TCCSĐT - Ngày 06-5-2016, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Truyền thống phong trào công nhân, bài học đổi mới và giải pháp hoạt động công đoàn trong thời gian tới”.

Hội thảo khoa học là một hoạt động quan trọng trong số các hoạt động lớn có ý nghĩa thiết thực do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, nhằm kỷ niệm 130 năm Ngày quốc tế Lao động (01-5-1886 - 01-5-2016) và 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 56/SL, ngày 29-4-1946, quy định quyền được nghỉ làm việc có hưởng lương vào Ngày quốc tế Lao động.

Tham dự, có đại diện một số ban, ngành ở trung ương; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các thời kỳ; lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo các công đoàn ngành trung ương, một số tỉnh, thành phố; và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Hơn 20 tham luận gửi tới Ban Tổ chức hội thảo, cùng các ý kiến trao đổi, thảo luận trình bày tại hội thảo, đã tập trung làm rõ, phân tích ý nghĩa sâu sắc có tính lịch sử to lớn của Ngày quốc tế Lao động 01-5 và Sắc lệnh số 56/SL; khẳng định truyền thống vẻ vang, vai trò của phong trào công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, nêu lên những bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phong trào công nhân, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Để tổ chức công đoàn Việt Nam tiếp tục truyền thống hào hùng, xứng đáng với vai trò của mình trong giai đoạn cách mạng mới, các tham luận, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo thống nhất thời gian tới hoạt động công đoàn cần đổi mới theo hướng:

Thứ nhất, hoạt động công đoàn phải bám sát đường lối, quan điểm của Đảng về thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam nói chung, về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng; chú trọng công tác phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý, người sử dụng lao động để tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

Thứ hai, hướng hoạt động công đoàn về cơ sở, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng, lợi ích thiết thực của đoàn viên và người lao động.

Thứ ba, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chủ động xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ công đoàn, chú ý bồi dưỡng cán bộ xuất thân, trưởng thành từ công nhân và hoạt động từ cơ sở.

Thứ tư, cải tiến lề lối làm việc, giữ vững kỷ luật công tác, chống bệnh hành chính, quan liêu trong hoạt động công đoàn; nâng cao chất lượng tham mưu cho Đảng, tham gia với Nhà nước xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.

Thứ năm, chú trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về phong trào công nhân, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của phong trào công nhân và công đoàn quốc tế./.