TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01-01-1914 - 01-01-2014), sáng 19-12, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” sẽ diễn ra ngày 26-12-2013.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đảng viên cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với nhân dân; một nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà chiến lược chính trị - quân sự và vị chỉ huy xuất sắc của quân đội, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Chí Thanh là tên do Bác Hồ đặt cho nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Vịnh (tên thật của đồng chí) ngay trong thời gian đồng chí ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (8-1945). 

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh sinh ngày 01-01-1914, trong một gia đình bần nông tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhỏ đồng chí đã có tinh thần yêu nước, năm 17 tuổi đồng chí đã cùng thanh niên tá điền đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương. Tháng 7-1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên ở địa phương, rồi trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 8-1945, đồng chí được Trung ương chỉ định là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Từ năm 1947 đến năm 1950, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên và Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Năm 1950, đồng chí được điều động vào Quân đội, giữ chức Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tại Đại hội II (tháng 2 - 1951) và Đại hội III (tháng 9-1960) của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ cuối năm 1960, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí được điều động trở lại quân đội, đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Năm 1967 đồng chí đột ngột từ trần. 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn thể hiện là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, đầy nhiệt huyết cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và là tấm gương tiêu biểu về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong thời gian bị địch tù đày, dù bị tra tấn bằng nhiều cực hình dã man nhưng đồng chí luôn kiên cường, giữ vững chí khí bất khuất của người cộng sản. Trong 10 năm, từ năm 1950 đến năm 1960, khi giữ chức Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng chí luôn thể hiện là một hình ảnh mẫu mực về tinh thần tận tụy, tuyệt đối trung thành, toàn tâm, toàn ý hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, đặc biệt là vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội mà đồng chí đề xướng cách đây hơn 50 năm về cơ bản đã được tiếp thu và hoàn chỉnh khi Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ra nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội.

Đồng chí cũng là nguời chiến sỹ tiêu biểu về giác ngộ mục tiêu, lý tưởng cộng sản, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, là người học được rất nhiều lời dạy của Bác Hồ, là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân và những thói hư tật xấu… Đồng chí tiêu biểu cho một thế hệ cán bộ năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động, nhất quán giữa nói và làm, kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn,…

Những đóng góp của Đại tướng đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta trên các lĩnh vực có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện Đại tướng là người có tầm tư tưởng cao và lý luận sắc bén.

* Cùng ngày, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã khai mạc Triển lãm “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Cuộc đời và sự nghiệp”. Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu với 4 chủ đề: Quê hương và tuổi thơ; Nhà chính trị quân sự lỗi lạc; Vị Đại tướng của nông dân; Trọn nghĩa vẹn tình (trưng bày những hình ảnh về Đại tướng trong cuộc sống đời thường…). 

Triển lãm là một hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng nhằm tôn vinh và tri ân những công lao to lớn của đồng chí đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Triển lãm cũng góp phần giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay./.