Thu hoạch cá tra tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang
 Ảnh: TTXVN
TCCS - Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, cần đi lên từ chính nông nghiệp, bằng những sản phẩm nông nghiệp có giá trị, sức cạnh tranh ngày càng cao. Vì vậy, “cú hích” trong nông nghiệp của tỉnh chính là giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất...

Dấu ấn ứng dụng tiến bộ - kỹ thuật của nông nghiệp

Theo đánh giá của các nhà kinh tế, các nhà quản lý, trong 5 năm trở lại đây, khoa học - công nghệ đã đóng góp khoảng 40% trong giá trị tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Nông nghiệp là nền tảng vững chắc, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2001 - 2007 đạt 11.36% năm 2008 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,56%, cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, nhận thức được vai trò của tiến bộ khoa học - kỹ thuật đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã thường xuyên triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh Đồng Tháp đã đưa 28 đề tài, dự án khoa học, công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chiếm hơn 60% tổng số đề tài, dự án của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà lãnh đạo trong tỉnh thực hiện trong nhiều năm qua.

Sau gần 10 năm thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng khoa học - kỹ thuật giai đoạn 2001 - 2010, chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là giống lúa, giống thủy sản.

Hiện nay, tham gia sản xuất cung ứng giống lúa có Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh với 2 trại sản xuất có quy mô lớn, 5 trại giống huyện, 5 doanh nghiệp và cơ sở tư nhân, 23 hợp tác xã nông nghiệp, 16 câu lạc bộ và 1881 hộ nông dân, trong đó, có 6 đơn vị đạt tiêu chuẩn “Địa chỉ xanh” và 1 đơn vị được công nhận danh hiệu “Bạn nhà nông Việt Nam” và giải thưởng “Bông Lúa vàng Việt Nam”. Tham gia sản xuất giống thủy sản có 169 cơ sở (6 cơ sở do Nhà nước quản lý, 163 cơ sở tư nhân), trong đó có 88 cơ sở sản xuất cá tra bột, 28 cơ sở ương tôm bột. Năm 2009, sản lượng lúa giống cấp xác nhận của tỉnh đạt khoảng 19.000 tấn, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; sản xuất 9.226 triệu cá bột và cá giống các loại, 120 triệu con tôm giống; sản xuất trên 1.500 tấn hạt giống rau muống cung ứng cho các tỉnh trong vùng và xuất khẩu.

Năm 2008, Đồng Tháp xuất khẩu thủy sản đạt sản lượng 107.419 tấn với giá trị là 230 triệu USD; về sản lượng tăng 30,1 lần và về giá trị tăng 16,7 lần so với năm 2000.

Đồng Tháp tập trung chuyển giao áp dụng các giải pháp hạ giá thành sản xuất lúa, xây dựng các mô hình, tập huấn kỹ thuật mới cho nông dân, từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 12.341 công cụ sạ hàng phục vụ cho xuống giống được 52.339 ha/vụ. Từ việc mua thêm máy gặt, máy sấy qua triển khai thực hiện Dự án đầu tư máy gặt, máy sấy của tỉnh giai đoạn 2007 - 2009, đến nay, toàn tỉnh đã có 286 máy gặt đập liên hợp, 12 máy gom đập lúa liên hợp, 658 máy gặt xếp dãy và 560 máy sấy lúa. Trong khâu cày xới, cơ bản bảo đảm 100% diện tích làm đất được cơ giới hóa. Về bơm tưới, tỉnh đã chủ động tưới tiêu, trong đó bơm điện chiếm gần 37% diện tích. Khâu phơi, sấy nông sản, máy sấy chủ yếu sử dụng ở vụ hè thu, vụ thu đông, với số máy hiện có đáp ứng sấy cho khoảng 20% tổng sản lượng lúa hè thu. Việc áp dụng cơ giới hóa, đã góp phần nâng diện tích sản xuất, thu hoạch bằng máy đạt trên 31% diện tích xuống giống, chủ động giải quyết tình trạng thiếu nhân công cắt lúa do xuống giống đồng loạt và giảm chi phí công cắt bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng/ha so với cắt lúa bằng tay, giảm chi phí cho nông dân khoảng 250 tỉ đồng/năm.

Cơ giới trong sản xuất cây màu đã được trình diễn phổ biến để nông dân áp dụng trong khâu thu hoạch, ứng dụng công cụ sạ hàng để tỉa bắp... Đây là định hướng cho việc sản xuất hoa màu đi vào chiều sâu. Đối với cây ăn trái, áp dụng kỹ thuật ghép mắt, tạo cành, tỉa tán, lưu trữ bảo tồn giống gốc, giống đầu giòng để sản xuất giống có chất lượng cao cung ứng cho sản xuất. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện 3 mô hình sản xuất 3 loại cây ăn trái an toàn chủ lực gồm: xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc ở huyện Cao Lãnh 50 ha, quýt hồng Lai Vung 100 ha, nhãn ở Châu Thành 28 ha; kết hợp với tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hình thành được nhiều vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh, tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có 307 ha cây ăn trái sản xuất theo hướng an toàn (GAP) ở huyện Châu Thành làm thí điểm để nhân rộng. Trên hoa cây kiểng, áp dụng kỹ thuật cấy mô để nhân giống đã mở rộng quy mô sản xuất giống, tạo ra giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn cung cấp cho thị trường.

Nhờ đổi mới, nâng cao trình độ canh tác mùa vụ hợp lý cho nông dân nhằm “né lũ, né rầy”; chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật giảm chi phí đầu vào, nên sản lượng gia tăng, chất lượng của hàng hóa nông sản và thủy sản được nâng cao. Năm 2009, sản lượng lúa đạt 2,68 triệu tấn (là một trong 4 tỉnh có sản lượng lúa cao nhất đồng bằng Sông Cửu Long), năng suất bình quân 59,47 tạ/ha, tăng 13,47 tạ so với năm 2000; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 297.000 tấn, tăng 262.277 tấn (gấp 7,55 lần) so với năm 2000. Xuất khẩu thủy sản năm 2008 đạt sản lượng 107.419 tấn, giá trị 230 triệu USD tăng 30,1 lần; về sản lượng và tăng 16,7 lần về giá trị so với năm 2000.

Những vấn đề trọng yếu để thực hiện “cú hích” trong nông nghiệp

Năm vừa qua, Đồng Tháp được đánh giá là địa phương quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nhiều giải pháp đột phá thiết thực, kịp thời.

Trong đồng bộ các giải pháp góp phần làm nên “cú hích” quyết định khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn, nổi bật sáu vấn đề sau:

Thứ nhất, đổi mới công tác quy hoạch theo hướng hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Công tác quy hoạch phải nhằm phát triển trồng trọt, chủ động điều chỉnh thời vụ, luân canh, xen canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp theo yêu cầu thị trường theo mô hình: lúa; lúa - màu; lúa - tôm; lúa - cá; cây ăn trái, chuyên màu; hoa kiểng; đồng thời phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô từ 12% - 14% vào năm 2010 lên 18% - 20% vào năm 2015 và 24% - 25% vào năm 2020... Từ định hướng trên, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2020, theo đó hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của từng vùng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi.

Tập trung triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Chủ động xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi từ tỉnh đến cơ sở. Hằng năm tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho trên 6 ngàn nông dân để phát triển mạng lưới giống nông hộ. Đầu tư nâng cấp trung tâm giống nông nghiệp tỉnh, trại giống huyện, cơ sở sản xuất giống cây con theo hướng hiện đại để sản xuất giống có chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Thứ ba, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Do kiên trì thực hiện chủ trương tăng cường đầu tư nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, về cơ bản đã phục vụ tốt cho yêu cầu ổn định và phát triển sản xuất theo hướng thâm canh, tăng vụ, giảm giá thành, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây được xem là nguyên nhân cơ bản góp phần bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm liền. Từ nhiều nguồn vốn: ngân sách (Trung ương và địa phương), vay, huy động đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh mương các cấp, bờ bao chống lũ, cống tưới tiêu, trạm bơm (điện, dầu) từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, kết hợp giao thông thủy, bộ và phân bố lại dân cư nông thôn. Hệ thống kênh các cấp với 22 kênh trục chính dài 593 km, 197 kênh cấp 1 dài 1.757 km, 559 kênh cấp 2, hệ thống kênh cấp 3 và nội đồng phân bố đều khắp trên các vùng sản xuất. Hệ thống bờ bao chống lũ có tổng chiều dài trên 8.300 km, trong đó có 3.000 km kết hợp giao thông nông thôn, đã chủ động bảo vệ cho trên 172 ngàn héc-ta (chiếm 87%) diện tích lúa hè thu, chống lũ triệt để bảo vệ cho gần 13 ngàn héc-ta (chiếm 58%) diện tích vườn cây ăn trái. Toàn tỉnh có gần 1.700 cống các loại (321 cống hở, 1.265 cống ngầm) phục vụ cho công tác tưới, tiêu.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt 6 giải pháp đồng bộ nhằm hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới.

Trong giai đoạn 2005 - 2009, mỗi năm, tỉnh đầu tư hàng chục tỉ đồng để ngành nông nghiệp tổ chức từ 80 - 120 lớp tập huấn với 3.200 - 4.800 lượt người tham dự, phục vụ kịp thời cho việc hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật canh tác cho nông dân; xây dựng các mô hình sản xuất; hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Cung cấp thông tin về kinh tế, kỹ thuật, thị trường tập trung tích cực vào việc đổi mới bộ giống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng tập trung hóa... phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Thứ năm, phát triển hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp.

Trong những năm qua, Đồng Tháp đã quan tâm củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn theo hướng hợp tác, mở rộng quy mô giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động. Kinh tế trang trại phát triển đa dạng với 4.537 trang trại, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Kinh tế hợp tác có bước chuyển biến tích cực. Hợp tác xã nông nghiệp tăng về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 157 hợp tác xã nông nghiệp trên các lĩnh vực: dịch vụ sản xuất nông nghiệp, trái cây, nuôi trồng thủy sản, với 17.949 xã viên với tổng số vốn hoạt động gần 68 tỉ đồng. Đa số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có lãi, có gần 58% số hợp tác xã hoạt động khá và tốt. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển cả về số và chất lượng với 13.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 70% ở địa bàn nông thôn hoạt động trên các lĩnh vực: chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xay xát lau bóng gạo, cơ khí... tạo việc làm cho trên 50 ngàn lao động. Toàn tỉnh có 44 làng nghề và 8 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, tạo thêm việc làm cho trên 35 ngàn lao động.

Thứ sáu, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong phát triển sản xuất nông nghiệp

Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới là: Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, giúp cho nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại; đào tạo, huấn luyện nghề phổ thông ngắn hạn cho nông dân để có thể chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới; phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh với thế mạnh là cây lúa và thủy sản theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5% - 6%/năm, tạo bước đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn./.