Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18 đến ngày 24-4-2016)
TCCSĐT - Ngày 24-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Taro Aso soạn thảo ngân sách bổ sung nhằm tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hai trận động đất vừa qua làm rung chuyển đảo Kyushu, Tây Nam Nhật Bản.
Tỷ lệ nợ công của Việt Nam gấp đôi nhiều nước trong ASEAN
Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I-2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện dưới sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) cho biết, không chỉ có mức thâm hụt ngân sách lớn nhất trong khu vực mà nợ công của Việt Nam còn có tỷ lệ cao gấp đôi nhiều nước ASEAN.
Theo báo cáo, thâm hụt ngân sách đã liên tục tăng kể từ khi Chính phủ thực hiện gói kích cầu năm 2009. Dẫn chứng, bội chi ngân sách nhà nước tăng từ mức 65,8 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên mức 263,2 nghìn tỷ đồng năm 2015. So với GDP, bội chi ngân sách nhà nước đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030 (Chiến lược nợ công).
Do bội chi ngân sách nhà nước tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011 - 2015, từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP , tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.
Báo cáo cũng chỉ ra, so với một số nước trong khu vực, Việt Nam có mức thâm hụt ngân sách nhà nước (% so với GDP) lớn hơn khá nhiều. Cụ thể, theo số liệu của IMF - Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), chỉ ra là năm 2015, thâm hụt ngân sách nhà nước của Việt Nam là 6,9% GDP, của Thái Lan là 1,2% GDP, của Indonesia là 2,3% GDP, của Philippines là 0,12% GDP và của Cam-pu-chia là 2% GDP.
Theo dự báo của WEO, mặc dù bội chi ngân sách nhà nước của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đồng trong ASEAN.
Một điều đáng lo ngại là nghĩa vụ trả nợ công đang tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185,8 nghìn tỷ đồng năm 2013 lên 296,2 nghìn tỷ đồng năm 2015. Nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,4 nghìn tỷ đồng. Do tốc độ tăng nghĩa vụ nợ rất nhanh, tỷ lệ nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách nhà nước cũng tăng nhanh. Nếu chỉ tính riêng nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, tỷ lệ này là 22,4% năm 2013, tăng lên mức 29,9% năm 2015.
Nguyên nhân là do giai đoạn 2010 - 2012, Chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn 1 - 2 năm. Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với chi ngân sách nhà nước, nếu phát hành trái phiếu chính phủ không đạt mục tiêu đề ra.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016
Mục tiêu của Hội nghị là đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế”, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hội nghị đề ra các giải pháp về xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 29-4, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh theo hai hình thức, trực tiếp (khoảng 500 đại biểu tham dự) và trực tuyến với 63 điểm cầu (gồm đại biểu là lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì Hội nghị.
Hội nghị tập trung vào hai nội dung chính là các giải pháp về thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, xác định các rào cản do cơ chế, chính sách tạo ra và giải quyết các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh do việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, sự nhũng nhiễu, những rào cản do chính quyền và cán bộ gây ra.
Sau phiên làm việc buổi sáng, nghe về tình hình doanh nghiệp, các hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, kiến nghị và giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, chứng kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Buổi chiều, Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các kiến nghị chưa được giải quyết trước Hội nghị và ngay tại Hội nghị. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về doanh nghiệp với tên gọi “Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Nghị quyết sẽ được trình Chính phủ thảo luận thông tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2016.
Khô hạn, nắng nóng tác động mạnh đến đà tăng CPI tháng Tư
Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng 0,33% so với tháng Ba và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, CPI tháng này đã tăng 1,33% so với tháng 12 năm ngoái.
Do đó, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Tư chỉ tăng 0,19% so với tháng trước đó, tăng 1,76% so với cùng kỳ.
Cũng theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có 8 nhóm tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông (+1,73%) và tăng thấp nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép (+0,05%). Bên cạnh đó, chỉ số giá tại hai nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch lại giảm nhẹ 0,01%.
Nhật Bản bổ sung ngân sách để tái thiết các khu vực bị động đất
Ngày 24-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Taro Aso soạn thảo ngân sách bổ sung nhằm tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hai trận động đất vừa qua làm rung chuyển đảo Kyushu, Tây Nam Nhật Bản.
Tại cuộc họp với các quan chức Chính phủ, Thủ tướng Abe đã công bố kế hoạch bổ sung ngân sách nói trên và tin tưởng rằng Quốc hội sẽ thông qua dự thảo này trong kỳ họp sẽ kết thúc vào ngày 01-6 tới. Ngân sách bổ sung sẽ chủ yếu nhằm cung cấp chỗ ở cho những người phải đi sơ tán và giúp các nạn nhân trong trận động đất tái thiết cuộc sống.
Thông báo của Thủ tướng Abe được đưa ra một ngày sau khi ông có chuyến thị sát tới các khu vực bị động đất ở tỉnh Kumamoto, thăm hỏi các nạn nhân trong thảm họa này và họp với các quan chức địa phương tại đây.
Hai trận động đất mạnh 6,5 độ Richter đêm 14-4, trận động đất mạnh 7,3 độ Richter hai ngày sau đó đã khiến ít nhất 48 người thiệt mạng và khoảng 1.100 người bị thương. Theo giới chức địa phương, ngoài con số này, có 11 người khác ở Kumamoto đã tử vong mà nguyên nhân được cho là do quá căng thẳng, mệt mỏi hoặc những nguyên nhân gián tiếp khác sau động đất.
Chính sách tiền tệ của ECB cần thời gian để phát huy tác dụng
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21-4 đã lên tiếng bác bỏ sự chỉ trích ở Đức về chính sách tiền tệ mà ngân hàng này đang thực hiện, cho rằng hiệu quả của nó để thấy được cần phải có thời gian.
Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định các chính sách của ngân hàng đang vấp phải sự chỉ trích từ phía Đức gần đây về những tác động tiêu cực đến người gửi tiền và các ngân hàng, khẳng định cần có thời gian để các chính sách phát huy tác dụng đầy đủ. Ông Mario Draghi cũng nói rằng với những ngoại lệ hiếm có, các chính sách của ECB là chính sách duy nhất trong bốn năm qua hỗ trợ tăng trưởng.
Tại cuộc họp vào ngày 10-3, ECB đã thông báo loạt động thái chính sách mới nhằm đưa lạm phát vốn thấp kinh niên ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trở lại mức có lợi hơn cho nền kinh tế. Các biện pháp này bao gồm việc hạ lãi suất xuống 0%, tăng quy mô chương trình mua tài sản, được biết đến là chương trình nới lỏng định lượng, đưa trái phiếu doanh nghiệp vào chương trình này và sẵn sàng cung cấp một lượng lớn khoản cho vay lãi suất thấp cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các biện pháp trên vấp phải sự chỉ trích ở Đức, nơi nhiều người gửi tiền tiết kiệm đang chứng kiến nguồn thu nhập từ lãi suất giảm do lãi suất thấp và lợi nhuận của các ngân hàng đang bị giảm sút.
Trước những chỉ trích đó, Thủ ướng Đức Angela Merkel ngày 21-4 đã nói bà hoàn toàn ủng hộ chính sách độc lập của ECB, khẳng định ECB có quyền hạn rõ ràng là bảo đảm sự ổn định giá cả.
Tại cuộc họp ngày 21-4, ECB đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục là 0 - 0,25% cũng như lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ECB ở mức -0,4% và tiếp tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua chương trình mua trái phiếu trị giá 80 tỷ euro (90 tỷ USD) mỗi tháng.
Lạm phát tại Eurozone ở mức 0% trong tháng Ba, rất xa mục tiêu 2% mà ECB ước tính là có lợi cho tăng trưởng kinh tế mạnh. Kinh tế khu vực tăng 0,3% trong quý IV năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10,3% nhưng đang giảm./.
Quốc hội đang nỗ lực hoàn thiện để đáp ứng kỳ vọng của cử tri  (26/04/2016)
Đào tạo nghề miễn phí cho trên 800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn  (26/04/2016)
Báo Đức ca ngợi thành tựu phát triển đất nước của Việt Nam  (26/04/2016)
Việt Nam không còn địa phương ghi nhận dịch bệnh do virus Zika  (26/04/2016)
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thăm chính thức Liên bang Nga  (26/04/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên