Phó Chủ tịch nước
Nguyễn Thị Doan thăm
và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu
thành phố Lào Cai.
Ảnh: TTXVN
TCCS - Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, trong nhiều năm qua Đảng bộ Lào Cai đã nỗ lực thực hiện công tác này. Những việc làm hiệu quả vừa qua đang trở thành động lực để Lào Cai tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, có 26 xã, phường thuộc khu vực biên giới; với 25 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64,8% số dân. Về tôn giáo, Lào Cai hiện có 3 tôn giáo là Công giáo, Phật giáo và Tin lành. Trong số 164 xã, phường, thị trấn của tỉnh, có 95 xã được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ.

Nhận thức rõ công tác vận động quần chúng có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng, trong suốt những năm qua, Đảng bộ Lào Cai đã lãnh đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác vận động quần chúng, trong đó đặc biệt quan tâm tới đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Thứ nhất, linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, Đảng bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho đồng bào hiểu rõ chính sách dân tộc, tôn giáo và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào, thấy rõ tính đúng đắn, ưu việt của đường lối, chính sách. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí, đồng thời hình thành ý thức tự giác chấp hành và thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào thấy rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, chia rẽ quần chúng với Đảng. Qua đó, giúp đồng bào nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng.

Thứ hai, thông qua công tác vận động quần chúng, thực hiện xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt ở các xã, phường có đồng bào dân tộc và tôn giáo. Vận động và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cốt cán, già làng, trưởng bản, trưởng họ, những người có uy tín trong cộng đồng, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót, sai lầm trong thực hiện đường lối, chủ trương, không để kẻ địch lợi dụng, vu cáo.

Thứ ba, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động tổ chức đồng bào đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các chương trình đền ơn đáp nghĩa. Đảng bộ Lào Cai nhận thức sâu sắc rằng từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm lợi ích cho đồng bào là điều kiện căn bản mang lại hiệu quả cao nhất cho công tác vận động quần chúng nói chung, đồng bào dân tộc ít người, đồng bào có đạo nói riêng. Đó là hành động thiết thực củng cố niềm tin của quần chúng với Đảng, với chế độ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo.

Thứ tư, vận động quần chúng phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi tộc người, từ đó vận động mọi người trân trọng giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Đồng thời chống lại những tín ngưỡng, văn hóa ngoại lai xa lạ với nếp nghĩ, cách sống, với thuần phong, mỹ tục của các dân tộc. Vận động đồng bào bài trừ mê tín, dị đoan, xóa bỏ tệ nạn xã hội.

Nhìn chung, công tác vận động quần chúng ở Lào Cai đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung, đồng bào có đạo nói riêng từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo hằng năm giảm. Trong những năm qua, hệ thống chính trị ở các xã có đạo từng bước được củng cố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng tôn giáo được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo ngày càng được củng cố, không xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo, dân tộc.

Tuy nhiên, công tác vận động quần chúng nói chung và quần chúng có đạo nói riêng thời gian qua còn có những yếu kém. Chưa hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kể cả những nguyện vọng về tinh thần, tâm linh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nắm chắc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo nên thái độ đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong hoạt động tôn giáo chưa kiên quyết, có việc biết mà không giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn, không dứt điểm. Nhiều vấn đề phát sinh từ cơ sở thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình nhưng ở một số nơi cán bộ còn lúng túng bị động, trông chờ, ỷ lại cấp trên.

Nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trên là do đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở còn nhiều hạn chế về trình độ, về phương pháp và kỹ năng, về phong cách thực hiện, tác phong làm việc chưa thật chủ động và sáng tạo, từ đó dẫn tới bất cập với nhiệm vụ.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác vận động đồng bào dân tộc và có đạo, Đảng bộ Lào Cai đã và đang tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp của hệ thống chính trị địa phương làm tốt một số việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về công tác vận động quần chúng của Đảng, giúp họ hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của công tác này. Coi công tác vận động quần chúng là phương thức quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh nguồn lực căn bản là nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thứ hai, đa dạng hóa phương thức, kênh tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc tới tận mỗi người dân; tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, thích hợp, có hiệu quả những vấn đề này từ cơ sở trong phạm vi toàn tỉnh. Chính quyền, đoàn thể các cấp có trách nhiệm không để cho bất cứ thế lực nào áp đặt tôn giáo, tín ngưỡng bằng các thủ đoạn mua chuộc lôi kéo, khống chế đối với nhân dân phục vụ cho những ý đồ đen tối của chúng. Chính sách tôn giáo là một phần quan trọng của chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, do đó cần xác định công tác vận động quần chúng có đạo là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để quần chúng thấy rõ âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng. Cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục đồng bộ, phù hợp để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, phân biệt rõ tôn giáo và lợi dụng tôn giáo, phân biệt tín ngưỡng truyền thống với mê tín dị đoan. Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục để quần chúng nhân dân nhận rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình dù thuộc tộc người nào, theo tôn giáo nào trước pháp luật, đều có nghĩa vụ bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia. Qua đó, động viên đồng bào có đạo phát huy truyền thống yêu nước, hăng hái tham gia công cuộc đổi mới đất nước, làm tốt việc đạo, làm tròn nghĩa vụ công dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy ước, hương ước khu dân cư nhằm loại bỏ, cải tạo những tập tục lạc hậu trong lễ hội, thờ cúng, ma chay, cưới xin. Kết hợp đồng bộ các biện pháp giáo dục, hành chính, phát triển kinh tế, pháp luật, trong đó biện pháp phát triển kinh tế phải đạt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, trình độ dân trí cho đồng bào. Qua đó giúp đồng bào ổn định đời sống vật chất, có điều kiện thuận lợi tiếp cận và hiểu biết chính sách, pháp luật, để không bị kẻ xấu lôi kéo, lừa gạt.

Thứ năm, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ có chất lượng. Quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng có năng lực, phẩm chất, tâm huyết với công việc, đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời chú ý cải thiện điều kiện và phương tiện làm việc để họ hăng hái tiếp tục làm công tác vận động quần chúng đạt chất lượng hiệu quả cao hơn nữa./.