TCCSĐT - Ngày 22 và 23-9-2010, Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực với chủ đề “Bắc Cực - khu vực để đối thoại” do hãng thông tấn Nga “RIA Novosti” và Hội Địa lý Nga phối hợp tổ chức diễn ra tại Mát-xcơ-va. Sự kiện quốc tế này được đánh giá là một trong các biện pháp để tăng cường đối thoại và hợp tác hoà bình giữa các nước trong khu vực nhằm khảo sát thăm dò và khai thác tốt nhất kho báu thiên nhiên quý hiếm ở Bắc Cực.

Bắc Cực - di sản chung của thế giới

Thiên nhiên của Bắc Cực được coi là di sản chung của toàn nhân loại chứ không riêng của những nước có biên giới liền kề với khu vực này của Trái Đất. Đây là khu vực quan trọng đối với toàn thế giới và nhạy cảm nhất trước quá trình ấm lên toàn cầu. Do Trái Đất đang nóng dần lên, các lớp băng trước đây được coi là vĩnh cửu ở Bắc Cực đang tan nhanh với tốc độ lớn hơn rất nhiều so với dự báo.

Theo tính toán của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, khoảng hơn 800 triệu người trên khắp thế giới sẽ rơi vào khu vực được coi là thảm họa do sự tan băng ở Bắc Cực liên quan tới tầng ô-dôn bị tàn phá, gây ra. Nhiều khu vực nông nghiệp sẽ bị nước biển dâng nhấn chìm trong nước.

Việc khai thác tài nguyên ở Bắc Cực đang tàn phá môi trường sinh thái nơi đây. Những tác động tiêu cực đối với môi trường Bắc Cực, một phần, xuất phát từ sự hiểu biết của con người về Bắc Cực còn quá ít, trong khi đó dân số bản địa đã từng sinh sống hàng ngàn năm nay ở Bắc Cực đang ngày một thưa thớt dần. Do đó, các nước xung quanh Bắc Cực sẽ phải nghiên cứu nhằm đưa ra cách tiếp cận chung đối với vấn đề an ninh sinh thái ở Bắc Cực. Điều cấp bách và quan trọng hiện nay là nghiên cứu soạn thảo Công ước quốc tế về bảo tồn Bắc Cực.

Đã tới lúc cần đối thoại thẳng thắn về vấn đề Bắc Cực

Do cuộc tranh chấp chủ quyền ở Bắc Cực ngày càng gay gắt, đã tới lúc các quốc gia có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế cần tiến hành đối thoại thẳng thắn và nghiêm túc về Bắc Cực.
 
Trong thập kỷ tới, Bắc Cực sẽ là một trong những chủ đề quan trọng của tiến trình hợp tác quốc tế. Với ý nghĩa đó, Nga đã đề xuất sáng kiến thành lập Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực với chủ đề “Bắc Cực - khu vực để đối thọai”. Lần đầu tiên một diễn đàn quốc tế có quy mô lớn như vậy về Bắc Cực đã được tổ chức và trong thời gian tới Diễn đàn này sẽ được tổ chức định kỳ ở Nga.

Chính phủ Nga đánh giá rất cao ý nghĩa của Diễn đàn này, vì thế Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã tới dự. Tham dự Diễn đàn có gần 300 khách mời, trong đó có các chuyên gia nghiên cứu về Bắc Cực; khách mời đến từ các quốc gia có liên quan trực tiếp tới Bắc Cực gồm I-xlan-đi-a, Ca-na-đa, Phần Lan, Na-uy, Mỹ, Thuỵ Điển, Đan Mạch; cùng đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ các doanh nghiệp, các chính khách và luật sư.
 Hội đồng Bắc Cực được thành lập từ năm 1996 với sự tham gia của Đan Mạch, Phần Lan, Cộng hòa Ai-len, Ca-na-đa, Na-uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng Bắc Cực.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, ông Lac-xơ Mê-lơ, Chủ tịch Ủy ban các quan chức cấp cao của Hội đồng Bắc Cực, tuyên bố, chủ trương “Bắc Cực - lãnh thổ giành để đối thoại” của Diễn đàn này phản ánh chính xác đặc điểm cơ bản của khu vực này của Trái Đất là hoà bình, hữu nghị và hợp tác xây dựng của các nước nhằm phát triển bền vững khu vực Bắc Cực. Theo ông Lac-xơ Mê-lơ, Bắc Cực đang thay đổi nhanh chóng do sự thay đổi khi hậu dưới tác động của quá trình ấm lên toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến sự hình thành các khả năng và thách thức mới và trong bất kỳ thời điểm nào cũng cần có sẵn các công cụ cần thiết để đương đầu với những thách thức đó. Vì thế, Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực sẽ đóng góp phần đáng kể vào sự hợp tác giữa các nước có chủ quyền tại đây.

Các nội dung chính của Diễn đàn xoay quanh các vấn đề Bắc Cực liên quan tới lợi ích của toàn nhân loại và lợi ích của các quốc gia có chủ quyền tại đây. Một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận là việc xúc tiến quá trình xác định ranh giới thềm lục địa ở Bắc Cực.

Ông An-tôn Va-xi-liep, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga tại Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực cho biết, các nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ chủ quyền của mình đối với thềm lục địa ở Bắc Cực tại Uỷ ban của Liên hợp quốc đang có kết quả khả quan và sẽ góp phần giải toả xung đột với các quốc gia khác hiện đang tranh giành chủ quyền đối với thềm lục địa tại đây. Na-uy hiện cũng đã xác định đựơc ranh giới thềm lục địa của họ tại Uỷ ban của Liên hợp quốc. Năm 2001, Nga đã đệ trình Uỷ ban về thềm lục địa của Liên hợp quốc các minh chứng về chủ quyền của mình và hiện nay đang thu thập thêm các chứng cử mới có sức thuyết phục hơn. Hiện nay, tàu khảo sát thăm dò mang tên “Viện sỹ Phê-đô-rôp” của Nga và các tàu của Mỹ, Ca-na-đa đang tiếp tục nghiên cứu thềm lục địa ở Bắc Cực.

Ông Ac-tơ Chi-li-ga-rôp, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Bắc Cực, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép phụ trách hợp tác ở Bắc Cực và Nam Cực, cho rằng các cuộc gặp và thảo luận các vấn đề hiện nay về bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên ở hai địa cực có thể được tiến hành hàng năm hoặc hai năm một lần nhằm tìm ra phương án tối ưu để kết hợp lợi ích quốc tế và lợi ích quốc gia tại một khu vực có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình ấm lên toàn cầu.

Trước khi khai mạc Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực ở Mat-xcơ-va, Nga và Na-uy đã thể hiện một cách thức giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ phức tạp ở khu vực được coi là kho báu khổng lồ của Trái Đất bằng việc ký Hiệp định giữa Nga và Na-uy, theo đó khu vực tranh chấp giữa hai nước rộng tới 175.000 km2 sẽ được chia gần đều cho cả hai bên.

Tham luận tại Diễn đàn, ông I-go Che-xtin, Giám đốc Quỹ bảo vệ thiên nhiên của Nga, cho rằng Diễn đàn quốc tế về Bắc Cực năm 2010 sẽ tạo động lực để các nước có chủ quyền ở vùng Bắc Cực ký kết thoả thuận về các tiêu chuẩn quốc tế thống nhất về khai thác, vận chuyển dầu mỏ và khí đốt cũng như đánh bắt cá và các tài nguyên thiên nhiên khác. Các nước nên và cần đạt được thoả thuận đó trước khi đi tới quyết định phân định chủ quyền ở Bắc Cực. Theo ông I-go Che-xtin, một khi thảm họa sinh thái xảy ra ở Bắc Cực do khai thác tài nguyên không hợp lý sẽ để lại hậu quả xấu trên quy mô quốc tế. Thảm hoạ tràn dầu ở vịnh Me-xi-cô của Mỹ là minh chứng nhãn tiền nhất về nguy cơ tương tự có thể xảy ra ở Bắc Cực trong tương lai. Do đó, khai thác tài nguyên ở Bắc Cực phải luôn kèm theo các biện pháp bảo vệ môi trường, trước hết các nước cần thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn khi thăm dò, khảo sát và khai thác tài nguyên ở Bắc Cực.

Nga khẳng định không quân sự hóa Bắc Cực

Ngày 20-9-2010, tại cuộc họp báo giới thiệu Hội nghị quốc tế về Bắc Cực, ông An-tôn Va-xi-liep, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga phụ trách phối hợp các nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan tới Bắc Cực, Chủ tịch Ủy ban các quan chức cấp cao của Hội đồng đặc trách khu vực châu Âu - Bắc Cực và là đại diện của Nga trong Hội đồng Bắc Cực, khẳng định, Nga không có ý định quân sự hoá Bắc Cực và sẽ không xây dựng các lực lượng quân sự Bắc Cực. Theo ông, Nga chỉ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cũng như các phương tiện cần thiết để bảo đảm an ninh cho hoạt động giao thông hàng hải ở Bắc Cực.

Trước đó, ngày 6-7-2010, phát biểu tại cuộc hội thảo được tổ chức tại Luân Đôn với chủ đề “Môi trường và địa chính trị”, Đại sứ Nga tại Anh, ông Y-u-ri Phê-đô-tôp tuyên bố, các nước không nên lo ngại về khả năng xung đột ở Bắc Cực và tình hình tại đây vẫn nằm dưới sự kiểm soát và rất ít cơ hội để nơi đây có thể trở thành khu vực xung đột quân sự do tranh chấp gây nên. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết tất cả các tranh chấp phát sinh có thể được giải quyết ổn thỏa thông qua đàm phán và hợp tác cùng có lợi dựa trên nền tảng quan hệ ngoại giao của 5 quốc gia có vùng hải phận trên Bắc Cực./.