TCCS - Lời Bộ Biên tập: Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 27-12-2012, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Hơn 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan đảng, các bộ, ngành ở Trung ương, các nhà khoa học tới dự Hội thảo. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu Tổng thuật Hội thảo.

TỔNG THUẬT HỘI THẢO

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 96 bản tham luận từ các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực, các địa bàn; các tướng lĩnh, từ các địa bàn trọng điểm rất nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc tới các cơ quan quản lý người Việt Nam sinh sống và học tập tại nước ngoài... Nhìn tổng thể, các tham luận và 13 ý kiến tham luận tại Hội trường, dưới nhiều góc độ, từ nhiều cách tiếp cận, đã kiến giải vấn đề một cách tương đối đa diện, khá phong phú, gợi mở, có đóng góp nhất định về lý luận cũng như thực tiễn.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Khái niệm và các yếu tố tác động

Thuật ngữ “tự diễn biến” (TDB), “tự chuyển hóa” (TCH) chỉ thực sự xuất hiện gần đây sau chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống các nước xã hội chủ nghĩa và các nước có khuynh hướng tiến bộ không theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Bằng thủ đoạn chống phá, các thế lực thù địch tạo sự TDB, TCH từ bên trong nội bộ.

Theo TS. Phạm Chiến Khu (Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương), chúng ta cần có cách hiểu thống nhất về bản chất của hiện tượng này. Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Văn Thắng (Phó chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) khẳng định, những biểu hiện TDB, TCH về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta cảnh báo từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. TDB, TCH lần đầu tiên được khẳng định trong Nghị quyết XI của Đảng. 

Đại tá, PGS, TS. Bùi Trung Thành (Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân), TS. Nguyễn Đức Độ (Trưởng Ban Nghiên cứu,Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng) cho rằng, TDB, TCH là yếu tố bên trong của “diễn biến hòa bình”. Nhận diện đúng các biểu hiện của TDB, TCH là một nhiệm vụ rất cấp bách để giành thế chủ động trong cuộc chiến phòng, chống “diễn biến hòa bình”.

Theo Đại tướng, GS, TS. Trần Đại Quang (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an), “tự diễn biến” là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong nội tâm người cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố tiêu cực và tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ chuyển sang hành động của chủ thể. Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Hà Đăng cho rằng, “tự diễn biến” là quá trình biến đổi từ bên trong cán bộ, đảng viên theo chiều hướng từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ. Biểu hiện rõ nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. 

“Tự chuyển hóa” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, nhưng ở cấp độ cao hơn. Đó là sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị lẫn đạo đức, lối sống, khiến cho cán bộ, đảng viên không còn là chính mình nữa, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành kẻ phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước ta, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù. TDB, TCH là nói về quá trình diễn ra trong chính nội bộ ta. TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, đối tượng của TDB, TCH mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm tới là các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong đó tập trung vào hệ thống tổ chức của Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang.

Theo PGS, TS. Bùi Trung Thành TDB, TCH có thể diễn ra ba giai đoạn, ứng với ba mức độ. Ở giai đoạn ban đầu, đối tượng thể hiện sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; giai đoạn hai, đối tượng bắt đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu chống đối, hoặc lý luận phản động; giai đoạn ba, đối tượng hoàn toàn có tư tưởng phản động, chống đối.

Trung tướng Nguyễn Đức Khiển (Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), đồng chí Nguyễn Phương Nga (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) khẳng định, TDB, TCH có quan hệ mật thiết và là một trong những mục tiêu của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là mảnh đất màu mỡ của TDB, TCH.

Các tác giả đều nhắc tới bài học về việc xóa bỏ chế độ XHCN ở Liên Xô và một số nước Đông Âu của các thế lực thù địch bằng thủ đoạn chống phá tạo sự chuyển hóa từ bên trong. Theo TS. Cao Đức Thái (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), nguyên nhân trực tiếp, thể hiện ở giai đoạn cuối cùng của cuộc khủng hoảng - sụp đổ Liên Xô, Đông Âu là TDB, TCH ngay trong nội bộ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. PGS, TS. Nguyễn Thế Thắng (Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực I) chứng minh, Hồ Chí Minh đã lo lắng rất sớm về sự suy thoái đạo đức, lối sống của những người “lên mặt làm quan cách mạng”, sa vào chủ nghĩa cá nhân trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên.

Các nhà báo Hà Đăng, Hữu Thọ, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị), PGS, TS. Trần Nam Chuân, TS. Nguyễn Đức Độ và nhiều tác giả khác khẳng định, hiện nay TDB, TCH trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là hiện hữu, đáng lo ngại, với nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhiều tác giả nhắc lại lời căn dặn của V.I. Lê-nin là, không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta; và thống nhất: Phòng, chống TDB, TCH trong nội bộ ta thực chất là phòng ngừa, triệt tiêu nguyên nhân chủ quan dẫn đến thoái hóa, biến chất là vấn đề có ý nghĩa quyết định, là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. 

Đại tá Đinh Công Huấn (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Quân sự) khẳng định, trong những sai lầm của người cộng sản, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng là vấn đề nguy hại nhất. Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thắng (Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng) cho rằng, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã và đang gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên trong, bên trên nội bộ Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; khi có thời cơ chúng sẽ sử dụng tổng hợp các biện pháp cả vũ trang và phi vũ trang; kết hợp “nội công, ngoại kích”, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đẩy nhanh sự sụp đổ chế độ XHCN mà chúng đã rắp tâm thực hiện được ở các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. 

PGS, TS. Tô Lâm (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an), PGS, TS. Bùi Trung Thành, Trung tướng, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hồi (Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân) cho rằng, TDB, TCH trong nội bộ ta do nhiều yếu tố trước hết là nguyên nhân chủ quan và nhấn mạnh: Con đường đi lên CNXH ở nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề mới chưa được luận giải kịp thời; một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên ở các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất, chạy chức, chạy quyền, tranh giành, kèn cựa địa vị, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, vi phạm pháp luật và chuẩn mực văn hóa, đạo đức; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên và chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội và hệ thống thông tin đại chúng; tình trạng quản lý cán bộ, đảng viên lỏng lẻo dẫn tới hiện tượng chạy chức, chạy quyền; tác động của mặt trái của cơ chế thị trường v.v..

Bản chất, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên 

Thực tiễn ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, tình trạng TDB, TCH rất nguy hiểm. Một trong các vấn đề mấu chốt là cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn, các hình thức, biện pháp của các thế lực thù địch từ nước ngoài đang tìm mọi cách thúc đẩy TDB, TCH nội bộ ta ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị là sự phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thiếu niềm tin, hoài nghi, thậm chí phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; xa rời các nguyên lý xây dựng Đảng, đòi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ để hướng theo tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phê phán lịch sử thiếu khách quan; đòi xét lại con đường đi lên CNXH và thay bằng con đường phát triển tư bản chủ nghĩa; xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... GS, TS. Lê Hữu Nghĩa (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), Thiếu tướng, GS, TS. Phạm Ngọc Hiền (Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an), Đại tá Nguyễn Đức Khang (Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng) đều khẳng định như vậy. Các thế lực thù địch dùng mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin; đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa tư bản, xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, tác phong, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Nhà báo Trần Quang Hà (Báo Nhân Dân) cho rằng, các thế lực thù địch muốn truyền bá lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy, khuếch trương các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin; móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong nước, lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tung ra những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ ta, hòng bôi đen chế độ.

Theo PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị - Hành chính quốc qia Hồ Chí Minh), sự suy thoái về tư tưởng chính trị trước hết biểu hiện ở sự phai nhạt lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, thậm chí muốn từ bỏ mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam. Biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị còn là sự dao động, thiếu niềm tin, nhất là ở những thời điểm khó khăn của đất nước, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Đại tá, TS. Mẫn Văn Mai (nguyên Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị và nêu gương xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, biểu hiện ở sự coi thường tổ chức, kỷ cương, kỷ luật và các nguyên tắc lãnh đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ, lợi dụng trách nhiệm được giao để mưu cầu lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; coi thường lý luận, không chịu học tập, nghiên cứu lý luận, đường lối quan điểm của Đảng, chủ quan, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa; không cố gắng làm tròn chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, nói và làm trái với quan điểm, nghị quyết của Đảng; từ đó rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa cơ hội, nhất là cơ hội về chính trị, viết hồi ký, tán phát tài liệu trái phép nhằm làm rối dư luận, kích động các hành vi chống đối Đảng, Nhà nước.

Thực tế các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cho thấy, “tự diễn biến” trước hết và chủ yếu về tư tưởng chính trị. Khi tư tưởng chính trị chệch hướng, tất yếu làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước bị chia rẽ, suy thoái, nguy cơ “tự chuyển hóa”, sụp đổ của thể chế chính trị là điều khó tránh khỏi. Đây là lý do lý giải vì sao những năm qua, các thế lực thù địch luôn đặt trọng tâm thúc đẩy TDB, TCH về tư tưởng chính trị, trước hết nhằm vào các cơ quan lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nơi hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của đất nước... một cách tinh vi và đa dạng. Đồng chí Nguyễn Văn Nên (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch luôn khai thác, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gắn với nhân quyền để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Khang, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về kinh tế là sự phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hạ thấp vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đòi tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế, xóa bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất để thay thế bằng chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất... TS. Cao Đức Thái đặt câu hỏi: Phải chăng trong điều kiện của kinh tế thị trường, thiếu cơ chế quản lý hiệu quả, thiếu công khai minh bạch, thiếu sự giám sát khách quan đã dẫn đến hình thành những điều kiện kinh tế - xã hội, như là nguyên nhân của TDB, TCH trong Đảng và Nhà nước ta? Thiếu tá Mai Tùng Lâm (Phó Trưởng phòng, Cục Tham mưu, Tổng cục An ninh II), Đại tá, PGS, TS. Bùi Trung Thành đưa ra những kịch bản TDB ở Việt Nam có thể xảy ra. Một là, về chính trị. Hai là, từ kinh tế chuyển hóa về chính trị. Ba là, các phần tử biến chất liên kết lại dùng “nội công, ngoại kích” tạo ra “cách mạng màu” theo kiểu “mùa xuân Ả-rập”.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống, TDB, TCH là sự đề cao, sùng bái, chạy theo văn hóa, lối sống tư sản; từ bỏ các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, các giá trị văn hóa, đạo đức XHCN; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận nền văn hóa cách mạng; thương mại hóa các hoạt động văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng... Điều đáng lo ngại là những biểu hiện đó lại hiện hữu ở một số người, tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy huân chương” diễn ra rất phức tạp chưa được khắc phục... Tình trạng “thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng chí Cao Văn Thống (Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên từ suy thoái về tư tưởng chính trị, cũng có thể chuyển sang cả suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống ích kỷ, cá nhân, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; tham nhũng, lãng phí, hám danh, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo, không chấp hành nghiêm túc quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp, không gương mẫu trong sinh hoạt gia đình.

Những biểu hiện TDB về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn đề không thể xem thường, bởi vì nhiều khi TDB về đạo đức, lối sống, sự lệch chuẩn giá trị là sự khởi đầu cho TDB về chính trị, tư tưởng. Điều đáng nguy hại là TDB về đạo đức, lối sống diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị trong đó có cả những người có chức, có quyền, nhằm du nhập văn hóa, đạo đức lối sống tư sản trong đời sống của xã hội ta. Đồng chí Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã diễn ra trong một thời gian dài và trên phạm vi rộng, với tính chất và mức độ rất nghiêm trọng. 

Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương) cho rằng, TDB, TCH trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật về bản chất, là một quá trình suy thoái từ bên trong của một số văn nghệ sĩ thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống. 

“Tự diễn biến” trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại là sự phủ nhận của một số người đối với sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung thống nhất của Đảng đối với lực lượng vũ trang, mong muốn “phi chính trị hóa quân đội”, phủ nhận, xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân của Đảng, tuyệt đối hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế, coi nhẹ, buông lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đề cao thuyết vũ khí luận trong điều kiện mới, coi nhẹ yếu tố chính trị tinh thần, gây chia rẽ mất đoàn kết giữa Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân và công an, đối lập tổ chức đảng với tổ chức chỉ huy, chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy, cổ xúy cho những hành động “yêu nước” theo kiểu manh động, như xuống đường biểu tình, tập trung tụ tập đông người gây mất trật tự trị an xã hội. Theo Đại tá, ThS. Đặng Văn Hường (Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị), với âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội các thế lực thù địch đưa ra luận thuyết: “Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào và chủ quyền quốc gia”; phải là “lực lượng trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”, chỉ là “công cụ của quốc gia, dân tộc”(!)... nhằm phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với lực lượng vũ trang nhân dân, hướng tới làm tê liệt ý chí chiến đấu của Quân đội ta.

Đồng chí Nguyễn Phương Nga, đồng chí Trương Mạnh Sơn (Bí thư Đảng ủy Ngoài nước) nhấn mạnh, trong lĩnh vực đối ngoại, các thế lực thù địch cố tình thông tin sai lệch và xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ giữa ta với các đối tác quan trọng nhằm gieo rắc sự hoài nghi, hiểu lầm, bức xúc của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… 

Một số giải pháp chủ yếu phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

PGS, TS. Vũ Văn Phúc (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) nhấn mạnh: Việc phòng, chống TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên hiện nay là một trong những vấn đề cấp bách, nhưng cũng là rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi giải quyết phải rất khoa học, rất công phu và phải rất tinh tế và hiệu quả, để tránh những hậu quả không đáng có trong tình hình hiện nay.

Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phòng, chống TDB, TCH có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó, phòng, chống TDB, TCH trong nội bộ giữ vai trò quyết định; cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại.

Trước hết, trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, Thượng tướng, Viện sĩ, TS. Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Bùi Văn Tâm (Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng), Thiếu tướng Phan Tiến Hạc (Phó Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị) cho rằng, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết. Toàn Đảng cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng; kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. 

GS, TS. Trần Đại Quang khẳng định, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, TDB, TCH là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không phải là mặt trận có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà phải sử dụng tư tưởng, lý luận cách mạng đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; sử dụng chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... PGS, TS. Bùi Trung Thành, TS. Cao Đức Thái, TS. Nguyễn Đức Độ, PGS, TS. Nguyễn Bá Dương, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, TS. Trần Hồng Hà (Phó Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương) đều cho rằng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khắc phục những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội; tích cực tạo bước chuyển biến mới trong phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực, chủ động giữ vững ổn định bên trong với phòng ngừa, ngăn chặn các tác động tiêu cực từ phía chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ở bên ngoài bằng nhiều hình thức, quy mô, lực lượng trên tất cả các lĩnh vực...; tăng cường các biện pháp nắm bắt tình hình địch, tình hình ta ở cơ sở, nhất là những địa phương có “điểm nóng”; kịp thời phát hiện các hoạt động chống phá và xâm nhập trái phép của bọn phản động, sự móc nối của chúng với các phần tử bất mãn với chế độ ta ở trong và ngoài nước... Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đổi mới và tăng cường công tác cán bộ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Để phòng, chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, PGS, TS. Vũ Văn Phúc; TS. Phạm Đình Đảng (Tạp chí Cộng sản); ThS. Lại Xuân Lâm (Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương); Đại tá, TS. Nguyễn Văn Hữu (Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng) đưa ra các nhóm giải pháp trong công tác xây dựng Đảng; quản lý nhà nước; hạn chế tiêu cực từ bên ngoài và phát huy vai trò của tổ chức đảng các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phòng, chống TDB, TCH. GS, TS. Lê Hữu Nghĩa, PGS, NCVCC Trần Đình Huỳnh, PGS, TS. Nguyễn Văn Thắng, Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng), TS. Phạm Văn Khánh (Báo Nhân Dân), Nguyễn Phi Long (Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong các giải pháp đấu tranh, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, tạo ra sức tự đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các binh chủng trên mặt trận tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống hoạt động “diễn biến hòa bình”.

PGS, TS. Nguyễn Thế Thắng, đồng chí Nguyễn Đức Hà đề cao giải pháp đổi mới công tác cán bộ, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI; đấu tranh chống tham nhũng; bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. ThS. Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) khẳng định, để có thể chiến thắng được chính mình trong cuộc đấu tranh tư duy giữa “trắng” và “đen”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải được chuẩn bị hành trang về nhận thức chính trị, bản lĩnh chính trị và phương pháp luận khoa học, từ đó nâng cao khả năng “tự miễn dịch” từ bên trong. GS, TS. Phạm Ngọc Hiền cho rằng, việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có ý nghĩa hết sức quan trọng và có thể xem là một trong những giải pháp cơ bản phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, TDB, TCH. 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Thiếu tướng Lê Đình Luyện (Cục trưởng A88, Bộ Công an), TS. Lê Minh Phụng (Tạp chí Cộng sản) cho rằng, công tác đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tác động chuyển hóa chính trị ở Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thống nhất của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp. 

Trong lĩnh vực kinh tế, đồng chí Nguyễn Đình Phách (Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có cơ cấu hợp lý, có sức mạnh nội sinh, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao để chủ động hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Cần tiếp tục đấu tranh bảo vệ những quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới kinh tế của Đảng. Phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với thủ đoạn lợi dụng các quan hệ kinh tế, các công cụ và thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế... để chi phối, kiểm soát, khống chế, chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt là, cán bộ chủ trì lãnh đạo, quản lý kinh tế không để chủ nghĩa thực dụng, “chủ nghĩa cá nhân” chi phối.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, cần quyết tâm bảo vệ đường lối xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội của Đảng, chủ trương và chính sách văn hóa - xã hội của Nhà nước; bảo vệ, xây dựng và phát triển hệ thống giá trị, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới trên nền tinh hoa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Chống lợi dụng mở cửa, giao lưu văn hóa để quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hệ thống giá trị, những chuẩn mực đạo đức, lối sống của phương Tây. Nhà báo Trần Quang Hà cho rằng, phòng và chống TDB, TCH trong văn học - nghệ thuật trước hết là cần tạo dựng niềm tin, ý chí, sự kiên định với con đường đã lựa chọn,... trong mỗi chủ thể sáng tạo. 

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Trung tướng, TS. Võ Tiến Trung (Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa” trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong quân đội; vạch trần và chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng làm quân đội ta “tự diễn biến” theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghi (Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị); Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Xuân Thành (Học viện Quốc phòng) cho rằng, phòng chống TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên quân đội là vấn đề vừa cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài cần phải được coi trọng và tổ chức thực hiện bằng hệ thống giải pháp đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức... 

Các tham luận đều khẳng định, cần giữ vững và tăng cường khả năng đề kháng trong nội bộ. Xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc là cơ sở để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ tác động từ bên ngoài. Theo đồng chí Nguyễn Đình Phách; ThS. Đỗ Minh Hạnh (Tạp chí Cộng sản); ThS. Nguyễn Tùng Lâm (Bộ Quốc phòng), cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí phải được tăng cường, kiên quyết loại bỏ những con “sâu mọt” ra khỏi bộ máy cơ quan của Đảng, Nhà nước, làm trong sạch các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền; đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng chí Mai Thế Dương (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Trung tướng Vũ Hải Triều (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II), Trung tướng Võ Trọng Việt (Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Đại tá, TS. Vũ Minh Thực (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) khẳng định, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và cán bộ, đảng viên; góp phần kịp thời phát hiện và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót khi mới nhen nhóm, phát sinh với phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, tự bảo vệ mình là chính”; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống TDB, TCH với tinh thần tích cực tấn công làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trước mắt, tập trung giải quyết tốt ba vấn đề mang tính cấp bách về công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI./.