Với một thế giới đã thay đổi, chúng ta phải thay đổi theo!
Đúng vào 12 giờ ngày 20-1-2009, giờ Oa-sinh-tơn (0 giờ ngày 21-1-2009, giờ Hà Nội), ông Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Mỹ. Thông điệp trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông B.Ô-ba-ma đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, đưa đất nước ra khỏi tình trạng bị suy thoái kinh tế và mệt mỏi vì sa lầy trong cuộc chiến “chống chủ nghĩa khủng bố”.
Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 1-2 triệu người đã đến chứng kiến buổi lễ nhận chức này. Đây là một con số kỷ lục, vượt xa con số trước đây là 800 nghìn người khi cựu Tổng thống Bin Clin-tơn nhận chức.
Quả là chưa bao giờ nước Mỹ và cộng đồng thế giới lại chờ đợi một tân Tổng thống Mỹ nhậm chức đến vậy. Sự mong đợi đó khẳng định một điều không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới hy vọng vị Tổng thống thứ 44 này sẽ hiện thực hóa quan điểm của mình trong chính sách đối nội và đối ngoại đã được thể hiện trong suốt thời gian vận động tranh cử. Những sự kiện diễn ra trên thế giới vừa qua cho thấy rõ một thực tế là, đã đến lúc không một nước nào, kể cả siêu cường như Mỹ, có thể tự mình giải quyết tất cả những vấn đề của thế giới. Điều này được thể hiện ở kết quả của hàng loạt cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trước ngày ông B.Ô-ba-ma nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Tại Pháp, 72% số người được hỏi tin rằng tân tổng thống Mỹ sẽ nỗ lực mang lại hòa bình và cải thiện tình hình kinh tế. 79% người dân Mỹ tỏ ra lạc quan về nhiệm kỳ Tổng thống của ông B.Ô-ba-ma - một kỷ lục về mức tín nhiệm đối với một vị tân tổng thống Mỹ từ 30 năm nay. Giáo hoàng Benedict XVI gửi lời chúc mừng tân Tổng thống Mỹ, đồng thời hy vọng rằng, ông sẽ là người thúc đẩy hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc như đã cam kết trong diễn văn nhậm chức.
Tại Trung Ðông, người ta hy vọng tổng thống mới của Mỹ sẽ giúp lập lại hòa bình tại dải đất Ga-da vừa trải qua bom đạn và vẫn đang đứng trước nguy cơ tiếp tục hứng chịu đạn bom; cải thiện hình ảnh nước Mỹ trong thế giới A-rập. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao I-ran nói: Tổng thống mới của Mỹ cần thay đổi chính sách của nước Mỹ trong quan hệ với Trung Đông. Quan điểm truyền thống trước đây của Mỹ về khu vực này sẽ không dẫn tới điều gì. “Mỹ cần có các chuyên gia mới về Trung Đông”. Tổng thống mới của Mỹ cần hiểu rõ một sự thật là, chính sách của chính quyền Mỹ trước đây, đặc biệt là trong 8 năm vừa qua, đối với những khu vực khác nhau trên thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng là nguyên nhân chính dẫn tới thái độ không thân thiện của khu vực này với Mỹ.
Bên cạnh niềm tin, sự lạc quan, niềm hy vọng đối với ông B.Ô-ba-ma, cũng có không ít nhà lãnh đạo cảnh báo về những khó khăn mà ông sẽ phải đối mặt ngay khi bước chân vào Phòng Bầu dục, trong khi không có “chiếc đũa thần” trong tay để giải quyết mọi vấn đề. Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã khái quát khá chính xác một khía cạnh tâm lý trong thái độ của người dân trên thế giới và người dân Mỹ bằng một lời bình rất khúc triết: "Do phải chịu những thất vọng quá lớn nên người ta thành ra hy vọng quá nhiều!". Đây thực sự là một thách thức đối với một trong những vị Tổng thống trẻ nhất nước Mỹ, đăng quang trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới được tô bằng màu xám nhiều hơn màu hồng.
Có lẽ vì thế mà trong bài phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc để đưa đất nước vượt qua cơn suy thoái kinh tế và tìm lối thoát khỏi “cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố” vẫn đang trong tình trạng vô vọng.
Vực dậy nền kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống. “Thực trạng nền kinh tế hiện nay đòi hỏi phải có những hành động kiên quyết và khẩn trương - và chúng ta sẽ hành động không chỉ để tạo ra những chỗ làm việc mới mà còn để tạo ra ra những nền tảng mới cho sự tăng trưởng”.
Khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm hiện nay trên thế giới, ông B.Ô-ba-ma tuyên bố: "Đối với những kẻ tìm cách đạt tới mục đích bằng việc kích động khủng bố và tàn sát người vô tội, chúng ta nói với chúng rằng tinh thần của của chúng ta đã mạnh hơn và không thể bị bẻ gẫy. Chúng ta sẽ đánh bại chúng! Chúng ta là đất nước của Thiên chúa giáo và Hồi giáo, của Do Thái giáo và Hin-đu giáo và của cả những người không phải tín đồ của tôn giáo nào. Nước Mỹ cần phải đóng vai trò của mình trong việc mở ra kỷ nguyên mới của hòa bình. Đối với thế giới đạo Hồi, chúng ta sẽ tìm cách thức mới để tiếp cận, dựa trên những lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện trách nhiệm chuyển giao đất nước I-rắc cho nhân dân nước này và tạo dựng nền hòa bình ở Ap-ga-ni-xtan dù phải rất khó khăn mới có được. Chúng ta cũng sẽ làm việc không mệt mọi để làm giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân và đẩy lùi bóng ma của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Đối với nhân dân các nước nghèo, chúng ta cam kết cùng làm việc để ruộng đồng của họ có cây trái sum sê, khiến những dòng nước sạch tuôn chảy và cứu gúp những cơ thể đang chết dần vì đói. Còn đối với những quốc gia giống như chúng ta đang thụ hưởng sự sung túc tương đối, chúng ta hãy chấm dứt sự thờ ơ với những đau khổ bên ngoài biên giới, hoặc tiêu dùng các nguồn tài nguyên của thế giới mà không quan tâm đến những tác động của chúng. Với một thế giới đã thay đổi, chúng ta phải thay đổi theo".
Nước Mỹ và thế giới đang chờ đợi và kỳ vọng tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ hiện thực hóa giấc mơ của mục sư Mác-tin Lu-thơ-kinh - một người đã xả thân đấu tranh vì những quyền cơ bản nhất của con người là công bằng và bác ái không chỉ giữa những người có màu da khác nhau mà còn giữa tất cả các dân tộc trên Trái Đất, cũng như chờ đợi lời tuyên bố của Tổng thống B.Ô-ba-ma khi nhậm chức là “nước Mỹ sẽ là bạn của mỗi nước, của mỗi người đàn ông, mỗi người phụ nữ, mỗi em bé - những người đang nỗ lực vì tương lai của thế giới và hướng tới những giá trị tốt đẹp”, sẽ trở thành sự thật./.
Năm 2008: Sự hình thành của thế giới đa cực?  (23/01/2009)
Triển khai hơn 70 đầu việc cụ thể thực hiện 3 mục tiêu lớn năm 2009  (22/01/2009)
Lãi suất ngân hàng và tác động đến kích cầu đầu tư sản xuất kinh doanh  (22/01/2009)
Kinh tế thế giới năm 2008 và dự báo năm 2009  (22/01/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên