Liệu kịch bản chiến tranh I-rắc có lặp lại ở Xy-ri?

Đại tá Lê Thế Mẫu
17:48, ngày 06-05-2013
TCCSĐT - Vừa qua, nhiều quan chức trong Chính phủ Mỹ bất ngờ tuyên bố “đã có bằng chứng về việc Chính phủ của Tổng thống Ba-xa An Át-xát sử dụng vũ khí hóa học ở quy mô nhỏ trong cuộc xung đột ở Xy-ri”. Còn Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nhấn mạnh, một khi kết quả thanh tra khẳng định lực lượng của Chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học sẽ “làm thay đổi cuộc chơi”. Phải chăng, sự “thay đổi cuộc chơi” này là tín hiệu lặp lại kịch bản chiến tranh I-rắc ở Xy-ri?
Nhìn lại lịch sử chiến tranh I-rắc

Đến nay, dư luận vẫn chưa thể quên cách đây hơn 10 năm, Mỹ và một số nước đồng minh đã dàn dựng chứng cớ giả về việc Chính phủ của cựu Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen, “sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” (trong đó có vũ khí hóa học), “có liên quan tới các tổ chức khủng bố quốc tế”, và lấy cớ đó để phát động cuộc can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền.

Để chứng minh I-rắc sở hữu vũ khí hóa học, ngày 5-02-2003 Ngoại trưởng Mỹ Cô-lin Pao-oen (Colin Powell) đã cầm trong tay chiếc lọ thủy tinh chứa một loại chất bột trắng khi ông trình bày bản báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khẳng định chất bột đó là “vũ khí sát thương hàng loạt của I-rắc”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của các thanh sát viên Liên hợp quốc đã không khẳng định được bằng chứng về việc I-rắc có sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt và do đó Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không ra được nghị quyết cho phép Mỹ can thiệp quân sự do chưa có chứng cứ xác thực.

Mặc dù bị nhiều nước trên thế giới phản đối, trong đó có cả các đồng minh của mình trong NATO là Đức và Pháp, song Tổng thống Mỹ thời đó là G.W. Bu-sơ vẫn phát động chiến dịch can thiệp quân sự mang tên “Tự do cho người I-rắc” dựa trên các “luận cứ” riêng của ông. Sau khi đã tiến quân vào Bát-đa và lật đổ Tổng thống Xát-đam Hút-xen, Mỹ và đồng minh vẫn không tìm được dấu vết vũ khí hủy diệt hàng loạt của I-rắc mà họ đã từng dùng để biện minh cho lý do phát động cuộc chiến.

Về sau này, chính Ngoại trưởng Mỹ Cô-lin Pao-oen đã phải công nhận rằng “bằng chứng về việc I-rắc sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” là giả. Còn Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ khi sắp kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2008, đã phải thú nhận trên kênh truyền hình
ABC của Mỹ rằng, quyết định tiến hành chiến tranh lật đổ ông Xát-đam Hút-xen được đưa ra dựa vào tin tức tình báo giả và đây “là điều hối tiếc lớn nhất trong sự nghiệp tổng thống của ông”.

Hiện nay, chỉ còn lại một thực tế phũ phàng mà cả thế giới phải chứng kiến. Đó là chủ quyền của một quốc gia bị xâm phạm, đất nước I-rắc, sau hơn 10 năm phát động chiến tranh vẫn lâm vào cảnh của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Người dân I-rắc vẫn phải sống trong lầm than và bị khủng bố đe dọa mạng sống hằng ngày, hằng giờ, còn tài nguyên dầu mỏ của họ
thì bị cướp đoạt.

 
Ngoại trưởng Mỹ Cô-lin Pao-oen cầm chiếc lọ con được coi là đựng “vũ khí sát thương hàng loạt” của I-rắc khi ông này trình bày trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Ảnh do AP đưa tin ngày 05-02-2003)

Không chỉ tạo cớ giả để phát động chiến tranh I-rắc

Theo Giêm Bam-pho (James Bamford), tác giả của chuyên khảo có tựa đề “Body of Secrets” (tạm dịch là Cơ quan bí mật), được biên soạn dựa trên cơ sở các tài liệu mật đã được giải mã theo Luật Tự do ngôn luận của Mỹ và được ấn hành năm 1997, thì lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ là chuỗi dài các vụ tạo cớ giả để phát động chiến tranh nhằm vào các nước khác. Tác giả Giêm Bam-pho đã mô tả nhiều sự kiện đáng chú ý.

Năm 1846, Quân đội Mỹ dàn dựng sự kiện “Mê-hi-cô tiến công các đơn vị Quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hoa Kỳ”, lấy cớ đó phát động chiến tranh can thiệp vào Mê-hi-cô và chiếm 54% lãnh thổ của quốc gia này. Trước đó, Mỹ đã chiếm đoạt bang Tếch-dát (Texas) của Mê-hi-cô.

Năm 1861, để phát động cuộc chiến tranh ở Địa Trung Hải, nước Mỹ đổ lỗi cho các tàu hải tặc ở Tri-pô-li tiến công tàu chiến của Mỹ ở vùng biển này. Trên thực tế, vụ tiến công đó là do một tàu ngầm cỡ nhỏ của Mỹ thực hiện nhằm vào một tàu vận tải cỡ lớn. Sự kiện này mở đầu cuộc chiến tranh do Hải quân Mỹ tiến hành trên Địa Trung Hải với sự hỗ trợ của các nước châu Âu để chiếm đoạt các vùng lãnh thổ các quốc vương của Đế chế Ốt-tô-man (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Năm 1898, Mỹ điều tàu bọc thép “Man” tới La Ha-ba-na chở theo 800 tấn than đá dễ bốc cháy, nghĩa là vượt quá gấp 3 lần số than đá cần thiết để đi đến Cu-ba. Ngày 15-02-1898, tàu bọc thép này được kích nổ tan tành, làm chết toàn bộ kíp lái và thủy thủ đoàn gồm 260 người. Sự kiện này tạo cớ để mở đầu cuộc can thiệp của Mỹ vào các khu vực thuộc địa của Tây Ban Nha ở Mỹ La-tinh.

Năm 1915, Mỹ sử dụng một tàu chở khách chất đầy vũ khí và thuốc nổ, đi từ Mỹ sang Anh, cố tình để cho tàu ngầm của Đức tiến công và đánh đắm, làm chết 1.200 hành khách, trong đó có 125 người Mỹ. Sự kiện này tạo cớ cho Mỹ nhảy vào tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ I.

Từ đầu những năm 1960, Mỹ xây dựng đề án mang tên "Northwoods" để gây ra hàng loạt vụ khủng bố, sau đó sẽ cáo buộc Cu-ba gây ra tội ác đẫm máu đó rồi lấy cớ đó tiến công tại đây. Theo kế hoạch này, một lực lượng đặc nhiệm được giao nhiệm vụ tiến hành hàng loạt vụ khủng bố nhằm vào dân thường trên các đường phố ở Mỹ như Oa-sinh-tơn và nhiều thành phố khác; đánh đắm nhiều tàu vận tải chở dân tị nạn Cu-ba trên biển; tiến công các tàu quân sự của Mỹ đóng tại vịnh Gu-an-ta-na-mô. Sau đó, đổ lỗi cho Cu-ba tổ chức các hành động khủng bố nhằm vào Mỹ, lấy cớ đó thu hút sự ủng hộ của dư luận quốc tế cũng như trong nước để tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực chống Cu-ba. Đề án này đã bị Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi (Kennedy) bác bỏ vì “quá mạo hiểm”.

Tháng 8-1964, Mỹ dàn dựng “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, theo đó khu trục hạm của Mỹ “Ma-đốc” ("Maddox") bị phía Việt Nam tấn công trên vùng biển quốc tế ở vịnh Bắc Bộ. Viện cớ này, sau đó 2 tháng Mỹ mở cuộc ném bom vào miền Bắc Việt Nam. Trong cuốn hồi ký của Tổng thống Mỹ Lin-đơn Giôn-xơn (Lyndon B. Johnson), ông công nhận rằng tàu “Ma-đốc” của Mỹ đã nổ súng trước vào các tàu chiến của Bắc Việt Nam, còn việc tàu “chiến Bắc Việt Nam tấn công tàu chiến Mỹ trên vùng biển quốc tế” chỉ là một sự dàn dựng.

Năm 1999, lợi dụng cuộc xung đột ly khai giữa người dân Cô-xô-vô gốc An-ba-ni và người Xéc-bi, Mỹ và NATO tiến hành chiến dịch chiến tranh thông tin trên phạm vi thế giới để tạo dựng lên “thảm kịch” người Xéc-bi “tàn sát dã man” người Cô-xô-vô, rồi lấy cớ “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Liên bang Nam Tư, mở đầu quá trình “xúc tiến dân chủ” ở quốc gia này.

  
                     Chuyên khảo “Body of Secrets”và tác giả Giêm Bam-pho.

Liệu “truyền thống” tạo cớ giả để phát động chiến tranh có lặp lại ở Xy-ri?

Căn cứ vào các tuyên bố của một số quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ, cũng như động thái của một số nước ủng hộ các lực lượng đối lập ở Xy-ri, hiện có nhiều dấu hiệu chứng tỏ nhóm “Những người bạn của Xy-ri” đang tạo dựng câu chuyện Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học, lấy đó làm căn cứ để phát động cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia này nhằm lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát (2,3).

Tuy nhiên, kịch bản can thiệp quân sự vào Xy-ri có nhiều điểm khác biệt so với cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003. Đó là, Xy-ri là quốc gia đã từng tuyên bố họ sở hữu vũ khí hóa học, nên cái cớ mà nhóm “Những người bạn của Xy-ri” cần tạo dựng là “Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”. Để tạo cớ, nhóm “Những người bạn của Xy-ri” đã tiến hành chiến dịch chiến tranh thông tin trên phạm vi thế giới, liên tục đưa ra các “chứng cứ” cáo buộc Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, theo tuyên bố của Chính phủ Xy-ri, các tổ chức khủng bố đã bí mật chuyên chở vũ khí hóa học từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và vừa qua đã sử dụng trong cuộc chiến chống lại lực lượng ủng hộ Tổng thống Ba-xa An Át-xát tại A-lép-pô (Aleppo), thuộc khu vực Khan An A-xan (Khan al-Asal), sau đó chính họ lại lớn tiếng cáo buộc Chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học. Câu chuyện này tương tự như việc các tổ chức khủng bố đã từng gây ra nhiều vụ thảm sát hàng loạt, sau đó cáo buộc Chính phủ Xy-ri “tàn sát dân thường” và “vi phạm nhân quyền”. Do đó, sự can thiệp quân sự từ bên ngoài có thể diễn ra theo một số kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, lấy cớ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học, các nước trong nhóm "Những người bạn của Xy-ri" tranh thủ sự ủng hộ của dư luận để tăng cường viện trợ cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giôn Ke-ry (John Kerry), một khi khẳng định được bằng chứng Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ sẽ bắt đầu viện trợ vũ khí cho các lực lượng đối lập hoặc thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri để họ tự giải quyết vấn đề tiêu diệt chính thể hiện nay ở Đa-mát. Hiện nay, trong hàng ngũ các lực lượng đối lập ở Xy-ri đã có nhiều chiến binh đến từ các nước trong nhóm "Những người bạn của Xy-ri".

Theo tờ “The National Pos” (của Ca-na-đa) công bố số liệu trích từ Báo cáo của Trung tâm quốc tế nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh), từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 2.000 đến 5.500 người nước ngoài tham chiến trong hàng ngũ các lực lượng đối lập ở Xy-ri, trong đó có 590 người đến từ các nước châu Âu như Anh, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Đức. Ngoài ra, các lực lượng đối lập ở Xy-ri hiện đang sử dụng phổ biến chiến thuật khủng bố mà điển hình nhất là vụ khủng bố mới đây nhằm vào Thủ tướng Xy-ri, ông Oa-en An Han-ki (Wael al Halki).

Kịch bản thứ hai, một khi kịch bản thứ nhất thất bại, có nhiều khả năng sẽ diễn ra cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Xy-ri ngay cả khi Xy-ri không sử dụng vũ khí hóa học. Theo nhận định của ông I-go Cô-rốt-chen-cô (Igor Korotchenko), Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí toàn cầu, trong trường hợp đó, nhóm “Những người bạn của Xy-ri” sẽ mượn cớ áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm “bảo vệ kho vũ khí hóa học của Xy-ri, không để chúng lọt vào tay các lực lượng khủng bố”, nhằm can thiệp quân sự vào Xy-ri. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra. Trước đây, các quan chức Mỹ đã nhiều lần bắn tin rằng họ có thể mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Xy-ri nếu Chính phủ Đa-mát không thể bảo quản chắc chắn các kho vũ khí hóa học của họ.

Tuy nhiên, khác với kịch bản chiến tranh I-rắc năm 2003, lần này Mỹ sẽ không trực tiếp tham gia mà sẽ sử dụng lực lượng của các đồng minh ở Trung Đông như I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ, Ca-ta, A-rập Xê-út... Đây là kịch bản vô cùng mạo hiểm vì lúc đó kho vũ khí hóa học của Xy-ri có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố. Lúc đó, Trung Đông sẽ bị cuốn vào vòng xoáy xung đột và chiến tranh với hậu quả nghiêm trọng mà chưa ai có thể dự báo hết được diễn biến phức tạp, đầy những yếu tố bất ngờ, đối với khu vực và thế giới.

Ngoài các kịch bản trên, diễn biến tình hình Xy-ri có thể diễn ra theo một kịch bản không kém nguy hiểm là ngày càng xuất hiện nhiều khả năng một nước Xy-ri bị "chia năm, xẻ bảy" bởi các phe nhóm khác nhau nắm quyền kiểm soát. Dấu hiệu của kịch bản này là, các lực lượng đối lập ở Xy-ri tuyên bố đã kiểm soát được tất cả các con đường dẫn vào A-lép-pô, thành phố lớn nhất của Xy-ri, một số khu vực biên giới, các căn cứ quân sự, thị trấn Ra-qua (Raqqa), 70% các khu vực mỏ dầu và bắt đầu xuất khẩu dầu mỏ sang các nước EU. Chính các nước EU đã quyết định mua dầu mỏ của Xy-ri do các lực lượng đối lập xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ Xy-ri đã ra tuyên bố bác bỏ khả năng này và khẳng định rằng, các lực lượng đối lập ở Xy-ri không có tư cách pháp nhân để khai thác và xuất khẩu dầu mỏ sang EU (3).

Một khi các kịch bản chiến tranh rơi vào bế tắc do các lực lượng đối lập ở Xy-ri không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt Chính phủ của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát, có thể các bên sẽ phải tính đến một “kịch bản hòa bình”, theo đó, các bên xung đột sẽ phải chấp nhận giải quyết cuộc khủng hoảng này theo tinh thần của Tuyên bố Giơ-ne-vơ đưa ra ngày 30-06-2012 của Nhóm hành động về Xy-ri, gồm Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, Ngoại trưởng của 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng Ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc, Cô-oét và Ca-ta.

Theo Tuyên bố Giơ-ne-vơ các bên ở Xy-ri sẽ đàm phán để thành lập chính phủ chuyển tiếp tại Xy-ri nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng mà không yêu cầu phế truất Tổng thống Ba-xa An Át-xát. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp, không thể chấp nhận việc lợi dụng cái gọi là “chủ đề Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học” để thực hiện các mục đích địa - chính trị. Ông Xéc-gây La-vrốp nhấn mạnh: “Có thể có các thế lực bên ngoài cho rằng có thể sử dụng mọi phương tiện để lật đổ Tổng thống Ba-xa An Át-xát. Tuy nhiên, cái bẫy vũ khí hóa học quá nguy hiểm và không thể sử dụng nó để thực hiện mục đích chính trị”. Quan điểm của Nga vẫn trước sau như một là yêu cầu tất cả các bên chấm dứt bạo lực, bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong Tuyên bố Giơ-ne-vơ của Nhóm hành động về Xy-ri (4)./.
-----------------
Tài liệu tham khảo

1. James Bamford. Body of Secrets: Anatomy of the Ultra-Secret National Security Agency.
http://www.amazon.com/Body-Secrets-Ultra-Secret-National-Security/dp/0385499086

2. Катар: инсценировка «использования химического оружия в Сирии». http://maxpark.com/community/13/content/1964961

3. Разговорчики в строю. Кто там не чувствует запах химического оружия?. http://maxpark.com/community/13/content/1965610

4.МИД РФ считает политизированным расследование по химоружию в Сирии. http://www.fondsk.ru/news/2013/04/27/mid-rf-schitaet-politizirovannym-rassledovanie-po-himoruzhiju-v-sirii-20252.html