Những nội dung về văn hóa trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Những quy định về văn hóa trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Điều 44, Chương II Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các sơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”. Đây là lần đầu tiên có sự quy định về các quyền của công dân trong lĩnh vực văn hóa, khẳng định Nhà nước ta đã có sự nhìn nhận rất mới về các giá trị văn hóa, quán triệt tinh thần nhất quán của Đảng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh và động lực phát triển đất nước; đồng thời thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Các quyền của công dân trong lĩnh vực văn hóa tại Điều 44 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thể hiện ở 4 khía cạnh cụ thể sau:
Quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa. Hưởng thụ đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần là một nhu cầu chính đáng quyền cơ bản của con người. Được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa chính là một trong những yếu tố cơ bản để góp phần không ngừng xây dựng, bồi đắp, hoàn thiện những phẩm chất nhân cách cao đẹp cho con người, làm cho con người ngày càng nhân văn hơn, tiến bộ hơn. Các giá trị văn hóa mà con người được hưởng thụ là tất cả những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã được kết tinh, trao truyền từ đời này sang đời khác; là những tác phẩm thuộc các loại hình văn học, nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh,...); là những mỹ tục, nghi lễ, tín ngưỡng tốt đẹp,... của cộng đồng, của đất nước.
Quyền tham gia đời sống văn hóa. Mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, giai cấp, thành phần, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,... đều có thể và có quyền tham gia tất cả các hoạt động văn hóa theo khả năng, sở thích, nhu cầu, sở trường, mong muốn của mình. Việc mọi người được tham gia đời sống văn hóa sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Quyền sử dụng các cơ sở văn hóa. Thực chất của quyền này là xác lập quyền sở hữu toàn dân về các cơ sở văn hóa, các thiết chế văn hóa mà Nhà nước, xã hội và cộng đồng đã xây dựng, như các khu vui chơi, giải trí công cộng, công viên, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện, sân vận động, rạp hát, rạp chiếu phim, điểm in-tơ-nét công cộng,... Những cơ sở, thiết chế văn hóa này là tài sản chung nên mọi người đều có quyền sử dụng để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của mình. Nhà nước, chính quyền các cấp chỉ ủy quyền cho tổ chức, cá nhân quản lý các cơ sở, thiết chế văn hóa, còn mọi người dân đều có quyền sử dụng các cơ sở, thiết chế văn hóa đó để phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí,... của mình.
Quyền tiếp cận các giá trị văn hóa. Văn hóa là những giá trị tốt đẹp đã được hình thành, kết tinh, hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, là thành quả lao động sáng tạo của thế hệ này tiếp thế hệ khác. Vì vậy, mỗi công dân không chỉ có quyền nghiên cứu, tiếp cận các giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà còn được tiếp cận, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc quy định quyền tiếp cận các giá trị văn hóa là mở “cánh cửa tâm hồn”, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội được mở rộng giao lưu, học hỏi, tiếp thu những giá trị nhân văn cao cả đã được nhân loại tiến bộ thừa nhận, qua đó không ngừng làm giàu giá trị văn hóa cho mỗi cá nhân và cộng đồng, dân tộc.
Bốn nội dung “hưởng thụ, tham gia, sử dụng, tiếp cận” các giá trị văn hóa quy định tại Điều 44 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một thể thống nhất trong các quyền của con người ở lĩnh vực văn hóa. Có thể nói, đây là những quyền căn bản nhất của quyền con người và thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Bởi vì, khi con người được “hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các sơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa” sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hài hòa giữa thể chất và tâm hồn, giữa lý trí và tình cảm, làm cho con người ngày càng tiệm cận gần hơn đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Bổ sung nhiều điểm quan trọng về văn hóa
Trên cơ sở kế thừa các nội dung về văn hóa được xác định trong các bản Hiến pháp trước đây, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có cách tiếp cận mới về văn hóa và sửa đổi, bổ sung nhiều điểm quan trọng về văn hóa.
Hiến pháp năm 1980 xác lập Chương III “Văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật” với 3 điều quy định liên quan đến văn hóa, đó là: Đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa, xây dựng con người mới (Điều 37); Bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hóa thế giới, chống các văn hóa xấu độc (Điều 38); Nhà nước chăm lo xây dựng cơ sở vật chất nhằm bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động về văn hóa và tạo điều kiện để toàn dân được hưởng những thành tựu tốt đẹp của văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới (Điều 39).
Hiến pháp năm 1992 xác lập Chương III “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ” với 5 điều quy định liên quan đến văn hóa, đó là: Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam (Điều 30); Nhà nước tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình có văn hóa (Điều 31); Nhà nước đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật (Điều 32); Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác (Điều 33); Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa dân tộc (Điều 34).
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ghép các Điều 30, 31, 32, 33 và 34 của Hiến pháp năm 1992 vào chung một điều và được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 64:
1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
2. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
3. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
4. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan”.
Việc sửa đổi, bổ sung này có mấy điểm đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, các khoản trong Điều 64 về văn hóa được gắn kết chặt chẽ với nhau bảo đảm tính lô-gíc, tính khoa học, nội dung cô đọng, súc tích hơn mà vẫn bao quát, bao hàm được các nội dung cơ bản của văn hóa vốn có nội hàm rất rộng. Đây là một nét mới, tiến bộ trong kỹ thuật lập hiến.
Thứ hai, lần đầu tiên, vị trí, vai trò của văn hóa được khẳng định rõ trong Hiến pháp là “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước”, tính chất của nền văn hóa Việt Nam là “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ”. Điều này là phù hợp với các nội dung cơ bản về văn hóa được Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, các văn kiện Đại hội IX, X, XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định.
Thứ ba, nếu như Điều 32 Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định “Văn học, nghệ thuật góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp của người Việt Nam”, thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung, nhấn mạnh là: “Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam”. Bên cạnh đó, việc quy định “Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại” không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, mà còn góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điểm bổ sung mới, khẳng định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thứ tư, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định việc xây dựng gia đình Việt Nam theo ba tiêu chí cơ bản là “Ấm no, bình đẳng, hạnh phúc” và xây dựng con người Việt Nam với 5 tiêu chuẩn cụ thể là: “Giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đây là điểm bổ sung, phát triển so với Điều 31 Hiến pháp năm 1992.
Một số đề nghị nhằm hoàn thiện các nội dung hiến định về văn hóa
Quyền “sáng tạo các giá trị văn hóa”
Bốn nội dung về “hưởng thụ, tham gia, sử dụng, tiếp cận” trong các quyền về văn hóa là đúng đắn, song chưa bao hàm đầy đủ nội dung của giá trị văn hóa. Do vậy, đề nghị bổ sung quyền “sáng tạo các giá trị văn hóa” vào Điều 44, thành: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa, sáng tạo các giá trị văn hóa”.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, cần chăm lo xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Đây là ba vấn đề rất quan trọng được ví như “thế chân kiềng” tạo cơ sở, tiền đề và động lực để đất nước ta phát triển ổn định, hài hòa và bền vững. Việc bổ sung những điểm mới về văn hóa vào Hiến pháp sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết để các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng quan tâm xây dựng các giá trị văn hóa tốt đẹp, giúp văn hóa thực sự trở thành “sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” (1). |
Một là, xuất phát từ các quan điểm cơ bản của Đảng về phát huy vai trò của nhân dân - chủ thể quan trọng nhất trong việc hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định rõ: “Thể chế văn hóa mới khuyến khích nhân dân lao động tham gia sự nghiệp xây dựng văn hóa trên cả hai mặt sáng tạo và hưởng thụ”(2) và “Hình thành các hình thức sáng tạo và tham gia hoạt động văn hóa của các tập thể, cá nhân trong khuôn khổ luật pháp và chính sách”(3). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), phần nói về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cũng khẳng định: “Bảo đảm quyền tự do sáng tạo của công dân”(4). Mặt khác, Điều 30 Hiến pháp năm 1992 hiến định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam cũng nhấn mạnh một điểm rất quan trọng là: “Phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân”.
Hai là, thực tế lịch sử đã chứng minh, nhân dân không chỉ hưởng thụ các giá trị văn hóa, mà còn là người trực tiếp hay gián tiếp sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Rất nhiều hình thức, loại hình văn hóa nghệ thuật, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ,... bắt nguồn từ cuộc sống, lao động, sinh hoạt vô cùng phong phú của nhân dân. Không những thế, nhân dân còn là “tác giả tập thể”, “chủ nhân chân chính” của rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian đặc sắc, có giá trị nhân văn và tính giáo dục sâu sắc được truyền từ đời này sang đời khác. Không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật bác học cũng được sáng tác trên cơ sở kho tàng văn hóa khổng lồ do nhân dân sáng tạo.
Ba là, việc quy định mọi người có quyền “sáng tạo các giá trị văn hóa” trong Hiến pháp, một mặt, khẳng định vai trò, khả năng và năng lực tiềm tàng trong sáng tạo các giá trị văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân; mặt khác, động viên, khuyến khích mọi người chủ động, ra sức đóng góp tâm huyết, sức lực, tài năng, trí tuệ tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa mới để không ngừng làm giàu đời sống văn hóa cho cá nhân, cộng đồng và xã hội.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng của quốc gia
Khoản 1 Điều 64 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước”. Theo tôi, cần bổ sung nội dung “là sức mạnh nội sinh quan trọng của quốc gia” vào khoản này, thành: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước, là sức mạnh nội sinh quan trọng của quốc gia”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII chỉ rõ: “Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”(5). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng xác định: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(6).
“Sức mạnh nội sinh” là sức mạnh bên trong, có ý nghĩa sinh sôi, nảy nở, lan tỏa và phát triển không ngừng. Khẳng định văn hóa là “nền tảng tinh thần, động lực phát triển, sức mạnh nội sinh” để nhấn mạnh thế “chân kiềng” vững chắc của văn hóa với tư cách là “sức mạnh mềm” có liên quan mật thiết đến sự trường tồn, thịnh suy, hưng vong của quốc gia dân tộc. Do đó, việc quy định văn hóa “là sức mạnh nội sinh quan trọng của quốc gia” trong Hiến pháp là sự khẳng định dứt khoát và đề cao vị thế văn hóa dân tộc, sức mạnh văn hóa của quốc gia trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Xây dựng con người Việt Nam có tri thức
Khoản 3 Điều 64 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” với 5 tiêu chuẩn cụ thể là “Giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, để con người Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, đề nghị bổ sung một tiêu chuẩn nữa là “có tri thức” vào nội dung này, thành: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tri thức, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Bổ sung như vậy là phù hợp với tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII: “Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”(7) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”(8).
Đưa thêm tiêu chuẩn con người Việt Nam “có tri thức” vào Khoản 3 Điều 64 nhằm bảo đảm sự gắn kết lô-gíc hơn với quy định về mục tiêu giáo dục tại Khoản 1 Điều 66 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.
Hai yếu tố đặc trưng quan trọng nhất của một nhân cách là phẩm chất và năng lực (đức và tài), hay nói như Bác Hồ là phải “vừa hồng, vừa chuyên”. “Có tri thức” là một trong những tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu để người dân Việt Nam có đủ khả năng, trình độ tiếp cận với các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại và tự tin hội nhập quốc tế trong thời đại “kinh tế tri thức”, “văn minh trí tuệ”./.
--------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 76
(2), (3) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 45, 68
(4) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã dẫn, tr. 75
(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã dẫn, tr. 55
(6) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã dẫn, tr. 76
(7) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã dẫn, tr. 59
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã dẫn, tr. 77
Những chuyển biến tích cực của huyện miền núi Tuyên Hóa qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII  (23/07/2013)
Những chuyển biến tích cực của huyện miền núi Tuyên Hóa qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII  (23/07/2013)
Kiện toàn hệ thống chính trị của Tạp chí Cộng sản  (23/07/2013)
Quy định chi tiết về minh bạch tài sản, thu nhập  (22/07/2013)
Việt Nam - Thái Lan hợp tác phòng, chống rửa tiền  (22/07/2013)
Việt Nam gửi điện thăm hỏi động đất ở Trung Quốc  (22/07/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên