Khơi dậy mọi tiềm năng, từng bước xây dựng Lục Yên phát triển toàn diện, bền vững
Tiềm năng là những đặc trưng của mỗi địa phương, ở trong mỗi con người. Nó chính là điều kiện cho mỗi địa phương đi lên. Và, nhìn nhận, khai thác tiềm năng hiệu quả ở mỗi địa phương là những bài học phong phú.
Xuất phát từ điều kiện của một huyện miền núi nhiều thế mạnh nhưng cũng phải đối mặt với không ít hạn chế, khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lục Yên xác định, cần quyết tâm phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng của đất và người Lục Yên, nhằm xây dựng địa phương mình ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống quê hương, với 2 danh hiệu Anh hùng được Đảng và Nhà nước trao tặng.
Nhưng, khai thác gì, làm như thế nào... vẫn đang là những trăn trở lớn trên bước đường phát triển toàn diện và bền vững của Lục Yên.
Khai thác hiệu quả tài nguyên tự nhiên làm điểm xuất phát
Với thế mạnh là các mỏ đá, mũi nhọn trong sản xuất công nghiệp của Lục Yên chính là khai thác, chế biến các sản phẩm từ đá. Định hướng của chúng tôi là, phát triển ngành công nghiệp đa dạng, tận dụng triệt để các sản phẩm từ tài nguyên khoáng sản. Đá quý làm tranh mỹ nghệ, đá xẻ phục vụ các công trình xây dựng, bột đá phục vụ xuất khẩu. Các sản phẩm từ đá Lục Yên đã có mặt ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Huyện đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khai thác, chế biến sản phẩm từ đá. Đó là các công ty: Hùng Đại Dương, Hùng Đại Sơn, Thành Phát - những doanh nghiệp tư nhân - và, Công ty cổ phần Khoáng sản của tỉnh. Trong đó, Hùng Đại Dương đã tiến hành sản xuất 5 năm, với tổng số vốn đầu tư lên đến 17 tỉ đồng.
Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư, đến nay, tiếp tục có 7 doanh nghiệp khác đang xúc tiến thủ tục đầu tư.
Sản xuất công nghiệp đã góp phần tạo ra một số lượng lớn việc làm, đáp ứng nhu cầu việc làm của nhân dân địa phương. Hơn 300 công nhân là người địa phương được tuyển vào làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn đã gắn bó doanh nghiệp với vùng đất họ đứng chân, đưa doanh nghiệp gần gũi với những hoạt động của địa phương, đồng thời thúc đẩy họ tiếp tục đầu tư chiều sâu, mở rộng ngành hàng, nâng cao giá trị sản phẩm. Mối quan hệ khăng khít này đem lại lợi ích cho cả hai phía, cả địa phương cũng như doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội, đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách của huyện, chính là đã khai thác có hiệu quả tiềm năng tự nhiên của mình.
Và, thực tế đã chứng minh điều đó. Các sản phẩm từ đá đã đem lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất công nghiệp, đóng góp vào nguồn thu của huyện chúng tôi. Năm 2006 và 2007, sản phẩm từ đá chiếm phần lớn trong giá trị xuất khẩu toàn huyện, đạt xấp xỉ 3 triệu USD.
Với những kinh nghiệm trong quản lý, quy hoạch sản xuất công nghiệp trên địa bàn thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, để khơi dậy tiềm năng thiên nhiên, cần khai thác có hiệu quả nhất tài nguyên, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, tạo ra những thay đổi trong diện mạo địa phương, đồng thời góp phần nâng dần mọi tiêu chí về phát triển con người, thông qua việc tạo ra ngày càng nhiều việc làm và nâng cao mức thu nhập cho người dân.
Sản xuất nông nghiệp từng bước hướng tới quy mô lớn làm nền tảng phát triển
Với điều kiện diện tích chăn thả lớn, phát triển chăn nuôi đại gia súc là mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Đến nay, với đàn trâu lên đến 24.800 con, đàn bò 3.685 con, Lục Yên nằm trong số địa phương có số đại gia súc nhiều nhất tỉnh Yên Bái. Việc nuôi trồng thủy sản trên một phần hồ Thác Bà (5.300 ha), cùng các ao hồ trên địa bàn, với diện tích 300 ha cũng là một thế mạnh, thời gian qua đã khai thác có hiệu quả, cần tiếp tục tập trung phát triển hơn nữa.
Để hướng tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn về vốn và doanh thu, chúng tôi từng bước hướng dẫn bà con lựa chọn đưa vào những bộ giống có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, diện tích canh tác được quy hoạch thành những vùng chuyên canh, nhằm phát huy lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, đồng thời đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất. Những năm gần đây, diện tích cây vụ Đông trên địa bàn năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2007, diện tích đậu tương đạt 1.005 ha, tăng 65 ha so với năm 2005; cây lạc đạt 1.015 ha; khoai tím là 497 ha... Một số giống cây trồng là đặc sản của địa phương, có giá trị kinh tế cao cũng tiếp tục được đầu tư như, cây ăn quả có diện tích 1.543 ha; cây chè với diện tích là 328,1 ha.
Cùng với sản xuất nông nghiệp truyền thống, sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp đã bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, từng bước góp phần nâng cao mức thu nhập cho người dân.
Phát huy yếu tố con người là mục tiêu và động lực
Cùng với khai thác hiệu quả tiềm năng tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội- một nội dung lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ và chính quyền, chúng tôi cho rằng, nguồn gốc của những thành công trong sự phát triển, nhân tố giữ vai trò căn bản và quyết định là khơi dậy sức mạnh và tiềm năng từ nhân dân.
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội làm nơi quy tụ, làm điểm tương đồng trong việc khơi dậy, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các phong trào trên địa bàn là một khâu quan trọng của công tác xây dựng đảng.
Năm 2006, Mặt trận Tổ quốc huyện vận động hưởng ứng "Ngày vì người nghèo", quyên góp được tổng số tiền là 377,9 triệu đồng ủng hộ những nạn nhân của cơn bão số 1, làm đường giao thông liên xã. Từ nhiều nguồn, trong đó phần lớn là từ những cuộc vận động, quyên góp giúp đỡ những đối tượng gặp khó khăn, năm 2006, Mặt trận Tổ quốc huyện đã hỗ trợ kinh phí xóa 58 nhà dột nát và cận dột nát. Năm 2007, 711 hộ được xóa nhà dột nát với tổng kinh phí là 3 tỉ 510 triệu đồng.
Những thành viên của Mặt trận, cùng với việc hưởng ứng tích cực các hoạt động chung, luôn tìm tòi cách làm riêng theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phục vụ trực tiếp các thành viên, hội viên, đoàn viên của mình. Năm 2006, Hội Nông dân huyện tín chấp 706 tấn phân bón và vay vốn cho hội viên phát triển sản xuất. Các tổ chức khác như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh..., đều có những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục thành viên, hội viên thấm nhuần các chủ trương của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức mình, đồng thời tham gia tích cực vào nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chăm lo và nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân là mục tiêu chính và biện pháp thiết thực để khơi dậy tiềm năng nhân dân. Cùng với việc lãnh đạo các tổ chức chính trị khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các dân tộc anh em, Đảng bộ chúng tôi kiên trì lãnh đạo, sâu sát quan tâm chỉ đạo các cấp chăm lo sự phát triển toàn diện của đồng bào. Từ năm 2001 đến 2005, giải quyết gần 15.000 chỗ làm việc mới; năm 2006 tạo ra 3.450 chỗ làm mới; và năm 2007, hơn 3.500 người lao động có việc làm mới. Những kết quả đó không chỉ trực tiếp góp phần đẩy mạnh phát triển các ngành nghề sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, mà còn thiết thực từng bước tăng cường sự ổn định xã hội trên từng địa bàn, ở từng khu dân cư.
Hoạt động giáo dục, đào tạo; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt chú trọng. Đến nay, có 18/24 xã, thị trấn đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; 23/24 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thành lập 3 đơn vị về y tế là Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện đa khoa huyện. Qua đó, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và chủ động phòng, chống các dịch bệnh của y tế huyện được nâng lên một bước. Năm 2007, hạ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống còn 25,87%, giảm 0,87% so với năm 2006.
Bên cạnh đó, Lục Yên đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, quan tâm các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách và đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, hạ thấp tỷ lệ hộ đói nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn là 35,87% (năm 2005 là 47,69%); trong năm 2007, đã làm mới và sửa chữa 30 nhà tình nghĩa, với giá trị 270 triệu đồng. Chúng tôi cũng tập trung lãnh đạo thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", coi đây là một nội dung quan trọng của phát triển con người hài hòa. Huyện hiện có 3 xã và 187 làng đạt danh hiệu văn hóa. Những nỗ lực trên đã thiết thực góp phần vào việc chăm lo, phát triển đời sống mọi mặt của nhân dân một cách toàn diện, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chung.
Thực thi Quy chế Dân chủ ở cơ sở - động lực mạnh mẽ động viên sức người, sức của tốt nhất
Bảo đảm sự công khai, dân chủ trong thực hiện các công trình hạ tầng là cơ sở chính trị của sự nghiệp phát triển toàn diện con người ở địa phương. Yếu tố quan trọng làm nên những thành công trong sự phát triển mọi mặt của Lục Yên những năm qua, cơ sở để khơi dậy được tiềm năng trong nhân dân chính là, Đảng bộ huyện đã nghiêm túc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Bước đi quan trọng, có ý nghĩa đột phá của Lục Yên trong việc tôn trọng và phát huy dân chủ thời gian qua chính là, xử lý một cách dân chủ đối với việc phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Với cách làm: tỉnh, huyện đầu tư phương tiện cơ giới, kỹ thuật thi công; nhân dân khai thác đá, góp công sức, Lục Yên đã cơ bản đổi mới toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn, như cuộc "đổi đời". Từ việc làm cho nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình trong việc phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tới sự công khai quy trình thực hiện, công bố chi tiết về kinh phí..., đã là sự thuyết phục có hiệu quả nhất, động viên nhân dân hăng hái tham gia.
Cùng với số tiền lớn hưởng ứng phong trào xây dựng hạ tầng nông thôn, năm 2006, tổng số vốn huy động trong nhân dân trên địa bàn đạt 55,512 tỉ đồng. Số tiền đó có thể chưa lớn, nhưng với một huyện còn phải cố gắng nhiều hơn về mọi mặt, thì đó là thể hiện những nỗ lực đáng khích lệ trong việc khơi dậy những tiềm năng từ trong nhân dân, vì nhân dân và cho nhân dân.
Đến nay, toàn bộ đường liên xã và trên 24 km đường liên thôn đã được bán cứng hóa. Tất cả 29 thôn, bản khó khăn đã có đường giao thông nối với trung tâm xã. Tỷ lệ đóng góp của nhân dân luôn chiếm trên 50% tổng số tiền thực hiện. Cùng với đó, nhân dân đóng góp 2,2 tỉ đồng xây dựng 20,5 km đường điện 0,4 kV, cùng kinh phí được đầu tư là 400 triệu đồng xây dựng 2 trạm hạ thế, đã đưa số thôn, bản khó khăn có điện lên 16/29. Năm 2005, Lục Yên được Bộ Giao thông - Vận tải tặng bằng khen về phát triển giao thông nông thôn.
Trước mắt còn rất nhiều khó khăn, trong đó có không ít khó khăn của một huyện miền núi, nhưng Đảng bộ chúng tôi nhận thức rõ hơn, đứng vững trên mảnh đất của mình, chủ động tìm tòi cách làm phù hợp, hiệu quả; khai thác và bồi đắp tiềm năng; không ngừng khơi dậy và nuôi dưỡng được nguồn lực con người đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo đà phát triển bền vững cho Lục Yên, luôn là nhiệm vụ lâu dài quan trọng nhất, và cũng là kinh nghiệm thành công nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện thời gian qua.
Một số kinh nghiệm bước đầu đó đang được Đảng bộ và nhân dân Lục Yên tiếp tục phát huy trong từng suy nghĩ, ở mỗi bước đi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng Lục Yên phát triển ngày càng toàn diện và bền vững.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền nhiệm vụ quân sự quốc phòng  (27/03/2008)
Khẳng định vị trí của Phật giáo trong đời sống xã hội  (27/03/2008)
Khẳng định vị trí của Phật giáo trong đời sống xã hội  (27/03/2008)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền nhiệm vụ quân sự quốc phòng  (27/03/2008)
Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh  (26/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên