TCCSĐT - Hội nghị lần thứ ba Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 09 đến ngày 12-11-2013, tại Thủ đô Bắc Kinh, với chủ đề: “Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định một số vấn đề trọng đại về cải cách sâu sắc và toàn diện” nhằm mục đích phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Nội dung Hội nghị được đánh giá sẽ tạo nên “cuộc cải cách lớn nhất, toàn diện nhất kể từ sau Hội nghị Trung ương ba khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1978; cuộc cải cách lần này được tiến hành rộng rãi với sức mạnh lớn và chưa từng có tiền lệ; chắc chắn cuộc cải cách sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những thay đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực khác,...”(1).

Vài nét về bối cảnh Trung Quốc hiện nay

Hội nghị Trung ương ba khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Hội nghị Trung ương ba) diễn ra sau một năm từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII. Đồng thời, cũng là một năm sau khi thế hệ lãnh đạo thứ 5 lên lãnh đạo đất nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc vẫn là quốc gia có mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, với biên độ từ 8% - 9%/năm. Vị thế quốc gia về chính trị, ngoại giao, quân sự ngày càng được tăng cường trên trường quốc tế. Song cũng có thể thấy, sau ba thập niên phát triển liên tục ở mức tăng trưởng cao, những năm gần đây đã bộc lộ một số dấu hiệu giảm sút và chững lại. Mặc dù kinh tế Trung Quốc quý III-2013 đã lấy lại đà tăng trưởng đạt mức 7,8%, bằng với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,8% năm 2012, song có thể thấy, đây là giai đoạn tăng trưởng thấp nhất trong những năm vừa qua (năm 2008 đạt 9,6%, năm 2009 đạt 9,2%, năm 2010 đạt 10,4%, năm 2011 đạt 9,3%) (2). Mặt khác, trong tốc độ tăng trưởng 7,8% thì đầu tư đóng góp tới 4,3%, vượt tiêu dùng 0,8%. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, hệ lụy tăng trưởng tín dụng nóng trước đây, địa phương nợ cao và xuất khẩu suy giảm đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ nợ trên GDP Trung Quốc đã lên cao khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục vượt tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2013, “Tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước là 87.925,5 tỷ nhân dân tệ, tăng 13,2%, nợ tích lũy 57.425,9 tỷ nhân dân tệ, tăng 13,8%. Vốn chủ sở hữu 30.526,6 tỷ nhân dân tệ, tăng 12%. Tổng tài sản của doanh nghiệp trung ương 47.049,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,8%, nợ tích lũy 30.867,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 11,2%; vốn chủ sở hữu là 16.181,9 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,1%. Tài sản doanh nghiệp nhà nước tại địa phương tính lũy là 40.903,3 tỷ nhân dân tệ, tăng 16,1%; nợ tích lũy 26.558,6 tỷ nhân dân tệ, tăng 17,1%”(3). Việc này càng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về tình trạng nợ xấu trong ngân hàng. Theo số liệu chính thức, 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã có thêm 22,4 tỷ nhân dân tệ nợ xấu trong nửa đầu năm, nâng tổng số nợ xấu lên 305 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1% các khoản vay. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính trong 4 năm qua Trung Quốc đã phát sinh thêm khoảng 3.000 tỷ USD nợ xấu.

Sự tăng trưởng dựa trên mô hình phụ thuộc vào đầu tư, sau nhiều năm tăng trưởng nóng và nguồn lực tài nguyên được khai thác tối đa, những năm gần đây đã bão hòa và giảm tốc độ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn định… Những dữ liệu kinh tế tích cực trong vài năm qua chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu Chính phủ, các khoản vay ngân hàng và xuất khẩu. Việc triển khai mô hình tăng trưởng và phát triển hài hòa (tăng trưởng, phát triển bền vững) vẫn là một trong những mục tiêu khó khăn đối với quốc gia có dân số lớn nhất thế giới này. Nó cũng làm cho mục tiêu phát triển Trung Quốc thành một xã hội thịnh vượng vào năm 2020 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra càng trở nên khó khăn hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, trong khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tham nhũng và gia tăng xung đột xã hội, đưa đất nước đông dân nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước những khó khăn nhất định.

Về hệ thống quản lý của Đảng và Chính phủ, sau hơn ba thập niên tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đã tích lũy sự giàu có và cũng tạo ra các nhóm lợi ích với sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương. Nhận thức được những nhóm lợi ích này có thể tổn hại tới tăng trưởng bền vững, gia tăng khoảng cách phân hóa giàu nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thời gian qua, lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực mạnh tay lập lại kỷ cương, tăng cường sự lãnh đạo, thanh tra, kiểm tra của Đảng, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương ba được cho là một bước ngoặt mạnh mẽ với nhiều chính sách cải cách sẽ được thực hiện quyết liệt.

Mục tiêu cải cách của Hội nghị Trung ương ba

Hội nghị Trung ương ba xác định cải cách thể chế kinh tế là trọng điểm của cải cách sâu sắc và toàn diện, trọng tâm là xử lý tốt mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, làm cho thị trường phát huy vai trò quyết định trong phân phối tài nguyên và làm cho chính phủ phát huy tốt hơn vai trò của mình. Mục tiêu cải cách chủ yếu từ đây đến 2020 đã được thông qua, tập trung ở một số nội dung sau:

Một là, về mục tiêu tổng quát là “cải cách sâu sắc toàn diện, hoàn thiện và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa quản lý và hệ thống quản lý nhà nước”(4).

Hai là, giữ vững vai trò quyết định của thị trường trong việc phân phối tài nguyên, trong cải cách lấy cải cách kinh tế là trọng điểm, toàn diện và sâu sắc; vấn đề trọng tâm là xử lý tốt mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường, làm cho thị trường giữ vai trò quyết định trong phân phối tài nguyên và phát huy tốt vai trò của Chính phủ. Xây dựng hệ thống thị trường cạnh tranh có trật tự và mở cửa.

Ba là, thể chế tài chính thuế quan được cải cách sâu sắc. Hoàn thiện chế độ lập, xác định thực quyền, cải cách và ổn định thuế, tài chính được dự thảo rõ ràng và nâng cao hiệu quả, xây dựng thể chế tài chính thuế quan hiện đại, phát huy tính tích cực của chính quyền trung ương và địa phương, cải tiến chế độ quản lý dự toán, hoàn thiện chế độ thu thuế, xây dựng quyền và trách nhiệm chi tiêu hợp lý.

Bốn là, xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát hành xử công chính độc lập theo quy định của pháp luật. Giữ gìn, bảo vệ vai trò, tính pháp chế của hiến pháp và pháp luật; cải cách sâu sắc thể chế chấp hành pháp chính, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát hành xử công chính độc lập theo quy định pháp luật; kiện toàn cơ chế vận hành quyền lực pháp lý, hoàn thiện chế độ bảo hộ tư pháp nhân quyền.

Năm là, giao cho nông dân nhiều quyền tài sản. Thành lập thị trường đất đai thành thị và nông thôn thống nhất. Nhanh chóng xây dựng hệ thống kinh doanh nông nghiệp kiểu mới, đẩy mạnh yếu tố thành thị nông thôn bình đẳng về giao nhận và phân phối bình quân tài nguyên công cộng, hoàn thiện cơ chế, thể chế xây dựng và phát triển các thành phố và thị trấn.

Sáu là, kích thích các nguồn lực tổ chức xã hội... và hóa giải các mâu thuẫn xã hội, kiện toàn hệ thống an toàn công cộng.

Bảy là, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường sinh thái được hoạch định và thực thi... Thực hiện chế độ sử dụng tài nguyên có bù đắp và chế độ bồi thường sinh thái, cải cách thể chế quản lý bảo hộ môi trường sinh thái.

Tám là, cải cách điều chỉnh biên chế và thể chế, chính sách quân đội; thúc đẩy phát triển sâu sắc hòa hợp mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu trên, Hội nghị Trung ương ba quyết định thành lập Ủy ban cải cách Trung ương có trách nhiệm thiết kế kế hoạch cải cách tổng thể, bảo đảm tính hài hòa, đẩy mạnh cải cách toàn diện và sâu sắc, đôn đốc một cách quyết liệt và bảo đảm tính vững chắc của quá trình thực hiện; thành lập Ủy ban an toàn quốc gia (hay gọi là Ủy ban an ninh quốc gia), hoàn thiện thể chế an toàn quốc gia, chiến lược an toàn quốc gia và bảo đảm an toàn đất nước.

Nhận định một số nội dung cải cách chủ yếu

Ngoài những tín hiệu truyền thông nhà nước phát đi, cho đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa đưa ra chi tiết cụ thể về nội dung cải cách lần này. Song giới nghiên cứu cho rằng, nội dung cải cách được hình thành chủ yếu được đúc kết từ “Đề án cải cách 383”. Đề án này được Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc xây dựng và công bố ngày 01-10-2013 (Đúng ngày kỷ niệm 65 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). “Đề án cải cách 383” được những nhà chiến lược của Trung Quốc đưa ra với mục đích cải cách và phát triển nền kinh tế Trung Quốc cho đến năm 2020, với nội dung trọng tâm được đúc kết là “Tư duy cải cách 3 trong 1, 8 lĩnh vực cải cách trọng điểm, 3 nhóm giải pháp cải cách liên quan”(5). Trong đó, ba nhóm cải cách chính được xác định là: Tự do hóa thị trường, khuyến khích sáng tạo và cạnh tranh, tăng minh bạch Chính phủ. Tám lĩnh vực trọng điểm cần cải cách sâu rộng đó là: các doanh nghiệp nhà nước/ngành độc quyền, đất đai, tài chính, thuế và ngân sách, mở cửa, điều hành chính phủ, quản lý tài sản công, phát triển và sáng tạo.

Các nhà nghiên cứu và phân tích cho rằng, đưa ra tám lĩnh vực trên, Trung Quốc tập trung thực hiện cải cách nhằm giữ cỗ máy kinh tế vận hành trơn tru, ổn định và có hiệu quả, bảo đảm tốc độ phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu thực tiễn quá trình phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc trong những năm vừa qua có thể thấy, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, dù đã được đề cập nhiều lần, nhưng mức độ cải cách vẫn rất nhỏ, nguyên nhân chủ yếu do sự kháng cự của các nhóm lợi ích. Doanh nghiệp nhà nước là một trong các khu vực hưởng lợi nhiều nhất từ tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm vừa qua. Đáng chú ý nhất là các ngân hàng quốc doanh (SOB) lớn đã ồ ạt cho vay ra trong những năm gần đây, khiến các cơ quan quản lý và giới nghiên cứu kinh tế lo ngại có một khối nợ xấu đang được tính tụ và tồn tại, và khối nợ xấu này tiềm ẩn và có thể bộc phát nguy cơ bất ổn bất cứ lúc nào. Hiện, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, viễn thông, dầu khí... Nhiều người cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước đang làm hao tổn nguồn lực quốc gia do công suất dư thừa và quản trị chưa thật sự hiệu quả. Cũng có những lo ngại các doanh nghiệp nhà nước tạo ra độc quyền, cản trở tăng trưởng, được nhiều lợi thế cạnh tranh so với khu vực tư nhân, có thể dễ dàng tiếp cận nguồn lực từ các ngân hàng nhà nước trong kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc.

Về hộ khẩu và chế độ một con trong chính sách dân số tồn tại những bất cập. Người dân tìm cách “lách rào” để có thể có nhiều hơn một con, những ảnh hưởng của tư tưởng muốn có con trai mà hệ lụy là mang thai bé gái bị phá bỏ, mất cân bằng giới, dân số già… Bên cạnh đó, chính sách về hộ khẩu cũng bị phản ứng cho là ngăn chặn người di cư nông thôn và con cái của họ tiếp cận các dịch vụ xã hội các thành phố. Các thành phố lớn vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ hệ thống hộ khẩu nhằm hạn chế tăng dân số và các vấn đề xã hội liên quan. Điều này được cho rằng đã tạo ra một tầng lớp dưới trong các thành phố lớn, mâu thuẫn với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là xây dựng một xã hội công bằng. Với việc cải cách chính sách hộ khẩu sẽ tác động đến hàng trăm triệu người dân lao động trong làn sóng di cư từ nông thôn ra đô thị ở Trung Quốc.

Về đất đai, hiện đất đai ở Trung Quốc vẫn là sở hữu toàn dân và sở hữu có chọn lọc, vì vậy người dân không thể bán đất hay mua đất đai. Các chính quyền địa phương thông qua các dự án giải phóng mặt bằng bán lại cho các nhà đầu tư, nông dân chỉ có quyền sử dụng trên mảnh đất mà không thể bán trực tiếp cho các nhà phát triển bất động sản, các doanh nghiệp, nên đã tạo ra xung đột, bức xúc xã hội. Cải cách vấn đề này, “Đề án cải cách 383” đưa ra “bình đẳng về quyền đất đai đối với cả nông thôn và thành thị, xây dựng một thị trường đất đai thống nhất và phân bổ quyền công bằng hơn khi giá đất tăng”(6). Cải cách ruộng đất cũng là biện pháp tháo gỡ nút thắt, tình trạng đất đai phân tán, nhỏ lẻ để tích tụ, tập trung đất nhằm thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, mà Trung Quốc xác định chỉ có hiện đại hóa nông nghiệp mới có hiện đại hóa quốc gia trong Nghị quyết “Tam Nông” gần đây.

Đối với cải cách tài chính, cho đến nay Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát tài chính ở một số khu vực, như việc thành lập Khu mậu dịch tự do Thượng Hải (từ 29-9-2013), nhằm tiến hành thí điểm, thử nghiệm các biện pháp cải cách mới, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, việc cải cách chính trên quy mô quốc gia bị lo ngại sẽ làm cho nền kinh tế dễ ảnh hưởng trước những chuyển động đột ngột của các thị trường vốn. Việc nới lỏng kiểm soát đối với đồng nhân dân tệ sẽ làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa xuất khẩu, khiến xuất khẩu hàng hóa, là nhân tố quan trọng mang tính đầu tàu của nền kinh tế sẽ kém sức cạnh tranh.

Cải cách ngân sách địa phương là một trong những lĩnh vực cấp bách. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra toàn quốc tất cả các khoản nợ của chính quyền địa phương. Chính phủ cũng xác nhận sẽ đưa ra “các biện pháp thích hợp” để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, theo giới quan sát đánh giá, việc thực hiện bất kỳ chính sách thuế nào ở cấp chính quyền địa phương cũng là việc không ít khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản do lo sợ thuế tiêu thụ có thể làm tổn hại đến tăng trưởng GDP.

Về vấn đề năng lượng, Trung Quốc cũng đã bắt đầu cải tổ cơ chế định giá năng lượng, với mục tiêu để thị trường quyết định giá bán. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa các nhà máy điện sẽ dễ bị ảnh hưởng trước sự lên xuống của giá cả.

Đối với môi trường sinh thái, sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc trong thời gian qua đã để lại những vấn đề môi trường nghiêm trọng, như ô nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tài nguyên suy giảm… Chính phủ có các biện pháp, các khoản trợ cấp cho thiết bị sử dụng các nguồn năng lượng mới như điện, mặt trời,… thay thế cho việc dùng nhiên liệu hóa thạch truyền thống; các biện pháp thực bảo vệ môi trường sinh thái nhằm bảo đảm phát triển hài hòa.

Với những lĩnh vực được xác định cải cách, Trung Quốc đặt quyết tâm nhất định phải tăng cường chú trọng cải cách tính hệ thống, tính tập thể, tính hài hòa. Ra sức phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phát triển nền chính trị dân chủ, văn hóa hiến pháp, xã hội hài hòa, văn minh sinh thái, làm cho toàn bộ người dân từ nông thôn, trí thức, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà tư bản ra sức cạnh tranh để phát triển, làm cho toàn bộ sức sáng tạo của toàn xã hội được phát huy cao nhất, để thành quả của phát triển được chia công bằng cho toàn thể nhân dân.

Cải cách và mở cửa là sự lựa chọn quan trọng được kiên trì thực hiện trong suốt 35 năm qua, công cuộc cải cách đã đem lại những thành tựu to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu cho Trung Quốc. Tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách được xác định trong lần cải cách “sâu sắc và toàn diện” này, nhằm cải cách thể chế kinh tế được coi là quyết định vận mệnh Trung Quốc đương đại, được cho là quyết sách mạnh mẽ và quyết liệt, thực hiện “xã hội khá giả” và từng bước hiện thức hóa “Giấc mơ Trung Quốc”./.
----------------------------------------
1. Du Chính Thanh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính pháp Nhân dân Trung Quốc phát biểu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CTTV1) ngày 7-11-2013 về Hội nghị Trung ương ba
2. Xem: Cổng thông tin điện tử Quốc vụ viện Trung Quốc: http://www.gov.cn/gzdt/2013-02/22/content_2338098.htm

3. Xem: Cổng thông tin điện tử Quốc vụ viện Trung Quốc: http://www.gov.cn/gzdt/2013-10/21/content_2511005.htm

4. Lưu Văn Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương: “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối công cuộc cải cách sâu sắc và toàn diện”, Nhân dân nhật báo, số ra ngày 19-11-2013

5. Xem: “Đề án cải cách 383”: http://bbs1.people.com.cn/post/2/0/2/134576860.html

6. Xem: “Đề án cải cách 383” đã dẫn