Báo cáo định kỳ sáu tháng về tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cảnh báo về tình trạng giá lương thực và nhiên liệu tăng cao trên thế giới và cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang là những khó khăn và thách thức đối với sự tăng trưởng kinh tế của khu vực Ðông Á.

Từng đưa ra khái niệm "Đông Á đang lên" với khoanh vùng là các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a và cả Việt Nam, song mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) lại cảnh báo tăng trưởng của khu vực này có thể chững lại nếu không kiểm soát tốt.

Theo báo cáo mới công bố, WB đưa ra dự đoán mức tăng trưởng kinh tế trung bình của khu vực Ðông Á trong năm nay sẽ là 7,3% so với con số 8,2% mà cơ quan này dự báo trước đây. Ðiều này cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo: kinh tế châu Á trong năm nay sẽ tăng trưởng chậm lại do chịu tác động của sự suy giảm kinh tế Mỹ. Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ giảm, tác động tới vấn đề xuất khẩu hàng hóa từ các nước châu Á sang thị trường Mỹ.

Những thách thức chính của khu vực Đông Á là hạn chế về đầu tư, khoảng cách giàu nghèo ngày một giãn rộng và ô nhiễm môi trường. Dù không trực tiếp đề cập đến nguy cơ một cuộc khủng hoảng như 10 năm trước (năm 1997, khủng hoảng tài chính bùng nổ ở Thái Lan, In-đô-nê-sia, Hàn Quốc và ảnh hưởng đến nhiều nước khác, gây ra phá sản và thất nghiệp hàng loạt), WB có nhiều so sánh cho thấy kinh tế Đông Á đang tăng trưởng chậm hơn cả trước năm 1997. Thái Lan, tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính 1997, chỉ tăng trưởng 5% trong năm 2006, trong khi tốc độ tăng trưởng những năm 1985-1995 là 8%.

Báo cáo của WB nhận định, Trung Quốc và các nước Ðông - Nam Á cũng trong tình trạng tương tự. Trung Quốc được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 10% trong năm 2008, nhưng cũng đang đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn và phải kiểm soát sức ép tài chính từ thặng dư thương mại. Đồng thời, trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì có đến 2/3 thuộc Trung Quốc.

WB cho rằng, giá lương thực và nhiên liệu leo thang có thể làm mất 1% GDP của các nước châu Á, làm nảy sinh nạn lạm phát, kéo lùi cuộc sống của tầng lớp dân nghèo, nảy sinh tiêu cực về an sinh xã hội. Hiện nay, mức chi phí cho lương thực tại Ðông Á chiếm từ 31 đến 50% tổng mức tiêu dùng. Theo WB, các biện pháp như kiểm soát giá cả chỉ có thể đem lại sự ổn định tạm thời.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của WB phụ trách khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương cho biết, để đối phó với tình hình, nhiều nước châu Á nhanh chóng chuyển hướng thị trường xuất khẩu, điều chỉnh thị trường và thu giữ ngoại tệ, tăng xuất khẩu lao động...

Tương tự như báo cáo của WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, năm 2008 sự phát triển kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ sụt giảm chút ít, do ảnh hưởng từ thị trường tài chính và giá dầu tăng. Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn duy trì được sức mạnh, nhưng sẽ phải đối đầu với những rủi ro mới về tài chính. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm xuống tới mức 8% trong năm 2008, thấp hơn 0,5% so với mức của năm 2007.

Khu vực Đông Á còn phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn như việc thắt chặt hơn tín dụng toàn cầu, các biện pháp điều chỉnh đột ngột trong tỷ giá hối đoái, giá dầu và giá các mặt hàng tiếp tục tăng. Lạm phát do giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao sẽ vẫn là mối quan tâm của nhiều nền kinh tế, nhất là tại Trung Quốc. ADB tin rằng, Trung Quốc cần thả lỏng tỷ giá hối đoái để giải quyết vấn đề kinh tế một cách hiệu quả. Việc tăng tính linh hoạt trong tỷ giá hối đoái sẽ giúp giảm lượng tiền luân chuyển trong thị trường tài chính nội địa. Bên cạnh đó, ADB cho rằng các nền kinh tế khác trong khu vực như Hồng Kông, Nhật Bản và Nam Triều Tiên sẽ suy giảm hơn trong năm nay.