TCCSĐT - Đó là mục đích của Hội thảo khoa học mang chủ đề “Định hướng phát triển thông tin đối ngoại ở Việt Nam đến năm 2020” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Thành uỷ Thành phố Hồ Chí minh tổ chức ngày 27-12-2014.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ và PGS, TS. Trương Thị Thông, Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham dự và chủ trì Hội thảo.

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Hữu Cát cho biết: Để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam ra thế giới, đồng thời giúp cho người Việt ở nước ngoài, bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ tích cực sự nghiệp đổi mới, đấu tranh làm thất bại âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Vì vậy, mục đích của Hội thảo sẽ làm rõ hơn vai trò, ý nghĩa và những hạn chế của thông tin đối ngoại trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, theo đó sẽ đề xuất biện pháp, lộ trình cụ thể và định hướng cho Đảng, Nhà nước nói chung và Thành phố nói riêng để tiếp tục làm tốt công tác thông tin đối ngoại trước yêu cầu mới.

Tại Hội thảo, các tham luận, ý kiến phát biểu đều nhận định: Thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong nước và quốc tế sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức trong công tác thông tin đối ngoại; đồng thời với nhiều cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, đòi hỏi cần có định hướng phát triển thông tin đối ngoại một cách toàn diện cả về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện. Trong đó, phải chú ý đến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là cách mạng thông tin. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục chỉ đạo sát sao việc quán triệt trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và rất quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Song song đó, cần chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, đa dạng hoá phương thức hoạt động thông tin đối ngoại, thực hiện tốt phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp từng đối tượng” để phản ánh kịp thời, đầy đủ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, đặt trọng tâm vào thông tin phục vụ kinh tế đối ngoại, giới thiệu chính sách, quảng bá đầu tư, thương mại, du lịch, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính.

Nhiều tham luận và ý kiến rất quan tâm đến việc tăng cường thông tin trong nước đối với kiều bào ở nước ngoài. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin đối ngoại hướng tới kiều bào và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Thường xuyên tổ chức cho kiều bào tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mở rộng các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, trao đổi thông tin giữa người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước và ngược lại. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, đóng góp vào sự phát triển của đất nước

PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Công tác đào tạo cán bộ làm thông tin đối ngoại là một nhiệm vụ quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại. Vì thế, công tác này cũng cần được đặt trong tổng thể công tác cán bộ nói chung của Đảng và Nhà nước. Trong đó, phải xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, kỹ năng chuyên môn của đội ngũ hoạt động thông tin đối ngoại; khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lâu dài, mang tầm chiến lược.

Theo PGS, TS. Trương Thị Thông, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện giai đoạn hiện nay, công tác thông tin đối ngoại có vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng cả về nội dung và hình thức, đối tượng và địa bàn hoạt động. Trong đó, đáng chú ý nhất là, chúng ta đã thông tin kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như các vấn đề dư luận sở tại quan tâm về nước ta; về tình hình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta, góp phần tích cực vào việc giữ gìn ổn định chính trị - xã hội; cung cấp, thông tin về tình hình thế giới cho nhân dân trong nước; đấu tranh phản bác có hiệu quả những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội; góp phần củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước, các đảng cầm quyền, tổ chức quốc tế và khu vực; tiếp tục nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, PGS, TS. Trương Thị Thông lưu ý, so với yêu cầu của tình hình mới, công tác thông tin đối ngoại ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng và thành tựu của đất nước sau gần 30 năm đổi mới.

Thực tiễn tại đô thị lớn nhất nước, Ths. Lê Công Đồng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian quan công tác thông tin đối ngoại luôn được Đảng bộ và chính quyền Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm nên đã tạo sự đồng thuận xã hội, tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và kiều bào nước ngoài nên các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương luôn đạt yêu cầu, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công tác thông tin đối ngoại phải đối mặt với những tác động tiêu cực, bất thường của quá trình toàn cầu hoá và những mặt trái của kinh tế thị trường, đặc biệt là về văn hoá, tư tưởng, TS. Mai Hoài Anh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất: Thông tin và tuyên truyền đối ngoại về văn hoá phải đi trước một bước, phải thực sự là người lính xung kích mở đường. Theo đó, cần triển khai một cách cụ thể các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam với những thông điệp mang tính chuyên nghiệp về một dân tộc có bề dày văn hoá đặc sắc, lịch sử hào hùng, một đất nước có sức sống mãnh liệt, giàu tiềm năng, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới. Cùng với nhận định này, ThS. Nguyễn Chí Bảo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Hợp tác kinh tế đã trở thành một trong những nội dung chính trong các chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, công tác thông tin đối ngoại phục vụ ngoại giao kinh tế cần thực hiện tốt vai trò đột phá phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Cần hướng mạnh nội dung các chương trình hợp tác với các đối tác vào việc phục vụ tốt nhất sự phát triển của đất nước, qua đó tạo sự đan xen lợi ích nhiều hơn và xây dựng vị thế tốt nhất để phát huy lợi thế so sánh của nước ta trong hợp tác quốc tế./.