TCCSĐT - Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Khóa họp lần thứ 68 Ðại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc tại Niu Oóc (Mỹ) với sự tham dự của nhiều tổng thống, thủ tướng các nước thành viên. Với chủ đề “Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”, Khóa họp lần này tập trung kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc sau năm 2015.

Phát biểu khai mạc Khóa họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới ngăn chặn việc cung cấp vũ khí cho các bên xung đột ở Xy-ri và hướng các bên tới bàn đàm phán nhằm hóa giải một thách thức lớn nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết khả thi nhằm tiêu hủy vũ khí hóa học của Xy-ri dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế và tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay tại quốc gia Trung Ðông này; cũng như đề cập các vấn đề toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt như cuộc chiến chống đói nghèo, biến đổi khí khậu... Lãnh đạo các nước như Pháp, I-ran, Bra-xin, Chi-lê, Ác-hen-ti-na, Nam Phi, Việt Nam... đã phát biểu nhiều ý kiến tại khóa họp này. Dư luận quốc tế nhận định, với chương trình nghị sự như vậy, đây là kỳ họp mang dấu ấn lịch sử của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết có ý nghĩa lịch sử

Ngày 27-9-2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua bản nghị quyết đầu tiên, có ý nghĩa lịch sử, về Xy-ri kể từ khi bùng phát xung đột ở quốc gia này hồi tháng 3-2011. Nghị quyết này là kết quả nỗ lực ngoại giao bền bỉ và căng thẳng giữa Nga và Mỹ sau vụ tấn công bằng khí độc ở ngoại ô Thủ đô Đa-mát ngày 21-8-2013.

Được thông qua với sự đồng thuận của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nghị quyết 2118 lên án mạnh mẽ mọi hành động sử dụng vũ khí hóa học tại Xy-ri, đặc biệt là vụ tấn công ngày 21-8-2013 làm hàng trăm người thiệt mạng và khẳng định đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và hòa bình thế giới.

Nghị quyết 2118 quy định các ràng buộc pháp lý, theo đó không bên nào ở Xy-ri được sử dụng, phát triển, sản xuất, tìm mua, tàng trữ hoặc chuyển giao vũ khí hóa học. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng yêu cầu Xy-ri tuân thủ quyết định của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đưa ra trước đó vài giờ chấp thuận kế hoạch do Nga và Mỹ soạn thảo, theo đó toàn bộ kho vũ khí hóa học của Xy-ri phải được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế vào giữa năm 2014 và sẽ được tiêu hủy vào cuối năm đó. Bắt đầu từ ngày 01-10-2013, các hoạt động thanh sát về vũ khí hóa học của Xy-ri sẽ được khởi động.

Nghị quyết 2118 là không đề cập đến việc sử dụng sức mạnh quân sự hoặc trừng phạt Xy-ri. Ngay cả trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm quá trình kiểm soát vũ khí hóa học ở Xy-ri, thì biện pháp trừng phạt quân sự chỉ có thể được thực hiện sau khi Liên hợp quốc đã điều tra xác minh chính xác và khách quan về sự vi phạm đó và phải được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, không một bên nào có quyền đơn phương can thiệp quân sự. Do đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp nhận định, Nghị quyết 2118 đã hoàn toàn loại trừ giải pháp quân sự ở Xy-ri.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun coi Nghị quyết 2118 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một nghị quyết có ý nghĩa lịch sử, mang lại hy vọng đầu tiên cho quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Xy-ri sau một thời gian dài bế tắc. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma coi Nghị quyết 2118 là “một thắng lợi lớn của cộng đồng quốc tế”. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry đánh giá Nghị quyết của Hội đồng Bảo an là một bước đột phá nhưng cảnh báo chính quyền Xy-ri sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu không tuân thủ Nghị quyết.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hối thúc sớm thực hiện Nghị quyết 2118 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc khủng hoảng Xy-ri. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cam kết Trung Quốc sẽ đóng góp cho nỗ lực của Liên hợp quốc tại Xy-ri, hỗ trợ tài chính cũng như chuyên gia cho OPCW. Trong khi đó, Đại sứ Xy-ri tại Liên hợp quốc Ba-sa Gia-a-pha-ri (Bashar Ja'afari) nhận định nghị quyết mới bao quát hầu hết các quan ngại của Đa-mát, nhấn mạnh các nước ủng hộ các lực lượng đối lập ở Xy-ri như Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út, Ca-ta, Pháp và Mỹ cần phải tuân thủ Nghị quyết 2118. Ông B. Gia-a-pha-ri khẳng định, Chính phủ Xy-ri cam kết tham dự Hội nghị hòa bình Giơ-ne-vơ-2 nhằm chấm dứt xung đột ở Xy-ri.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun thông báo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình mới về Xy-ri vào giữa tháng 11 tới tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Trước đó, tại Hội nghị hòa bình đầu tiên về Xy-ri diễn ra vào tháng 6-2012 cũng ở Giơ-ne-vơ, các cường quốc đã nhất trí cần thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại Xy-ri với đầy đủ quyền hành pháp. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thực hiện được do sự chia rẽ trong phe đối lập Xy-ri cũng như trong cộng đồng quốc tế.

Mỹ tuyên bố chính thức tham gia Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu

Tại kỳ họp lần này của Ðại hội đồng Liên hợp quốc, Chính phủ Mỹ chính thức ký kết tham gia Hiệp ước kiểm soát hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu (ATT) và trở thành nước thứ 91 trên thế giới ký tham gia hiệp ước này. Ngày 25-9-2013, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry thay mặt Chính phủ Mỹ ký Hiệp ước ATT bên lề kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc bất chấp sự phản đối mạnh mẽ tại Thượng viện Mỹ - nơi văn kiện này cần phải được thông qua. Ngoài ra, Hiệp ước chỉ có hiệu lực khi có 50 bang tại Mỹ tán thành, trong khi đó hiện vẫn có 4 bang chưa phê chuẩn.

Phát biểu sau lễ ký, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry khẳng định: “ATT là một “bước đi quan trọng” nhằm bảo đảm an toàn cho thế giới và là một đột phá trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình toàn cầu. Hiệp ước này sẽ không để vũ khí rơi vào tay những kẻ khủng bố và các thành phần bất hảo; giúp giảm bớt nguy cơ vận chuyển xuyên quốc gia các vũ khí thông thường có thể được sử dụng thực hiện những tội ác dã man nhất thế giới, giúp người Mỹ an toàn và nước Mỹ mạnh mẽ”.

Động thái này của Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của hiệp ước mặc dù vẫn còn nhiều nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu khác chưa tham gia. Nga và Trung Quốc chưa tham gia với lý do trong Hiệp ước ATT không có quy định cấm cung cấp vũ khí cho các tổ chức phi chính phủ như hình thức mà Mỹ và một số nước đang cung cấp vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Ước tính, cứ mỗi phút trên thế giới có một người thiệt mạng do bạo lực vũ trang. Do đó, Hiệp ước ATT sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn dòng chảy vũ khí và đạn dược không kiểm soát đang làm nóng các cuộc chiến, hành động hung bạo và vi phạm quyền con người tại nhiều quốc gia.

Hiệp ước ATT được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 4-2013 với 154 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 23 phiếu trắng, nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán các loại vũ khí thông thường lên đến 80 tỷ USD mỗi năm, bao gồm từ xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, tên lửa đến các loại súng tấn công hạng nhẹ.

Nhóm các nước đang phát triển đóng vai trò then chốt trong tầm nhìn phát triển thế giới sau năm 2015

Phát biểu ngày 26-9-2013 tại Hội nghị thường niên ngoại trưởng Nhóm các nước đang phát triển (G77) diễn ra bên lề Khóa họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun khẳng định G77 có thể tạo ra hoặc phá vỡ những thỏa thuận về các vấn đề gây tranh cãi. Theo ông Ban Ki-mun, điều này có ý nghĩa then chốt trong bối cảnh các nước đang nỗ lực nhằm đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ cũng như trong quá trình hoạch định Chương trình phát triển sau năm 2015. Tái khẳng định tầm ảnh hưởng của G77, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun nhấn mạnh nhóm các quốc gia này đã đưa vấn đề xóa đói nghèo thành mục tiêu toàn cầu, cho thấy sức mạnh của cơ chế hợp tác Nam - Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đại diện cho lợi ích của hàng tỷ người nghèo khổ và dễ bị tổn thương trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cũng nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế sẽ là chìa khóa giải quyết các thách thức của thế kỷ XXI đồng thời kêu gọi G77 tiếp tục cam kết và đóng góp một chương trình phát triển chung được xây dựng từ quan hệ đối tác toàn cầu mới vì phát triển, dựa trên sự công bằng, hợp tác và bảo vệ quyền con người.

Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc Giôn Ây-si (John Ashe) cũng đề cao vai trò của G77 trong tăng cường hợp tác Nam - Nam, khẳng định sự hợp tác này sẽ tiếp tục giữ vai trò hàng đầu trong Chương trình phát triển sau năm 2015 và là một trong những cơ chế hiệu quả nhất của sự đoàn kết và độc lập giữa các nước đang phát triển. Được thành lập năm 1964 với 77 thành viên ban đầu, G77 hiện đã có hơn 132 nước thành viên, trong đó 2/3 là thành viên Liên hợp quốc, chiếm hơn 60% dân số toàn thế giới.

Lãnh đạo Mỹ và I-ran có cuộc điện đàm lịch sử tại Ðại hội đồng Liên hợp quốc

Tham gia kỳ họp lần này của Ðại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 27-9, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống I-ran Hát-xan Râu-ha-ni (Hassan Rouhani) đã có cuộc điện đàm có ý nghĩa lịch sử. Đây là lần liên lạc thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa tổng thống hai nước kể từ năm 1979. Đây là dấu hiệu chứng tỏ hai bên đều nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của I-ran. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cho biết, ông và Tổng thống I-ran Hát-xan Râu-ha-ni đã chỉ đạo quan chức hai nước nỗ lực hợp tác để tiến tới một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cho biết, ông đã nhắc lại với Tổng thống I-ran Hát-xan Râu-ha-ni về tuyên bố ở Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng, mặc dù vẫn còn các trở ngại lớn nhưng thành công đã được bảo đảm và hai bên có thể đạt được một giải pháp toàn diện. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhấn mạnh rằng, Mỹ tôn trọng quyền của nhân dân I-ran được tiếp cận năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình một khi I-ran thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ. Theo Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, chỉ có các bước đi có ý nghĩa, minh bạch và có thể kiểm chứng mới chứng tỏ lập trường của I-ran và sẽ giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Tê-hê-ran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia này.

Trong khi đó, trên trang mạng xã hội Twitter của Tổng thống I-ran Hát-xan Râu-ha-ni ngày 27-9 xuất hiện thông tin cho thấy, ông và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã bày tỏ “ý chí chính trị muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề hạt nhân”. Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại Niu Oóc, Tổng thống I-ran Hát-xan Râu-ha-ni cam kết nước ông sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình trong cuộc đàm phán hạt nhân và thông báo rằng tại Hội nghị với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) tại Giơ-ne-vơ trong tháng 10-2013, I-ran sẽ đề xuất một kế hoạch mới nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này./.