họp. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII trình bày Tờ trình về số lượng Phó Chủ tịch Quốc hội, số lượng Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn để bầu Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận về dự kiến số lượng Phó Chủ tịch Quốc hội, số lượng Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Làm rõ phản ánh “kiểm định khống” hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản).
Trước đó, ngày 20-7-2016, báo chí phản ánh việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản).
Về việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời công bố công khai các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và có biện pháp xử lý kiên quyết không để lưu hành các sản phẩm sai quy định; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8-2016.
Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ phá rừng pơ mu tại Quảng Nam
Ngày 21-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc phá rừng tự nhiên pơ mu tại tiểu khu 351 thuộc khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Trong mấy ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về vụ việc phá rừng tự nhiên pơ mu tại tiểu khu 351 thuộc khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV được bầu gồm:
1. Đồng chí Phùng Quốc Hiển
2. Đồng chí Uông Chu Lưu
3. Đồng chí Tòng Thị Phóng
4. Đồng chí Đỗ Bá Tỵ
Các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV được bầu gồm:
1. Đồng chí Nguyễn Thúy Anh
2. Đồng chí Phan Thanh Bình
3. Đồng chí Hà Ngọc Chiến
4. Đồng chí Phan Xuân Dũng
5. Đồng chí Nguyễn Khắc Định
6. Đồng chí Nguyễn Văn Giàu
7. Đồng chí Nguyễn Đức Hải
8. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải
9. Đồng chí Lê Thị Nga
10. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc
11. Đồng chí Vũ Hồng Thanh
12. Đồng chí Trần Văn Túy
13. Đồng chí Võ Trọng Việt
Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm "không đúng quy định pháp luật"
Nhiều vấn đề "nóng" về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Thanh tra Chính phủ thông tin trong cuộc họp báo quý II năm 2016 diễn ra vào ngày 22-7, tại Hà Nội.
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa thuê đất trong 70 năm.
Về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết từ năm 2014, 2015, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và kết luận thanh tra về công tác chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có dự án Formosa.
Kết luận thanh tra thời điểm đó đã chỉ rõ, việc Hà Tĩnh phê duyệt cho Formosa thuê đất thời hạn 70 năm là không đúng các quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật trước năm 2014, cấp tỉnh chỉ được cấp phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng tỉnh Hà Tĩnh đã cho Formosa thuê 70 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gia đình chính sách ở Cần Thơ
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, chiều 22-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách tại thành phố Cần Thơ.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Thế Minh, thương binh hạng 1/4, ngụ tại khu vực 7, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều; Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Ẩn ở khu vực 2, đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, có chồng và con trai hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng
Gần 300 đại biểu đại diện cho hơn 8,8 triệu người có công trong cả nước đã tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016, tổ chức ngày 23-7-2016, tại Cần Thơ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi, tri ân đến các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và các gia đình có công với cách mạng trong cả nước bằng những tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc.
Dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, ngày 24-7, tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang đã tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên là nơi quy tập hài cốt của trên 1.750 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Đây không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Trong dịp này, nhiều hoạt động tri ân các hùng liệt sỹ, các gia đình chính sách đã được tỉnh Hà Giang quan tâm, thực hiện. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã đến thăm, tặng quà các gia đình thương binh liệt sỹ, người có công với cách mạng, tại tất cả 11 huyện, thành phố của tỉnh.
Thủ tướng thăm cán bộ lão thành cách mạng
Hướng tới kỉ niệm 69 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi Đại tá Lê Công Thạnh, trú tại đường Phan Bội Châu, thành phố Đà Nẵng và gia đình.
Đại tá Lê Công Thạnh, sinh năm 1927, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, là một trong những người trực tiếp chỉ huy tiến công và tiếp quản Đà Nẵng trong ngày giải phóng thành phố 29-3-1975. Sau giải phóng, ông là Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Quảng Nam-Đà Nẵng.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ân cần hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của cụ Lê Công Thạnh cùng gia đình. Cụ Lê Công Thạnh cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cá nhân cụ cũng như những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trong thời gian qua./.
Chất lượng và tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay  (26/07/2016)
Chất lượng và tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay  (26/07/2016)
Mẫu mực nhân cách người đại biểu Quốc hội  (25/07/2016)
Mẫu mực nhân cách người đại biểu Quốc hội  (25/07/2016)
Phiên họp thứ nhất Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV  (25/07/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên