Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên

Đào Tấn Lộc Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên
14:08, ngày 26-04-2014

TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01-5-1904 - 01-5-2014), theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 26-4-2014 tại Phú Yên, Tỉnh ủy Phú Yên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên”. Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu bài đề dẫn Hội thảo.

Trong không khí phấn khởi của cả nước hướng về các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, hôm nay, tại địa phương nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, Tỉnh ủy Phú Yên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên”. Đây là một hoạt động quan trọng kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01-5-1904, tại thành An Thổ, thôn Long Uyên, tổng Hạ, phủ Tuy An, nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, thuộc tỉnh Phú Yên. Thân phụ của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ, một nhà nho yêu nước, nguyên quán xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi đậu Giải nguyên, cụ Trần Văn Phổ được cử làm giáo thụ tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1901, cụ được cử làm giáo thụ tại Tuy An, tỉnh Phú Yên, đưa cả gia đình vào sinh sống tại thành An Thổ - phủ lỵ phủ Tuy An thời bấy giờ và sinh hạ Trần Phú ở đây. Năm 1907, cụ Trần Văn Phổ được triều đình Huế bổ nhiệm làm tri huyện Đức Phổ. Cũng năm ấy diễn ra cuộc đấu tranh chống thuế của nông dân Trung Kỳ, mặc cho triều đình thúc ép phải thẳng tay đàn áp những người yêu nước, nhưng cụ không thực hiện mà đứng về phía nhân dân. Do quá uất ức trước sự đe dọa, bức bách của chính quyền thực dân, phong kiến, để tỏ thái độ phản kháng, cụ đã quyên sinh vào năm 1908.

Thân mẫu của đồng chí Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát, một người mẹ hiền hậu, tần tảo chăm sóc chồng con, bà mất khi Trần Phú mới được 6 tuổi (năm 1910). Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, nhưng được sự giúp đỡ của bà con, họ hàng, nên Trần Phú vẫn được đi học. Năm 1918, Trần Phú học xong bậc tiểu học tại Trường Pháp - Việt Đông Ba và tiếp tục học Trường Quốc học Huế. Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung, được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh (Nghệ An). Trong thời gian dạy học, Trần Phú tự học thêm tiếng Anh và tìm đọc những sách báo tiến bộ để nâng cao hiểu biết. Năm 1925, Hội Phục Việt (1) - một tổ chức yêu nước được thành lập ở Vinh, đồng chí đăng ký tham gia và trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức này.

Bước ngoặc trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào giữa năm 1926, đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia vào lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Khóa học đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản và lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để từ một thanh niên yêu nước, Trần Phú đã giác ngộ, chuyển sang lập trường của giai cấp vô sản.

Tháng 10-1926, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động, tích cực tuyên truyền quan điểm, đường lối cách mạng và ra sức vận động Ban lãnh đạo của Việt Nam cách mạng Đảng (2) hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Việc hợp nhất không thành, nhưng Ban lãnh đạo đã đồng ý đưa toàn bộ nội dung, chương trình, phương pháp theo cách thức của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào huấn luyện. Như vậy, đồng chí Trần Phú đã có công hướng tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng - một tổ chức của những người yêu nước tự phát, theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

Cuối năm 1926, biết tin đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động, mật thám Pháp ra sức truy lùng. Trước tình hình đó, tổ chức quyết định cử Trần Phú trở lại hoạt động ở Quảng Châu. Tại đây, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên cử sang Mát-xcơ-va theo học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.

Trong thời gian học tập ở Mát-xcơ-va (1927 - 1929), Trần Phú với bí danh Lý Quý, đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga. Theo thư giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được cử làm Bí thư Chi bộ của những người cộng sản Việt Nam đang học tại Trường Đại học Phương Đông. Sau khi tốt nghiệp, mặc cho Tòa án Nam Triều đã kết án tử hình vắng mặt, đồng chí vẫn quyết định trở về nước hoạt động. Trong khi đồng chí Trần Phú đang trên đường về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu tháng 02-1930, đồng chí Trần Phú vừa về đến Sài Gòn đã bị mật thám vây bắt, nên phải tiếp tục lên tàu qua Hồng Kông. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người thông báo về sự kiện thành lập Đảng, về tình hình cách mạng Đông Dương và những công việc sắp tới của Đảng.

Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú về tới Hà Nội; theo thư giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, tháng 7-1930, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, được phân công dự thảo Luận cương chính trị, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất. Để chuẩn bị cho dự thảo bản Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, vùng mỏ Quảng Ninh. Trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kết quả nghiên cứu thực tiễn, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành bản Luận cương chính trị và được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930).

Bản Luận cương chính trị của Đảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo tuy có một số hạn chế mang tính lịch sử, nhưng những vấn đề cốt lõi nhất về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, cơ bản thống nhất với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (ngày 03-02-1930). Điều đó khẳng định tính đúng đắn, nhất quán và xuyên suốt về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của Đảng từ khi thành lập đến nay. Đó là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đánh giá về ý nghĩa và giá trị lịch sử của bản Luận cương, Đảng ta sau này khẳng định: “Luận cương chính trị là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản”(3).

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930), Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, đã nghiên cứu, đánh giá tình hình cách mạng, kịp thời đưa ra chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn. Nhờ có sự điều chỉnh kịp thời, Đảng ta đã từng bước khắc phục sai lầm của tư tưởng “tả khuynh”, hẹp hòi, để lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.

Vô cùng hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng và uy tín của Đảng Cộng sản, kẻ thù đã ráo riết truy lùng người Tổng Bí thư trẻ tuổi, tài năng. Ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và giam tại Khám lớn - Sài Gòn. Mặc cho kẻ thù dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt, tra tấn dã man, Trần Phú vẫn một lòng kiên trung với Đảng, bình tĩnh, hiên ngang nhận mình là Tổng Bí thư, nhưng không hề để lộ bí mật của Đảng. Ngày 06-9-1931, Trần Phú trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi.

Kính thưa các đồng chí!

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đồng chí đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Tại Hội thảo này, Ban tổ chức đề nghị các vị đại biểu, các đồng chí, các nhà khoa học tập trung phân tích làm sâu sắc thêm một số vấn đề chủ yếu sau đây:

1. Những cống hiến của đồng chí Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức

Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930) đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng ta. Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức (thay Ban Chấp hành Trung ương lâm thời), bộ chỉ huy cao cấp của Đảng lần đầu tiên được kiện toàn về mặt tổ chức, có đủ đại diện của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, vai trò của Đảng ngày càng lớn mạnh và rộng khắp, uy tín của Đảng không những được nhân lên trong phạm vi cả nước mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong toàn cõi Đông Dương.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận của Đảng, tháng 12-1930, đồng chí Trần Phú và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xuất bản báo Cờ đỏTạp chí Cộng sản, đồng thời thành lập Ban tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Qua thực tiễn đấu tranh, số lượng đảng viên nhanh chóng tăng lên, từ hơn 300 đảng viên trong cả nước (ngày Đảng mới thành lập ngày 03-02-1930) đã lên tới 2.400 người vào đầu năm 1931 (4). Nhiều quần chúng yêu nước được giác ngộ, kết nạp vào Đảng qua đấu tranh thời kỳ cao trào 1930 - 1931; ảnh hưởng của Đảng trong phong trào quần chúng không ngừng được nâng cao. Đây là một cơ sở quan trọng để ngày 11-4-1931, trong phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI quyết định: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”(5). Tôi mong Hội thảo lần này chúng ta làm rõ hơn bối cảnh quốc tế và trong nước thời gian đầu đồng chí Trần Phú về nước nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư, tác động của Cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931); sự phát triển về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng ta trước và sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930) để qua đó làm sáng tỏ thêm vai trò và sự đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú.

2. Những đóng góp của đồng chí Trần Phú đối với việc xây dựng các tổ chức cách mạng của quần chúng

Sau khi về Sài Gòn, ngày 20-01-1931, Trần Phú đã chủ trì Hội nghị Trung ương bàn triển khai công tác vận động công nhân. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Công vận Trung ương do đồng chí trực tiếp làm Trưởng ban. Đây là một bước tiến mới trong công tác vận động công nhân và xây dựng tổ chức Công hội. Hội nghị Trung ương lần này cũng thông qua Nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động, nhưng do phong trào thanh niên chưa tiến kịp với những bước phát triển chung của phong trào cách mạng, nên tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản vẫn chưa được thành lập. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai (tháng 3-1931), Trần Phú và Trung ương Đảng nhận định: “Tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp, là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết”(6). Từ nhận định ấy, Hội nghị đã quyết định: “Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức những ủy viên tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức; tổ chức cơ quan báo chương về việc vận động của Đoàn và phải chỉ đạo cho các chi bộ mới thành lập của Đoàn bắt đầu hoạt động trong quần chúng thanh niên được những khẩu hiệu của thanh niên mà hiệu triệu quần chúng”(7). Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức Thanh niên Cộng sản thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Cũng từ đó, ngày 26-3, ngày Hội nghị kết thúc và thông qua Nghị quyết, được lấy làm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Cùng với việc ra các nghị quyết nói trên, trong khoảng từ tháng 10-1930 đến tháng 3-1931, nhiều nghị quyết và văn kiện về xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng như: Nông hội, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ... đã được Trần Phú và Trung ương Đảng soạn thảo, thông qua, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng trong những năm đầu Đảng ta vừa mới thành lập.

Tại Hội thảo lần này, đề nghị các nhà khoa học làm rõ thêm sự phát triển về đường lối của Đảng ta dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác vận động quần chúng, không chỉ tập trung vào giai cấp vô sản mà đã mở ra hướng vận động tập hợp nông dân, thanh niên, phụ nữ và các tầng lớp khác để càng thấy rõ thêm sự sáng tạo của Đảng ta và Tổng Bí thư Trần Phú trong điều kiện làm cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như ở nước ta.

3. Các phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú mà chúng ta cần học tập

Do cha mẹ mất sớm từ thuở ấu thơ, Trần Phú sớm hình thành nhân cách tự lập, có nghị lực trong cuộc sống và học tập, vượt qua mọi khó khăn để trưởng thành và cống hiến. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước được chứng kiến sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và phong trào nổi dậy của các tầng lớp nhân dân vào thế kỷ XX, Trần Phú đã chọn con đường hiến thân cho lý tưởng cao đẹp là chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngay từ khi còn là thầy giáo, bằng nhiệt huyết của mình, Trần Phú đã truyền cho các lớp học sinh tinh thần yêu nước và lôi cuốn họ vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, với mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, không áp bức, bất công. Sau khi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận Mác - Lê-nin và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, từ chủ nghĩa yêu nước, Trần Phú đến với lý tưởng cộng sản và quyết tâm hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.

Đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Suốt gần 5 tháng bị giam cầm, từ bót Pô-lô, bót Ca-ti-na rồi Khám Lớn Sài Gòn, mọi đòn roi và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù đều không khuất phục được người cộng sản kiên cường. Lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí trước lúc hy sinh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã truyền thêm sức mạnh cho đồng đội và sẽ còn vang vọng mãi, cổ vũ chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường cách mạng hôm nay. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”(8). Quốc tế Cộng sản cũng đã đánh giá cao đồng chí Trần Phú: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Cộng sản Đông Dương”(9).

Tại Hội thảo lần này, đề nghị các nhà khoa học làm rõ hơn quá trình vượt qua khó khăn để học tập của Trần Phú từ sau khi cha mẹ mất đến lúc trở thành một thầy giáo, quá trình trưởng thành về tư tưởng của đồng chí từ một thanh niên yêu nước cho đến một nhà cách mạng. Và bên cạnh phẩm chất tuyệt đối trung thành, kiên cường, bất khuất, còn phẩm chất cao quý nào khác mà chúng ta phải học tập thêm nữa ở Người?

4. Về nơi sinh, quê quán và dòng tộc của Trần Phú

Chúng ta đều biết mỗi người đều có quê quán, gia đình và nơi sinh ra mình. Các yếu tố này đều góp phần tác động vào tình cảm, tư tưởng, nhân cách, vào sự trưởng thành hay nói rộng hơn là vào sự nghiệp của từng người và ngược lại, sự nghiệp của mỗi người đều có tác động nhất định đến nơi sinh thành, quê quán, gia đình, dòng tộc của mình.

Trong Hội thảo lần trước tại Hà Tĩnh và qua các nghiên cứu, chúng ta đã làm rõ bối cảnh của đất nước, truyền thống lịch sử - văn hóa của quê quán Hà Tĩnh tác động đến sự ra đời của Trần Phú; một số nghiên cứu cũng đã bước đầu đề cập đến nơi sinh Phú Yên. Ở đây, tôi muốn cung cấp thêm một số thông tin khái quát về Phú Yên - địa phương nơi Trần Phú chôn nhau cắt rốn.

Tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển gắn liền với quá trình mở đất về phương Nam của dân tộc. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã bình định về phương Nam đến núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), nhưng do quá xa xôi, nên vẫn chưa đưa dân lập ấp đến vùng này. Năm 1597, vua Lê Quang Hưng lệnh cho Tổng Trấn Nguyễn Hoàng sai Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh chiêu mộ dân Thanh - Nghệ, Thuận - Quảng vào khai phá vùng đất mới này. Từ đó, người Việt (Kinh) cùng người Chăm, Ba Na, Ê-đê tại chỗ cùng nhau gắn bó đoàn kết xây dựng vùng này ngày càng trù phú, hình thành làng xóm ruộng đồng. Trên cơ sở đó, năm 1611, phủ Phú Yên được thành lập gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Từ đây, vùng đất Phú Yên hòa mình cùng dòng chảy lịch sử dân tộc với tư cách là một đơn vị hành chính cấp tỉnh và luôn có một vị thế quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là phên dậu phía Nam của Tổ quốc từ năm 1611 đến năm 1698 với vai trò Trấn Biên Dinh, nhiều người con Phú Yên di chuyển về phương Nam mở mang bờ cõi lưu lại tên tuổi trong lịch sử như Nguyễn Thị Rịa (Bà Rịa), Nguyễn Công Nhàn.

Phú Yên là vùng đất giao lưu văn hóa hòa quyện giữa các dân tộc Kinh -Thượng trên địa bàn, đã từng có nữ chúa người Chăm là Thị Hỏa đưa voi, ngựa, quân đến giúp nhà Tây Sơn lật đổ nhà Nguyễn Đàng trong từ thập kỷ 1770, đã từng có thủ lĩnh Săm Brăm khởi nghĩa chống Pháp trên một vùng miền Tây rộng lớn. Cuối thế kỷ XIX, nhiều nhà yêu nước đã khởi nghĩa chống Pháp: Lê Thành Phương (năm 1885), Nguyễn Hào Sự (năm 1890), Võ Trứ, Trần Cao Vân (năm 1898)… tuy cuối cùng bị Thực dân Pháp và tay sai dìm trong biển máu, song tinh thần bất khuất và hào khí “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” ấy đã làm bao thế hệ người Phú Yên sau này luôn tự hào ngẩng cao đầu cùng đất nước.

Bước sang thế kỷ XX, hòa mình cùng dòng chảy hào hùng của lịch sử, vùng đất Phú Yên chứng kiến sự hội tụ của khí thiêng sông núi, anh linh của các bậc tiền nhân với truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp đã hun đúc sản sinh ra một nhân vật lịch sử - cậu bé Trần Phú, sau này là vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Ông sinh ra vào ngày 01-5-1904 tại thành An Thổ, thôn Long Uyên, tổng Hạ, phủ Tuy An nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thành An Thổ nguyên là tỉnh lỵ Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899, sau đó do tỉnh lỵ Phú Yên dời ra Sông Cầu nên đã chuyển thành phủ lỵ phủ Tuy An cho đến năm 1939. Mảnh đất Long Uyên - An Dân nằm giữa sông Cái Tuy An - nơi chôn nhau cắt rốn của Trần Phú - là một nơi sơn thủy hữu tình, địa linh nhân kiệt. Phía Đông Bắc có vịnh Xuân Đài, phía Đông có Gành Đá Dĩa, phía Đông Nam có đầm Ô Loan… đều là những danh thắng cấp quốc gia. Bên kia sông Cái về phía Nam có chùa Châu Lâm nơi phát tích của Tổ sư Liễu Quán, có nhà thờ Mằng Lăng với thánh tích Á thánh André Phú Yên. Ngày trên đất xã An Dân, ngoài di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia Thành An Thổ, còn có chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng) với quần thể cây xoài “tiến vua” được công nhận là di sản quốc gia và di tích bến đò Cây Dừa cách thành An Thổ chỉ 1,5 km về phía Nam, nơi chí sĩ Lê Thành Phương lẫm liệt hy sinh đúng 17 năm trước khi Trần Phú cất tiếng khóc chào đời.

Sau khi Đảng ta thành lập ngày 03-02-1930, Phú Yên là nơi sinh ra Tổng Bí thư Trần Phú nên tư tưởng cách mạng của Đảng sớm đến với vùng này. Điểm trùng hợp khá lý thú là vào tháng 10-1930, thời điểm mà đồng chí Trần Phú trình bày Luận cương chính trị tại Ban Chấp hành Trung ương và nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư Đảng ta, thì ở Phú Yên, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên cũng ra đời tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân. Từ những hạt giống đỏ ban đầu đó, sức sống cách mạng lan tỏa nhanh chóng trong toàn tỉnh, đến tháng 10-1931, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư đã thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh Phú Yên luôn phát triển mạnh mẽ, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền, đến 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, sau đó 21 năm chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ ác liệt, nhân dân Phú Yên vẫn một lòng theo Đảng, vượt qua mưa bom bão đạn, biết bao cảnh tử biệt sinh ly, nhà tan cửa nát, cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng quê hương ngày 01-4-1975, góp phần giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, quân dân tỉnh Phú Yên, tất cả 9 huyện, thị, thành phố, hơn 72% số xã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng để có được niềm tự hào ấy, Đảng bộ và quân dân Phú Yên cũng phải trả giá vô cùng to lớn, trong đó có nhiều mất mát và niềm đau cho đến nay gần 40 năm sau ngày giải phóng vẫn chưa bù đắp được.

Từ sau ngày giải phóng, nhất là sau ngày tái lập lại tỉnh Phú Yên (ngày 01-7-1989), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên ra sức khôi phục sau chiến tranh, xây dựng và phát triển các mặt tỉnh nhà. Tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm qua đạt trên 10%/năm, kết cấu hạ tầng xây dựng ngày càng đàng hoàng hơn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, văn hóa - xã hội nhiều mặt phát triển, an ninh quốc phòng ngày càng được tăng cường và củng cố, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc hơn. Tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị ngày càng được kiện toàn. Đến nay, 100% thôn, buôn, khu phố, trường học, trạm xá toàn tỉnh đều có chi bộ Đảng, nội bộ Đảng đoàn kết, giữ vững vai trò lãnh đạo và được nhân dân tin tưởng.

Tuy vẫn còn không ít hạn chế và khuyết điểm, nhiều vấn đề đòi hỏi Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị phải chỉnh đốn, khắc phục một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, song có thể nói những thành quả làm được gần 25 năm qua từ sau ngày tái lập tỉnh là rất to lớn, tạo tiền đề quan trọng cho Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.

Tôi đề nghị trong Hội thảo lần này, các nhà khoa học và các đại biểu - nhất là các đồng chí có trách nhiệm ở Phú Yên và Hà Tĩnh - làm rõ thêm về tác động của các yếu tố truyền thống lịch sử văn hóa, xã hội, thiên nhiên của vùng đất nơi sinh ra và của quê hương dòng tộc đối với Trần Phú, cũng như tác động từ sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân của hai địa phương Phú Yên, Hà Tĩnh.

Cuối cùng, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, tôi chân thành cảm ơn các vị đại biểu, các nhà khoa học đã đến dự Hội thảo khoa học “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên”. Chúng tôi mong muốn và hy vọng các nhà khoa học, các vị đại biểu sẽ cung cấp những thông tin mới, tư liệu mới về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng tuy ngắn ngủi, nhưng vô cùng sinh động, phong phú và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú để chúng ta có được những kết quả nghiên cứu khoa học toàn diện về đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Kính chúc các vị đại biểu và các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo chúng ta thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn./.

------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hội Phục Việt thành lập ngày 14-7-1925 tại thành phố Vinh - Nghệ An. Tháng 12-1925, đổi tên thành Hội Hưng Nam; đến tháng 7-1926, đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng; tháng 01-1930 đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, 1 trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam

(2) Từ tháng 7-1926, Hội Hưng Nam đã đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng

(3) Điếu văn do đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân dân, ngày 13-01-1999

(4) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (sơ thảo), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1981, t. 1, tr. 150

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 3, tr. 309

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t. 3, tr. 91

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t. 3, tr. 99

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 11, tr. 255

(9) Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh: Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 4, năm 1932, tiếng Nga, tr. 67 - 68