TCCSĐT - “Phát huy vai trò báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” là chủ đề của Hội thảo khoa học do Hội Nhà báo Việt Nam và Văn phòng đại diện Quỹ tài trợ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 24-4-2013.
Tham dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Đại diện Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí ở Trung uơng và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nhà báo, chuyên gia, các tổ chức phi chính phủ và lãnh đạo thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu đang là vấn đề mang tính toàn cầu, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Việt Nam được Liên hợp quốc xác định là một trong sáu quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, biến đổi khí hậu trở thành vấn đề luôn có tính thời sự của giới báo chí - truyền thông quốc tế, trong đó có báo chí Việt Nam.

Nhằm phát huy vai trò báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề: Làm thế nào để báo chí viết về tác động của biến đổi khí hậu có chất lượng hơn, có tác động và hiệu quả xã hội cao hơn? Các cấp, các ngành phối hợp và hỗ trợ như thế nào để báo chí thực hiện tốt vai trò của mình trong truyền thông về biến đổi khí hậu? Những quan điểm, sáng kiến, kinh nghiệm nghề nghiệp và việc tăng cường hơp tác giữa các cơ quan báo chí, các nhà báo trong truyền thông nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu …

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, thời gian qua, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông về biến đổi khí hậu, qua đó mang đến cho công chúng, các cấp lãnh đạo và toàn xã hội nhận thức và sự cảnh báo những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra trong hiện tại và tuơng lai. Từ đó, động viên người dân tham gia và các hoạt động thực tiễn nhằm thích ứng và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu chưa cao.

Một số khó khăn, hạn chế trong truyền thông về biến đổi khí hậu được nêu ra là:

- Biến đổi khí hậu bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội, mỗi nhà báo vì thế khó trang bị đủ kiến thức để hiểu biết đầy đủ về biến đổi khí hậu khi mới tiếp cận;

- Một số cơ quan chức năng chưa chủ động cung cấp thông tin hoặc thông tin không đầy đủ về thực trạng và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho báo chí trong thông tin;

- Một số cơ quan báo chí chưa thật sự quan tâm tuyên truyền thường xuyên về biến đổi khí hậu, chỉ thông tin khi có hội nghị, hội thảo hoặc sự kiện nóng như: sạt lở đất, xâm nhập mặn, khô hạn, triều cường…; thông tin theo phương thức sao chép “kịch bản biến đổi khí hậu”, hời hợt, có khi chỉ dừng lại ở thông tin từ các chuyên gia nhưng cũng có khi thông tin quá mức, gây hoang mang cho người dân…

Theo nhà báo Nguyễn Văn Ngọc, Đài Truyền hình Việt Nam, một trong những hạn chế trong truyền thông về biến đổi khí hậu đang nổi lên là tình trạng một số nhà báo, cơ quan báo chí lúng túng khi thông tin các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu còn có những ý kiến trái chiều; thiếu những bài viết phân tích nguyên nhân, nêu cách thức đối phó, xử lý; thiếu những bài nhận định, bình luận, đánh giá có tính dự báo nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhà báo Tô Vương, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân đề nghị
, để thông tin có hiệu quả về tác động của biến đổi khí hậu, trước hết các cơ quan báo chí cần bám sát các nhiệm vụ, kế hoạch triển khai của các bộ, ngành có liên quan đến đời sống con người đã được nêu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; bám sát những diễn biến bất thường của thời tiết; thông tin kịp thời, chính xác tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người thông qua các thể loại, thể tài báo chí phù hợp. Cần quan tâm các chủ đề trong việc xây dựng “vành đai” về an sinh xã hội như: bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông nghiệp bền vững; tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quyền lợi các nhóm xã hội dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu như: phụ nữ, trẻ em, người già, người nghèo, người dân tộc thiểu số…

Nhà báo Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Biên tập báo Hà Nội mới đề xuất: Phải nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà báo viết về biến đổi khí hậu và môi trường theo hướng tổ chức đào tạo lại, cung cấp kiến thức cập nhật về khoa học, pháp luật…có tính chuyên môn sâu cho các nhà báo trong lĩnh vực này.

Hội thảo đã nhất trí đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy và nâng cao vai trò báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu:

- Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin, có người phát ngôn về biến đổi khí hậu; thiết lập mối quan hệ và kênh thông tin thường xuyên về biến đổi khí hậu giữa nhà báo với nhà khoa học, với các cơ quan chức năng, với chính quyền địa phương, với các tổ chức phi chính phủ…

- Các trường đào tạo báo chí cần có chương trình đào tạo chuyên sâu về truyền thông biến đổi khí hậu; Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí tăng cường phối hợp tổ chức các khóa tập huấn về truyền thông biến đổi khí hậu với sự tham gia của các cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ…

- Song song với việc xây dựng các chương trình, trang mục thường xuyên về biến đổi khí hậu, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phối hợp liên kết, chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu.

- Hội Nhà báo, ngành Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương, các cơ quan báo chí phối hợp tổ chức Giải báo chí, tài trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao và khen thưởng các tác phẩm hay, ấn tượng về đề tài biến đổi khí hậu.

- Các nhà báo tăng cường trách nhiệm với cộng đồng và xã hội thông qua việc thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ và tính năng động trong hoạt động truyền thông biến đổi khí hậu, chủ động làm cho những bài viết về môi trường và biến đổi khí hậu trở nên hấp dẫn, đáng chú ý không thua gì các vấn đề thời sự khác.

- Hình thành một diễn đàn báo chí về biến đổi khí hậu, làm “cầu nối” để các cơ quan quản lý nhà nước chủ động phối hợp và chia sẻ những thông tin mới nhất, chính thống nhất về các hoạt động biến đổi khí hậu trong nước, khu vực ASEAN và thế giới.

- Trong công tác truyền thông, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các cơ quan báo chí nên tăng thêm thời lượng, tin bài về những ích lợi, cơ hội phát triển do biến đổi khí hậu đem lại.