Đảng bộ xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai) trong những năm vừa qua đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, phát huy nội lực, phá vỡ thế độc canh trong nông nghiệp, phát triển kinh tế hàng hóa hiệu quả, đưa cuộc sống của nhân dân các dân tộc ngày càng trở nên khấm khá. Bài viết này giới thiệu những kết quả cụ thể mà Đảng bộ Na Hối đã làm được.

Na Hối là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (diện chính sách 135-CP), nằm tiếp giáp với trung tâm huyện Bắc Hà, có diện tích tự nhiên 2.354 ha, với 3.321 khẩu, thuộc 676 hộ, gồm 12 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 95%, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông... Nhân dân nơi đây có truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, song trước đây do trình độ dân trí hạn chế, còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, đường sá đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng rất yếu kém, người dân lại chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, nên trong nông nghiệp chỉ trồng ngô, lúa một vụ, chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp..., kinh tế - xã hội của xã thấp kém, lạc hậu, đời sống của nhân dân các dân tộc rất khó khăn, đói kém thường xảy ra.

Trước thực trạng trên, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Nhà nước, tỉnh, huyện, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện cho Đảng bộ xã Na Hối khắc phục khó khăn, yếu kém, lãnh đạo nhân dân đoàn kết, tìm cách phát huy nội lực và tìm hướng phát triển kinh tế đúng đắn. Đảng bộ xã Na Hối xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và để phát huy vai trò lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, trước tiên cần chú trọng xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh (trong nhiều năm liền đảng bộ đạt là đảng bộ trong sạch, vững mạnh), đặc biệt coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo trong phát triển kinh tế.

Xác định kết cấu hạ tầng lạc hậu là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Na Hối đã có nhiều biện pháp để phát triển kết cấu hạ tầng như: tranh thủ sự đầu tư từ Chương trình 135-CP, huy động sức dân,...

Xác định kết cấu hạ tầng thiếu thốn, lạc hậu là yếu tố ảnh hướng lớn nhất, hạn chế sự phát triển, do đó xã cần phải tranh thủ sự đầu tư, nhất là đầu tư từ Chương trình 135-CP, phải thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm hướng về cơ sở của Tỉnh ủy. Đảng bộ xã Na Hối rất coi trọng việc giám sát thực hiện đầu tư xây dựng, đặc biệt huy động sức dân tham gia xây dựng, kiên cố hóa kết cấu hạ tầng. Đến nay, xã huy động nhân dân tham gia hàng chục ngàn công lao động công ích, nhân dân hiến đất để mở đường, làm trường học, thực sự phát huy hiệu quả đầu tư vào các công trình đường sá, kênh mương, thủy lợi... Bên cạnh những việc làm trên, xã tín chấp cho các hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo vay nhiều tỉ đồng vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất, phục vụ nhân dân phát triển kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Đảng bộ xã khẳng định thế mạnh địa phương chủ yếu là phát triển kinh tế nông nghiệp, vì vậy, cần phải trước hết phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi bằng cách đưa giống mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tín chấp cho dân vay vốn ưu đãi. Xã đầu tư vào sản xuất, phát triển cây mận tam hoa, ngô hàng hóa, lúa giống mới và đậu tương cao sản, coi đây là "bốn cây chủ lực" và đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đó là hai khâu đột phá nhằm xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Đối với phát triển kinh tế, xã chủ động nắm vững điều kiện tự nhiên và xã hội, quy hoạch phát triển vùng, cây trồng và con vật nuôi hợp lý, nắm bắt thông tin, diễn biến thị trường để kịp thời chỉ đạo những thay đổi, tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn phù hợp, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức tốt các dịch vụ sản xuất, quan tâm đào tạo cán bộ quản lý kinh tế nông nghiệp, chủ động và phối hợp trong chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, coi trọng chỉ đạo các mô hình sản xuất điểm, nhân rộng và huy động sức dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, thi đua yêu nước để xóa đói, giảm nghèo.

Từ canh tác sản xuất 1 vụ/ năm, độc canh cây lúa, ngô giống cũ và chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, bà con các dân tộc Na Hối đã phá thế độc canh, trồng cây mận tam hoa thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đảng ủy xã Na Hối chỉ đạo nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng mận và cây mận đã thực sự đem lại nguồn thu nhập lớn, giúp nhiều hộ dân thoát đói nghèo, trở lên khá giả hơn. Na Hối trở thành vùng chuyên canh mận tam hoa số 1 của huyện Bắc Hà với diện tích gần 300 ha. Nhưng gần đây, do sự phát triển tràn lan của cây mận ở các tỉnh miền núi khác, giống mận suy thoái, đã làm giá mận giảm, đời sống của nhân dân lại gặp khó khăn. Trước muôn vàn thử thách, Đảng bộ xã Na Hối đã kịp thời tìm tòi hướng đi mới. Một mặt xã vận động nhân dân duy trì vùng chuyên canh mận, thực hiện cải tạo vườn mận tạp, trồng xen canh ngô, đậu tương và rau màu dưới tán mận; mặt khác, chỉ đạo các đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện và vận động nhân dân tích cực khai hoang, cải tạo đất, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phá thế độc canh, phát triển vùng chuyên canh ngô hàng hóa, lúa giống mới, đậu tương cao sản và chăn nuôi đại gia súc.

Hưởng ứng chủ trương đó nhiều đảng viên đã gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân tích cực khai hoang khẩn hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa giống ngô hàng hóa, lúa, đậu tương cao sản vào sản xuất, thực hiện thâm canh tăng vụ, xen canh gối vụ, trồng xen canh ngô, đậu tương dưới tán cây mận tam hoa, mở rộng diện tích vụ xuân... Một trong cách làm khác biệt của Na Hối so với nhiều xã vùng cao khác là, nhân dân duy trì hình thức "hợp công, đổi công" nên đã huy động được sức dân tập trung đoàn kết giúp đỡ nhau về lao động, vốn, giống sản xuất bảo đảm kịp thời vụ, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhân dân Na Hối đã có lương thực đầy đủ phục vụ cuộc sống, phục vụ chăn nuôi, ngoài ra còn thừa đem bán ra thị trường. Trong chăn nuôi, ngoài trâu, bò, ngựa, lợn, gà địa phương, nhân dân đã đưa bò lai sind, lợn lai móng cái, gà lương phượng, tam hoàng vào nuôi, đưa tổng lượng đàn vật nuôi tăng cao, tạo ra nguồn thực phẩm tiêu dùng dồi dào tại chỗ, thực phẩm hàng hóa và tận dụng được sức kéo cày, thồ, phân bón... phục vụ trồng trọt hiệu quả.

Nhờ tích cực vận động, hướng dẫn bà con sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi đúng hướng, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo đói, vươn lên khá giả. Điển hình là các hộ Vàng Văn Tỉnh, Vàng Văn Pao, Tráng Thị Lan... Tỷ lệ đói nghèo giảm còn dưới 10% (tính theo tiêu chí cũ), xóa bỏ nạn đói giáp hạt, nhân dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt, điện lưới quốc gia, nghe ra-đi-ô, xem vô tuyến, được chăm sóc sức khỏe, nhiều gia đình đã có khả năng mua được xe máy, máy xay xát, máy tuốt lúa, máy thái cỏ phục vụ sản xuất, trẻ em đến tuổi được đi học đầy đủ... Na Hối trở thành một trong sáu xã có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu của huyện Bắc Hà, có an ninh, trật tự xã hội luôn được giữ vững, ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay Na Hối vẫn đứng trước không ít khó khăn, mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, về xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo bền vững... Chẳng hạn, giá mận long đong lên, xuống thất thường đã làm giảm nguồn thu cho người dân Na Hối. Vì vậy, mong rằng Đảng, Nhà nước, ngoài việc quan tâm đầu tư cho chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đổi mới chỉ đạo quy hoạch phát triển kinh tế hợp lý, đồng bộ ở các địa phương. Về phía mình, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân duy trì cải tạo giống mận, trồng xen canh với ngô, đậu tương và rau màu, trồng thử nghiệm đào Pháp, lê xanh. Đồng thời mở rộng quy mô dịch vụ buôn bán hàng thổ cẩm, ẩm thực và loại hình du lịch văn hóa để phá thế thuần nông, phát triển nền kinh tế hàng hóa, xóa đói nghèo một cách bền vững.

Đảng bộ xã khẳng định thế mạnh của địa phương chủ yếu là phát triển nông nghiệp, vì thế đã lãnh đạo nhân dân trước tiên phải phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển những cây, con có lợi thế như mận tam hoa, ngô hàng hóa, lúa giống mới, đậu tương cao sản, phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Na Hối vốn nổi tiếng với nhiều lễ hội xuống đồng, cúng rừng, cơm mới của các dân tộc Tày, Nùng. Na Hối được du khách trong và ngoài nước biết đến qua các làn điệu dân ca Tày tha thiết, bồi hồi, và tình cảm; các điệu múa dân tộc Tày đặc sắc của những cô thôn nữ, trai bản mang tính chất truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và các món ăn đặc sản. Con người Na Hối lại hiền hòa, giàu lòng mến khách. Na Hối nằm sát trung tâm huyện và vùng du lịch văn hóa Mông Bản Phố. Đó là những tiềm năng để phát triển du lịch. Vì vậy, cùng với sự cố gắng nỗ lực của địa phương, mong rằng Nhà nước, tỉnh, huyện, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư vốn để xã có thể xây dựng làng văn hóa Tày Na Hối trở thành khu du lịch văn hóa vệ tinh hấp dẫn của Bắc Hà.

Từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Na Hối, Đảng bộ xã rút ra bài học kinh nghiệm: cần luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, luôn củng cố hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ một cách toàn diện trên các mặt, đặc biệt trong phát triển kinh tế. Có như vậy, mới phát huy được nội lực, đoàn kết nhân dân xây dựng quê hương ngày một ấm no, giàu đẹp.

Xác định kết cấu hạ tầng lạc hậu là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Na Hối đã có nhiều biện pháp để phát triển kết cấu hạ tầng như: tranh thủ sự đầu tư từ Chương trình 135-CP, huy động sức dân,...

Đảng bộ xã khẳng định thế mạnh của địa phương chủ yếu là phát triển nông nghiệp, vì thế đã lãnh đạo nhân dân trước tiên phải phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển những cây, con có lợi thế như mận tam hoa, ngô hàng hóa, lúa giống mới, đậu tương cao sản, phát triển chăn nuôi đại gia súc.