TCCSĐT - Hội thảo khoa học cấp Nhà nước do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức ngày 20-3-2014 tại tỉnh Điện Biên. Hội thảo nhận được hơn 60 tham luận của các vị lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội...

 
 Thượng tướng Nguyễn Thành Cung gặp gỡ các cựu chiến binh và nhân chứng lịch sử

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung cho biết, cách đây 60 năm, ngày 13-3-1954, trên chiến trường Tây Bắc lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch cùng các lực lượng vũ trang cách mạng đã nổ súng mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường gian khổ, Chiến dịch đã kết thúc toàn thắng. Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của nhân dân Việt Nam và thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dấu mốc bằng vàng. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”. Chiến thắng lịch sử này đã đưa đến thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 buộc thực dân Pháp công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung cho biết, Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” được tổ chức nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và làm sáng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nghệ thuật tổ chức bảo đảm hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch; khẳng định vai trò và đóng góp to lớn của các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trực tiếp là lực lượng tham gia chiến dịch và đồng bào các dân tộc Tây Bắc; đồng thời làm sáng tỏ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trận quyết chiến chiến lược của toàn dân tộc, qua đó thấy được tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng, đúc kết những bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ nhiệm chính trị Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Mai Quang Phấn cho biết, vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, thực hiện đường lối kháng chiến chống Pháp, giải phóng dân tộc, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch, giành thắng lợi quan trọng, đã giam chân và tiêu hao nhiều sinh lực địch, từng bước đẩy quân đội Pháp vào thế bị động, lúng túng, bất ngờ. Nhận rõ tình thế thất bại tại Đông Dương, được sự giúp đỡ và hậu thuẫn của Mỹ, vào giữa năm 1953, Chính phủ Pháp chỉ định tướng Na-va làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thay tướng Xa-lăng với chủ trương giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng. Thực hiện phương châm đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời và trở thành hệ thống phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Thực dân Pháp coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài bất khả xâm phạm”, là nơi thu hút, giam chân và “nghiền nát” các lực lượng chủ lực của ta.

Trung tướng Mai Quang Phấn đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ những vấn đề như: 

Thứ nhất, bối cảnh chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Đông Xuân 1953 - 1954, sự hình thành tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; 

Thứ hai, những chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn và tài thao lược của Đảng; nghệ thuật chỉ đạo, điều hành và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh để giành thắng lợi trong chiến dịch; 

Thứ ba, đi sâu phân tích quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy chiến dịch, trong đó có vai trò của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; vai trò Đảng bộ các địa phương trong công tác chuẩn bị và thực hành kế hoạch tác chiến; sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc với các chiến trường khác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; 

Thứ tư, quá trình hình thành và liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương - Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 

Thứ năm, đánh giá đúng tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường của quân và dân ta để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên Lò Mai Trinh cho rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua tròn 6 thập kỷ, nhưng tính thời sự, tầm ảnh hưởng còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau. Bảo tồn, phát huy, tôn vinh những giá trị lịch sử của chiến thắng này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Vinh dự, tự hào được sống và làm việc trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, là “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc. 

Hơn 60 tham luận gửi tới Hội thảo thống nhất khẳng định: chiến thắng Điện Biên Phủ hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc. Đó là sự lãnh đạo và điều hành chiến tranh tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự đóng góp sức người, sức của của đông đảo nhân dân, sự phối hợp đắc lực và có hiệu quả của quân và dân trên khắp các chiến trường; tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí của các lực lượng vũ trang, sự mưu lược của người chỉ huy chiến dịch; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…/