Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, tình hình nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân đã có những tiến bộ toàn diện và to lớn. Tuy nhiên, hiện nay đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn vẫn còn thấp, số hộ nghèo còn lớn, khoảng cách giàu - nghèo đang có xu hướng doãng ra, nhiều vấn đề xã hội phát sinh, bức xúc...; đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục xóa đói, giảm nghèo theo hướng phát triển bền vững.

Trong những năm qua, mặc dù phải thường xuyên đối phó với thiên tai và chịu ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khan hiếm năng lượng, dịch bệnh gia cầm, nhu cầu lương thực và thực phẩm gia tăng trên thế giới, song sản xuất nông nghiệp của ta vẫn có những bước phát triển về năng suất, chất lượng và hiệu quả. An ninh lương thực được bảo đảm; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh. Nhiều sản phẩm như cao su, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy hải sản... xuất khẩu đứng thứ hạng cao trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng kinh tế đã từng bước đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện. Chúng ta đã xóa được một số hộ đói, giảm được một tỷ lệ đáng kể hộ nghèo.
 
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đối với những hộ đói nghèo, mọi biện pháp cứu trợ đều chỉ có ý nghĩa nhất thời, không dễ làm thay đổi hoàn cảnh nghèo đói kinh niên của họ. Trong khi, 73% dân số vẫn sống ở nông thôn; diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, đến mức, hiện chỉ còn dưới 0,1 ha/người (tức là chỉ bằng 2/5 mức diện tích canh tác tối thiểu để bảo đảm an ninh lương thực theo chuẩn của Tổ chức lương thực thế giới), thì muốn xóa đói, giảm nghèo theo hướng phát triển bền vững đối với nông dân, nông nghiệp và nông thôn; tạo bước chuyển đột phá và căn bản đối với chiến lược này, phải khắc phục tần gốc những nguyên nhân gây nên nghèo đói bằng một loạt những giải pháp đồng bộ. Ở đây, chỉ xin tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

1- Nâng cao hơn nữa nhận thức về đói nghèo và quyết tâm xóa đói giảm nghèo

Mọi việc bắt đầu từ nhận thức. Người nông dân thường bắt đầu bằng nhận thức trực quan. Đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì lại càng như vậy. Nhưng phần nhiều người nghèo, quá nghèo và đói thì không hẳn như vậy. Họ không có tivi, không có rađio, thậm chí, không có thời gian nghỉ vì "đầu tắt mặt tối" quanh năm. Thế nghĩa là cơn đói, cảnh nghèo khó thì thường trực mà căn nguyên đói nghèo, và cách thoát đói giảm nghèo thì tìm mãi không ra. Công bằng mà nói, mỗi làng, bản, buôn, ấp...dù ở vùng xa, hầu như cũng đã có được một chiếc loa công cộng. Các cuộc vận động “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”...đã có tác dụng nhất định tới tận mỗi miền quê hẻo lánh. Tuy thế vẫn còn là một khoảng trống quá lớn trong lĩnh vực truyền thông của thời đại công nghệ thông tin. Vì vậy, Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa về tài chính, thiết bị, thời gian và chất xám cho sự nghiệp truyền thông về lĩnh vực này. Làm cho mỗi người dân, trước tiên là những người đang lâm cảnh nghèo, đói nhận thức rõ nguyên nhân, tìm được một phương hướng và cách thức, kỹ năng với ý chí và nghị lực quyết tâm phấn đấu vươn lên xóa đói, giảm nghèo tiến tới khá giả và giàu có.

2- Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là tiền đề vật chất cho công nghiệp hóa nói chung, công nghiệp chế biến nói riêng; đồng thời tạo sự tăng trưởng và tích lũy từ nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư ở nông thôn nói chung, trực tiếp giải quyết tại chỗ vấn đề xóa đói, giảm nghèo nhanh, thiết thực và hiệu quả. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cần lưu ý chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ; bảo đảm tính cân đối, hài hoà giữa trồng trọt với chăn nuôi, giữa ngành nghề truyền thống với xây dựng các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại; hình thành các vùng kinh tế sản xuất hàng hoá tập trung. Phát triển ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp, có năng lực cạnh tranh và xuất khẩu. Từ đó, thu hút lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Đẩy mạnh liên minh công - nông - trí thức, nói rộng ra là nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cùng liên kết, hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo theo hướng phát triển bền vững.

Tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều cơ hội cho xóa đói, giảm nghèo. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải phát triển nguồn nhân lực, đào tạo tay nghề để nâng cao trình độ cho người sản xuất. Muốn vậy, công tác giáo dục - đào tạo, mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân lực trên địa bàn nông thôn cần được coi trọng. Tuy nhiên, có một thực tế là một số người nghèo đói vẫn không tận dụng được cơ hội này do mù chữ, thiếu kỹ năng, kém sức khoẻ và suy dinh dưỡng. Vì vậy, việc bảo đảm cho họ tiếp cận được các dịch vụ xã hội, đặc biệt là về giáo dục, chăm sóc y tế và kế hoạch hoá gia đình... có tầm quan trọng gấp bội. Nó không những sẽ làm giảm bớt những hậu quả trước mắt của sự nghèo đói mà còn đồng thời loại bỏ nguồn gốc của sự đói nghèo ấy.

Để từng bước hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, trước mắt cần tập trung vào các biện pháp cụ thể.

Một là, tăng năng suất đất canh tác nông nghiệp.

Hiện nay, đa phần dân số nông thôn và hộ gia đình nông thôn sống chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp (số ít hơn là ngư nghiệp và diêm nghiệp). Vì vậy, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp sẽ có tác dụng tăng khả năng xóa đói giảm nghèo ở toàn bộ khu vực nông thôn. Trong đó, tăng năng suất cây trồng là một biện pháp hữu hiệu nhất ở nước ta trong điều kiện hiện nay. Muốn vậy, một mặt, cần phải khẩn trương hoàn tất việc giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân sử dụng và phân bổ đều các cơ hội sử dụng các yếu tố này giữa các nhóm thu nhập, giúp điều hòa các nhóm thu nhập gia đình từ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là: giao quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân dưới nhiều hình thức thích hợp. Có thể chuyển giao dần các diện tích cây lâu năm cho các hộ nông dân theo khả năng nhận dưới các hình thức bán đất, khoán giá trị hoặc bán trả dần bằng sản phẩm. Khẩn trương hoàn tất việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân. Khuyến khích và giúp đỡ các hộ nông dân đổi đất cho nhau để khắc phục tình trạng ruộng đất quá phân tán và manh mún. Khuyến khích quá trình tích tụ ruộng đất hợp lý thông qua việc thực hiện quyền chuyển đổi và chuyển nhượng ruộng đất. Quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật, không để nông dân nghèo sống bằng nghề nông phải bán đất. Ngăn chặn và xử lý các thủ đoạn chèn ép, cưỡng đoạt ruộng đất của nông dân nghèo. Khuyến khích nông dân tự bỏ vốn và sức lao động để cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống kênh mương và giao thông nông thôn. Phải lấy hiệu quả sử dụng đất thông qua năng suất cây trồng và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích làm tiêu chuẩn để khuyến khích mở rộng diện tích trồng hoặc hỗ trợ đầu tư.
 
Mặt khác, xúc tiến mạnh mẽ việc trang bị công nghệ, vật tư và thiết bị tiên tiến cho nông nghiệp; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; sử dụng hợp lý hơn các yếu tố đầu vào (thủy lợi, phân bón, thuốc trừ sâu...); cải tiến giống và phương thức canh tác. Đây là một hướng đi rất cơ bản nhằm tạo cơ sở để tận dụng triệt để các tiềm năng đất đai, mặt nước, nguồn nhân lực đồi dào ở nông thôn, từng bước cải tạo nền nông nghiệp tụ túc tự cấp thành nền nông nghiệp cơ khí hiện đại, năng suất cao và mang tính hàng hóa rộng rãi.

Hai là, đa dạng hóa việc làm và đa dạng hóa các nguồn thu nhập ở nông thôn.

Giải quyết việc làm ở nông thôn thông qua mạng lưới ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp là một phương thức thích hợp và trên thực tế đã đem lại hiệu quả thiết thực ở nhiều nước phát triển. Nếu người lao động nông thôn vừa làm ruộng vừa làm các nghề khác trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nông thôn thì sẽ là biện pháp tốt nhất để tăng thu nhập cho người nông dân mà không cần phải sử dụng đến các giải pháp di dân. Hơn thế nữa nó còn tạo điều kiện để đầu tư lại cho nông nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
 
Để thực hiện biện pháp này, cần chú ý giải quyết một số vấn đề như: chọn ngành nghề có khả năng phát triển ổn định, sử dụng được nhiều lao động, nhiều lứa tuổi, đáp ứng được mức cầu của thị trường; khôi phục làng nghề, nghề truyền thống; khai thác các lợi thế về môi trường, thủy sản, giao thông du lịch...Phát triển mạng lưới dịch vụ trong nông nghiệp từ dịch vụ khuyến nông, bảo hiểm, tín dụng, cung cấp vật tư kỹ thuật, thiết bị máy móc, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng; đến các dịch vụ mua bán, chế biến lương thực thực phẩm, thủy sản để cung cấp trong nước và xuất khẩu; kể cả các dịch vụ bảo vệ thực vật, giao thông vận tải ở nông thôn, xây dựng sửa chữa nhà cửa...

Muốn đa dạng hóa việc làm và các nguồn thu nhập ở nông thôn thì hình thức tổ chức phải bảo đảm tính chất linh hoạt tùy theo khả năng, trình độ tổ chức của nông dân và phù hợp với điều kiện địa lý từng vùng của nước ta. Giải phóng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển; phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Cần tham khảo và nghiên cứu các hình thức tổ chức linh hoạt của các nước, các vùng lãnh thổ để tìm ra mô hình tốt cho mình. Chẳng hạn, xí nghiệp hương trấn ở Trung Quốc, xí nghiệp gia đình ở Đài Loan; đặc biệt là xí nghiệp vừa và nhỏ - xí nghiệp cấp 2, cơ sở sản xuất gia công - cấp 3 của nông dân Nhật Bản v.v.. Ở nước ta hiện nay, ngoài việc xúc tiến xây dựng các khu công nghiệp, đặc biệt là một số khu quy mô vừa và nhỏ, các trung tâm kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, cần tổ chức các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản theo hướng gắn kết các đơn vị cung cấp nguyên liệu - sản xuất - chế biến và tiêu thụ.

Ba là, nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng ở nông thôn.

Cùng với việc tăng tỷ trọng đầu tư vào hệ thống điện, đường giao thông, bến bãi, kho tàng, thủy lợi, trường học, trạm xá, chợ... như chúng ta đã và đang làm; Nhà nước cần phải cải tiến các cơ chế tài trợ của chính quyền địa phương để tăng khả năng tiếp cận với cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại. Đồng thời, cần tăng quyền tự quản chi tiêu và thực hành tiết kiệm của chính quyền các địa phương; và có thể "mở" đến tận các hình thức tự quản thông qua các hương ước, khế ước của các thôn, làng, bản, buôn, ấp để tài trợ cho những dự án đầu tư, hiện đại và bảo dưỡng thích hợp cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại tại nông thôn. Bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ nhằm phát triển các cơ sở hạ tầng có tính chất sống còn này.

Cuối cùng là, thực hiện thật tốt kế hoạch hóa gia đình và giảm tốc độ tăng dân số nông thôn.

Mức sinh quá cao trong khi việc làm còn thiếu, khiến cho nhiều hộ gia đình nông thôn không có điều kiện tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, văn hóa và càng không có khả năng thoát khỏi đói nghèo. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua, do chưa thấy hết được tính phức tạp của vấn đề này nên Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình chưa đạt được kết quả như mong muốn[1].
 
Để giảm tỷ lệ sinh theo kế hoạch, tiến tới ổn định quy mô dân số nông thôn và cả nước, trước mắt là thiết thực xóa đói, giảm nghèo cần tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp. Về kinh tế: cần ưu tiên giải quyết việc làm, tạo cơ hội có việc làm, đặc biệt là việc làm có thu nhập khá, cao và ổn định cho phụ nữ, nâng địa vị của người phụ nữ lên là một biện pháp hữu hiệu nhất. Đồng thời, về xã hội, phải tăng mọi cơ hội giáo dục và sinh hoạt tinh thần, phát huy dân chủ cho người nông dân và nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, tuyên truyền để đi đến xóa bỏ các tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ và các tư tưởng phong kiến lỗi thời khác còn dư hại tại nông thôn hiện nay.
 
Bên cạnh các biện pháp kinh tế, xã hội, cần thực hiện thật nghiêm các biện pháp hành chính, các nội quy, quy chế về tuổi sinh đẻ, khoảng cách giữa các lần sinh; có các hình thức khuyến khích, khen thưởng, đồng thời có các biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế của Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 
Kết hợp đồng bộ và hài hòa các biện pháp nêu trên trong tổng thể những giải pháp vừa cấp bách, trước mắt vừa cơ bản, lâu dài, Chương trình xóa đói giảm nghèo đối với nông dân, nông nghiệp nông thôn chắc chắn sẽ đạt được những kết quả thiết thực, giúp người nông dân thoát đói nghèo, từng bước tiến tới khá giả và giàu có, đời sống văn hóa - xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ và văn minh./.
 

[1] Theo Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Trong 2 năm 2003-2004, tỷ lệ phát triển dân số và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Chỉ tính trong quý I-2008, số trẻ mới sinh tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2007. Đáng chú ý là số Tỉnh có mức sinh con thứ ba trở lên tăng gấp đôi, từ 16 tỉnh năm 2007 lên 34 tỉnh.( TG ).